Cuộc chiến chống Mỹ của Việt Nam thường được nhớ tới bởi các cuộc giao tranh nhỏ, tầm chiến lược. Bên cạnh đó, một số cuộc tấn công và trận chiến lớn đã làm ảnh hưởng nhiều đến kết quả của cuộc chiến. Đồng thời, làm nên tên tuổi của lực lượng quân đội Việt Nam. Hãy cùng điểm qua 5 trận chiến tiêu biểu trong thời kỳ Việt Nam chống Mỹ do các hãng thông tấn nước ngoài và trong nước đánh giá.
1. Thung lũng Ia Đrăng (26/10 - 27/11/1965)
Vào cuối năm 1965, trên chiến trường miền Nam, quân và dân ta mở nhiều chiến dịch, trận đánh trực tiếp với quân Mỹ và giành thắng lợi vang dội. Trong đó, trận Ia Đrăng là một trong những thắng lợi điển hình với nhiều nét nghệ thuật đặc sắc.
Với cách đánh “vây điểm, diệt viện”, cuối tháng 10/1965, trong khuôn khổ Chiến dịch Plây-me, quân ta đã vây ép đồn Plây-me, tiêu diệt đồn Chư Ho, buộc địch phải điều một chiến đoàn bộ binh cùng Chiến đoàn thiết giáp số 3 ngụy ứng cứu nhưng cũng bị lực lượng của ta đánh bại.
Ngày 14/11/1965, Lữ đoàn 3 kỵ binh Mỹ dùng máy bay lên thẳng đổ quân xuống thung lũng Ia Đrăng (cách đồn Plây-me 25 km về phía Tây) nhằm đánh đòn bất ngờ vào sau lưng đội hình các đơn vị chủ lực ta. Đây cũng là tình huống nằm trong phán đoán của ta, nhằm đưa bộ đội chủ lực trực tiếp đương đầu với quân Mỹ. Nhờ đó, tìm hiểu khả năng tác chiến của chúng và xây dựng cách đánh Mỹ cho bộ đội. Vì thế, trận Ia Đrăng đã diễn ra liên tục nhiều giờ, cả ngày lẫn đêm, dưới các loại hỏa lực bom và đạn pháo của Mỹ.
Bằng quyết tâm cao, thế trận vững chắc, hiểm hóc và cách đánh linh hoạt, quân ta tiêu diệt gần hết một tiểu đoàn và đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn khác của Lữ đoàn 3 kỵ binh không vận Mỹ. Đồng thời, khiến chúng phải tháo chạy khỏi thung lũng Ia Đrăng. Đây là trận đầu tiên quân đội ta tiêu diệt gần hết tiểu đoàn quân Mỹ trên chiến trường miền Nam, với nhiều nét nghệ thuật đặc sắc: Khôn khéo điều dụ quân Mỹ đến địa bàn có lựa chọn để hình thành trận then chốt, tiêu diệt lớn quân địch; Tạo lập thế trận vững chắc, linh hoạt, có chiều sâu, sẵn sàng đánh bại chiến thuật mới của quân Mỹ; Vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu để tiêu diệt từng đại đội, tiểu đoàn quân Mỹ.
2. Khe Sanh (21/1 - 9/4/1968)
Năm 1968, một trong những trận đánh được biết đến nhiều nhất trong Chiến tranh Việt Nam đã nổ ra tại căn cứ Khe Sanh, nằm cách khu vực phi quân sự (DMZ) 14 dặm (22km) và cách biên giới Lào 6 dặm (9,6km). Bị Thủy quân Lục chiến Mỹ chiếm đóng từ một năm trước đó, căn cứ Khe Sanh, vốn là một tiền đồn cũ của thực dân Pháp, đã được sử dụng làm nơi tiến hành các chuyến tuần tra tiền phương. Đồng thời, đó cũng là điểm xuất phát tiềm năng cho các chiến dịch dự tính trong tương lai nhằm cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh ở Lào.
