Trên các đại dương thế giới có những khu vực mà việc đếm số cá voi ở đó rất khó khăn do khoảng cách xa bờ. Một nhóm các nhà khoa học ở Cơ quan Khảo sát Nam cực của Anh (BAS) đã sử dụng những bức ảnh vệ tinh có độ phân giải cao do Công ty Maxar Technologies cung cấp, để phát hiện, tính đếm và mô tả 4 loại cá voi khác nhau.
Mỗi loài cá voi được quan sát thấy trong khu vực quần tụ, nơi các cá thể gặp nhau để tạo thành quần thể lớn hơn: Cá voi trơn phương Nam thường gặp ở Argentina, cá voi lưng gù ở Hawaii (Mỹ), cá voi vây ở gần đảo Corse (Pháp) còn cá voi xám ở gần bờ Mexico. Nhờ các nghiên cứu, các khoa học đã phân biệt 10 quần thể cá voi hiếm gặp.
“Đây là những bức ảnh cá voi chi tiết nhất do vệ tinh chụp được. Độ phân giải cao tiết lộ các đặc điểm đặc trưng như vây hoặc đuôi” – ông Hannah Cubaynes, nhà sinh thái học cá voi ở BAS cho biết.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu 7 bức ảnh đại dương do vệ tinh DigitalGlobe WorldView-3 thực hiện, cho thấy diện tích hơn 5.000 km2. Họ thấy rằng không phải tất cả các loài cá voi đều dễ dàng phân biệt trên ảnh. Cá voi vây và cá voi xám có màu sắc cơ thể tương phản với mặt biển, trong khi đó cá voi lưng gù và cá voi trơn phương Nam có màu sắc cơ thể tương đối giống với môi trường xung quanh.
Nhiều quần thể cá voi đang bị đe dọa nghiêm trọng. Công nghệ quan sát từ xa nói trên giúp các chuyên gia về cá voi có đủ thông tin để từ đó tìm ra biện pháp giúp các quần thể cá voi tồn tại.