Quán quân Hội thi “Nữ giáo viên sáng tạo năm 2014” chia sẻ bí quyết dạy Hình học lớp 10

GD&TĐ - Là thí sinh đoạt giải Nhất của Hội thi “Nữ giáo viên sáng tạo năm 2014”, cô Võ Thị Ngọc Ánh – Giáo viên Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Kon Tum) đã có nhiều sáng kiến kinh nghiệm trong công tác giảng dạy được áp dụng vào thực tiễn. 

Cô Võ Thị Ngọc Ánh - giải Nhất hội thi Nữ giáo viên sáng tạo năm 2014 do Bộ GD&ĐT tổ chức
Cô Võ Thị Ngọc Ánh - giải Nhất hội thi Nữ giáo viên sáng tạo năm 2014 do Bộ GD&ĐT tổ chức

Trong đó phải kể đến đề tài sáng kiến “Bộ hình ảnh động và sơ đồ tư duy hỗ trợ giảng dạy hình học lớp 10”. Được biết, đây cũng chính là đề tài mà cô đoạt giải Nhất của Hội thi trên. Dưới đây là một vài chia sẻ của cô Ánh về đề tài sáng kiến kinh nghiệm này. 

Theo cô Ánh, nếu như các hình ảnh trực quan có tác động lớn đến sự tiếp thu kiến thức của học sinh thì các hình ảnh hình học động càng có hiệu quả hơn so với các hình ảnh tĩnh. 

Ngoài ra, hiệu quả ghi nhớ thông qua sơ đồ tư duy, tức là hình ảnh hóa các kiến thức theo quy luật ghi nhớ của não bộ là điều không thể phủ nhận.

Nắm bắt được quy luật trên cô đã tạo lập một ngân hàng hình vẽ động và ngân hàng sơ đồ tư duy phục vụ giảng dạy môn hình học lớp 10 để việc sử dụng powerpoint trở nên nhanh chóng, đơn giản và thường xuyên hơn.

“Mỗi bài học trong từng chương tôi chọn lựa ít nhất một nội dung để biến những hình ảnh tĩnh trong sách giáo khoa thành hình ảnh động. Sau đó thể hiện song song ở hai dạng: video và file gốc trên các phần mềm: Sketchpad, Powerpoint). 

Ngoài ra sau mỗi bài hoặc mỗi chương đều thiết lập các sơ đồ tư duy để tóm tắt, củng cố các kiến thức và cũng được thể hiện song song ở hai dạng: video và file gốc trên phần mềm Imindmap” – Cô Ánh chia sẻ.

Các phần mềm mà cô Ánh sử dụng chủ yếu là: Phần mềm trình chiếu: Powerpoint 2003; Phần mềm vẽ hình động trong toán học: Sketchpad 5; Phần mềm vẽ sơ đồ tư duy: Imindmap 5; Phần mềm quay phim màn hình: Camtasia Studio 6 và Phần mềm chỉnh sửa hình ảnh: Paint.

Sơ đồ sản phẩm sáng kiến kinh nghiệm của cô Ánh
 Sơ đồ sản phẩm sáng kiến kinh nghiệm của cô Ánh

Cách sử dụng sản phẩm như sau:

Đối với các file video có sẵn: giáo viên có thể chèn vào phần mềm trình chiếu powerpoint, phần mềm violet, chèn vào bài giảng elearning…

Đối với các file gốc: giáo viên có thể chạy trực tiếp file trên các phần mềm tương ứng Sketchpad (file đôi .gsp), Powerpoint (file đuôi .ppt), Imindmap (file đuôi .imx). 

Đặc biệt giáo viên có thể chỉnh sửa lại theo ý đồ giảng dạy rồi sử dụng trực tiếp hoặc dùng kỹ thuật quay màn hình (Camtasia Studio) để quay lại thành video để sử dụng.

Chú ý khi áp dụng vào giảng dạy bộ môn toán, phần mềm trình chiếu powerpoint chỉ nên sử dụng như một “bảng phụ thông minh” tức là chỉ trình chiếu một số hình vẽ hoặc đề bài tập … chứ không trình chiếu hoàn toàn nội dung của bài dạy vì có thể học sinh không ghi chép và hiểu bài được.

Đề tài sáng kiến kinh nghiệm trên, đã được cô Ánh áp dụng ở Trường THPT Nguyễn Tất Thành. Kết quả cho thấy giáo viên đã tiết kiệm thời gian soạn giảng, có thể sử dụng các video có sẵn. 

Đồng thời, có thể nắm bắt ý tưởng và chỉnh sửa file gốc trên các phần mềm: Sketchpad, Powerpoint, Imindmap theo ý đồ của từng giáo viên, phù hợp với đối tượng học sinh giảng dạy, phù hợp với sách giáo khoa mới (nếu có sự thay đổi).

Mặt khác, mỗi bài giảng trở nên sinh động hơn, có điểm nhấn nhờ sử dụng các hình ảnh động thay vì hình ảnh tĩnh trong sách giáo khoa. Sử dụng các sơ đồ tư duy thuận lợi và nhẹ nhàng trong các phần củng cố kiến thức, các tiết ôn tập chương.

Còn đối với học sinh, các em đã hứng thú học tập, khắc sâu kiến thức thông qua các hình ảnh động. Ngoài ra, sử dụng các sơ đồ tư duy còn giúp cho học sinh hệ thống hóa tốt các kiến thức đã học, tăng cường khả năng hiểu và ghi nhớ, phát triển tư duy cho học sinh.

Xem vi deo về đề tài sáng kiến kinh nghiệm “Bộ hình ảnh động và sơ đồ tư duy hỗ trợ giảng dạy hình học lớp 10” của cô Anh dưới đây:

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