Trận đánh bắt đầu bằng cuộc đối đầu vũ trang giữa Tiểu đoàn 3 thuộc Thủy quân Lục chiến số 26 với một tiểu đoàn quân giải phóng, diễn ra giữa hai ngọn đồi nằm phía Tây Bắc căn cứ. Ngày hôm sau, lực lượng quân giải phóng chiếm được làng Khe Sanh và nã pháo vào căn cứ, đánh trúng kho đạn chính và làm nổ tung 1.500 tấn thuốc nổ.
Đợt tấn công không ngừng đã khiến các lí#nh thủy Mỹ tại Khe Sanh “chôn chân” trong các chiến hào và boong ke. Do căn cứ phải được tiếp tế bằng đường không, bộ chỉ huy tối cao của Mỹ không muốn đưa thêm quân vào và thảo ra một kế hoạch chiến đấu sử dụng pháo kích, không kích quy mô lớn.
Trong cuộc bao vây 66 ngày này, máy bay Mỹ đã thả xuống 5.000 quả bom mỗi ngày, với sức nổ tương đương 5 quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima. Chiến dịch giải cứu Khe Sanh, được gọi là Chiến dịch Pegasus, bắt đầu vào đầu tháng 4 khi Sư đoàn Không kỵ 1 và một tiểu đoàn của Việt Nam Cộng hòa tiếp cận căn cứ từ phía Đông và Nam. Trong khi đó, lính thủy từ bên trong đánh sang hướng Tây để mở lại Đường 9.
Cuộc bao vây kết thúc vào ngày 6/4, khi lực lượng Kỵ binh hội quân được với lực lượng Thủy quân Lục chiến số 9 tại phía Nam sân bay Khe Sanh. Trong cuộc đụng độ cuối cùng một tuần sau đó, Tiểu đoàn 3, Thủy quân Lục chiến 26 đã đẩy lùi lực lượng quân giải phóng khỏi Đồi 881. Tướng William
Westmoreland - Tổng Tư lệnh quân đội Mỹ - cho rằng, Khe Sanh giữ vai trò nút chặn quan trọng ở phía Tây DMZ. Đồng thời, khẳng định rằng, nếu căn cứ này sụp đổ, quân giải phóng đã có thể đánh tập hậu lực lượng phòng thủ của Thủy quân Lục chiến dọc theo vùng đệm.
3. Chiến dịch Mậu Thân (30/1 - 28/3/1968)
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã làm đảo lộn thế bố trí, phá vỡ kế hoạch tác chiến dự định của Mỹ. Cuộc Tổng tiến công này là một sự kiện lịch sử quan trọng, để lại dấu ấn sâu đậm trong tiến trình lịch sử Việt Nam hiện đại.
Đêm 30/1/1968, trong tiếng pháo Giao thừa đón năm mới Mậu Thân, súng đã nổ đồng loạt tại hơn 100 trung tâm chính trị - kinh tế của chính quyền Sài Gòn. Hầu như tất cả các trụ sở cơ quan đầu não chính trị, căn cứ quân sự, trung tâm chỉ huy của Mỹ đều bị tấn công bất ngờ. Dinh Tổng thống, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh Hải quân đã bị các đơn vị đặc công vây hãm. Sân bay Tân Sơn Nhất, “Lầu Năm Góc ở Đông Nam Á” - Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ (MACV) tại Sài Gòn bị pháo kích.
Ngày 1/2/1968, hình ảnh Tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn bị tấn công được đăng trên trang nhất tờ New York Times. Thời điểm đó, phóng viên Mỹ Walter Cronkite cho biết: “Chúng ta đã bị thất vọng nhiều lần bởi sự lạc quan của các nhà lãnh đạo Mỹ… Bởi, hơn lúc nào hết, người ta càng thấy rõ rằng kinh nghiệm ở Việt Nam chỉ đưa đến tình trạng bế tắc”. Bộ trưởng Quốc phòng R.Mc. Namara từ chức ngày 29/2/1968. Bộ trưởng thay thế Clark Clifford tin rằng, cuộc chiến ở Việt Nam “như một cái thùng không đáy” và dù Mỹ có gửi bao nhiêu quân sang đó, đối phương vẫn có thể đáp trả. Ngày 26/3/1968, nhóm cố vấn cấp cao cũng đưa ra lời cảnh báo “Mỹ không còn có thể làm được cái công việc mà Mỹ đã khởi sự ba năm trước đây” và “Mỹ buộc phải bắt đầu có biện pháp rút lui”.
