Quan tâm giáo dục giới tính cho trẻ nhập cư

GD&TĐ - 50 học sinh chen chúc trong một lớp học ở Trường Tiểu học Tongxin Experimental, trường học dành cho con cái lao động nhập cư ở ngoại ô Bắc Kinh. Hàng ngày các em học toán, khoa học, lịch sử và các môn học chính khóa quốc gia khác. 

Quan tâm giáo dục giới tính cho trẻ nhập cư

Nhưng vào thứ 6, các em học về giới tính. Trẻ nhập cư nói riêng và trẻ nghèo nói chung đang là đối tượng được quan tâm trong việc giáo dục giới tính.

Nỗi lo của phụ huynh

Trong một giờ học có chủ đề: Làm thế nào phòng ngừa xâm hại tình dục; giảng viên Li Xueyan đặt câu hỏi: “Nếu người bạn trên Internet của em muốn gặp riêng thì em sẽ nói gì?”. “Không!” - học sinh đồng thanh hô to.

Li là một trình dược viên, làm việc tình nguyện bán thời gian cho tổ chức phi chính phủ Xixi Garden, có trụ sở tại Bắc Kinh, dạy giáo dục giới tính cho các trường học dành cho học sinh gia đình thu nhập thấp tại Trung Quốc.

Tháng trước, dư luận Trung Quốc rúng động vì loạt vụ bê bối lạm dụng trẻ em trong đó có cáo buộc giáo viên mầm non cho trẻ em uống thuốc ngủ và xâm hại thân thể khi kiểm tra y tế.

Mặc dù điều tra chính thức kết luận không có lạm dụng tình dục nhưng phụ huynh Trung Quốc đã giật mình lo cách tự vệ cho con sau sự việc này. Giáo dục giới tính thu hút sự quan tâm tăng cao của phụ huynh.

Sách giáo dục giới tính thành thể loại sách bán chạy trong các nhà sách. Phụ huynh cũng đổ xô học trực tuyến tìm hiểu cách nói chuyện với con trẻ về giới tính và tình dục. Trong một xã hội mà niềm tin vào trường công hạn chế, phụ huynh đưa ra tính toán đơn giản: Nếu bạn không thể xoá lạm dụng tình dục, tốt hơn là tránh nó.

Còn nhiều trở lực

Han Xuemei, sáng lập Xixi Garden, tiến hành hoạt động tại hàng chục trường ở khu vực Bắc Kinh - đã đưa giáo dục giới tính đến hơn 9.000 học sinh tiểu học Bắc Kinh, hầu hết là khu phố nghèo. Sau những vụ bê bối mẫu giáo tháng trước, các trường học đã chủ động tiếp cận với Han để đưa chương trình GD về trường học.

Có nguyên nhân sâu xa là nền văn hoá kiêng kị nói về tình dục và sinh sản, Trung Quốc không có chương trình giáo dục giới tính trên toàn quốc. Hệ quả là giáo dục giới tính mỗi trường mỗi khác, thậm chí nhiều học sinh không nhận được chút nào GD giới tính.

Tại nhiều khu vực, đặc biệt là những khu vực nghèo hoặc những thành phố kém phát triển, những chương trình Xixi Garden cung cấp là kiến thức GD giới tính duy nhất mà học sinh nhận được.

“Khi lớn lên, tôi không có khái niệm nhỏ nhất tình dục thực sự là gì” - Liu Yang, 33 tuổi, cô giáo một trường tư ở Bắc Kinh chia sẻ - “Tôi chỉ biết qua phim ảnh”.

Chính phủ Trung Quốc đã có những bước đi tích cực cải thiện GD giới tính. Năm 2018, Bộ Giáo dục ban hành hướng dẫn “Giáo dục Sức khoẻ Tình dục”, quy định học sinh lớp 1 và 2 cần học về mang thai và “em bé được sinh ra từ đâu”. Năm 2011, nội các Trung Quốc ban hành “Đề cương Phát triển Trẻ em Trung Quốc 2011 - 2020” hướng dẫn các trường đưa các bài học về tình dục và sinh sản vào chương trình bắt buộc.

Tuy nhiên theo các chuyên gia thì nhiều trường chưa nghiêm túc đưa giáo dục giới tính vào chương trình.

Phụ huynh cũng là trở lực chính trong việc GD giới tính cho trẻ. “Nhiều phụ huynh nghĩ rằng nếu bạn dạy con họ về tình dục, chúng sẽ thử. Họ lo điều đó sẽ đẩy nhanh phát triển bản năng tình dục của trẻ” - Han cho biết.

“Nhiều phụ huynh muốn chúng tôi dọa dẫm trẻ rằng tình dục kinh khủng thế nào và nguy hiểm thế nào tới xã hội” - Han chia sẻ - “Nhưng nếu chúng tôi tiếp cận vấn đề theo cách này sẽ có thể ảnh hưởng tới cuộc sống của trẻ trong tương lai. Một ngày nào đó đến tuổi kết hôn, chúng sẽ cảm thấy tiêu cực với bạn đời tương lai của chúng!”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.