Nhưng cũng có nhiều gia đình không có điều kiện thì con cái thường thiệt thòi hơn, bởi vì cha mẹ phải thường xuyên bận rộn nhiều việc để mưu sinh nuôi sống gia đình. Do đó, các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn thường tự lập từ rất sớm như tự vệ sinh cá nhân, tự đi học, đi chơi... trong lúc cha mẹ vắng nhà.
Chính vì các em tự vui chơi không có sự quan tâm, giám sát thường xuyên của cha mẹ nên không lường trước những nguy hiểm rình rập xung quanh các cháu. Tuổi còn nhỏ nên bản tính tò mò, muốn tìm hiểu mọi vật xung quanh là điều không thể tránh khỏi nên có thể xảy ra những tai nạn đáng tiếc như chết đuối, tai nạn giao thông hoặc nghiêm trọng hơn là nguy cơ các cháu gái dễ bị xâm hại bởi các “yêu râu xanh”. Do chưa có đủ khả năng nhận thức nên các cháu dễ có hành vi lệch lạc, vi phạm pháp luật như trộm cắp, tham gia gây rối trật tự công cộng, bị kẻ xấu lạm dụng để phạm tội... nếu không có sự quan tâm, giám sát và uốn nắn kịp thời của cha mẹ. Khi cha mẹ phát hiện con mình có biểu hiện hư hỏng do thiếu sự quan tâm, giám sát và giáo dục con thì nhiều trường hợp không thể cứu vãn, cha mẹ đành bất lực nhìn con cái sa ngã, trượt dốc mà không thể ngăn chặn.
Để đảm bảo cho con được sống trong một môi trường xã hội lành mạnh và từng bước trưởng thành, cha mẹ cần phải thường xuyên quan tâm, giám sát và giáo dục con cái từ hành vi, lời nói nhằm uốn nắn, điều chỉnh kịp thời những biểu hiện lệch lạc để hình thành nhân cách đúng đắn, nhất là bảo vệ con cái trước những nguy hiểm rình rập xung quanh, khi chúng chưa đủ khả năng để tự vệ.