Sự thay đổi quan điểm của hầu hết những người am hiểu cuộc chiến tranh sau chiến dịch Tết Mậu Thân đã làm Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson “dao động một cách sâu sắc”. Ngày 31/3/1968, Tổng thống Johnson tuyên bố chấm dứt thời kỳ Mỹ cam kết tăng cường đưa quân vào cuộc chiến trên bộ ở Việt Nam. Đồng thời, ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở ra và sẵn sàng đàm phán với Hà Nội.
Nhà phân tích Don Oberdorfer cho rằng: “Những người Cộng sản Việt Nam, bằng cuộc tấn công bất ngờ Tết Mậu Thân 1968, đã đạt được mục đích lớn nhất của mình: Bẻ gãy ý chí duy trì chiến tranh của giới lãnh đạo Mỹ để đẩy hoàn toàn quân Mỹ ra khỏi chiến trường miền Nam Việt Nam”.
Giới lãnh đạo Mỹ thừa nhận, chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 đã đặt họ “trước một bước rẽ trên đường đi” và “các giải pháp để lựa chọn đã phơi bày trong một thực tế tàn nhẫn”.
Các nhà hoạch định chiến lược của Mỹ cho rằng, chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 như một tảng băng. Ở đó, các hoạt động quân sự của đối phương chỉ là phần nổi. Phần chìm của tảng băng đó chính là ý chí quyết tâm chống xâm lược của nhân dân Việt Nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết trong chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
4. Trận Đồi Thịt Băm (10/5 - 20/5/1969)
Đồi Thịt Băm là nơi diễn ra một trong những trận chiến căng thẳng nhất trong Chiến tranh Việt Nam. Trận chiến làm rung chuyển chính trường nước Mỹ, dẫn đến kết cục buộc chính quyền Mỹ phải từng bước rút quân khỏi Việt Nam. Từ ngày 10 - 20/5/1969, quân đội Mỹ mở cuộc tấn công vào núi A Bia, thuộc huyện A Lưới, nhưng đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của quân giải phóng. Báo chí Mỹ gọi A Bia là trận chiến Đồi Thịt Băm.
Theo kế hoạch của Bộ Tư lệnh Mỹ ở Việt Nam MACV, trận đánh vào cao điểm 937- A Bia là giai đoạn hai của chiến dịch đầy tham vọng mang tên: “Apache Snow”. Quân đội Mỹ quyết định huy động lực lượng tham chiến tương đương 2 sư đoàn. Để đối phó với phi pháo của đối phương, Trung đoàn 3 đã cho công binh khoét núi xây dựng hầm hào ở núi A Bia và giao trách nhiệm cho Tiểu đoàn 8 giữ chốt nhằm thu hút địch. Hai đơn vị còn lại, Trung đoàn giao Tiểu đoàn 7, tiến công trên các điểm cao 916 và 903, Tiểu đoàn 9 dự bị.
Các tướng lĩnh Mỹ cho rằng, A Bia là một khu vực địa hình quan trọng đối với thung lũng A Lưới, A Sầu nên quyết định huy động lực lượng tương đương với hai sư đoàn. Lợi dụng địa thế hiểm trở cùng thời tiết khắc nghiệt rừng núi, các đơn vị bộ đội chủ lực của ta phối hợp với lực lượng bộ đội địa phương, dân quân du kích chủ động tấn công đập tan nhiều cuộc hành quân của địch.
Bộ đội ta lợi dụng vị trí cao, áp đảo hoàn toàn đối phương, phía Mỹ phải viện vào hỏa lực mạnh, gọi yểm trợ liên tục. Mặc dù vậy, trận địa của ta vẫn được giữ vững tới ngày 18/5 mới rút lui dần do đạn dược và lương thực đã cạn. Chủ trương đánh tiêu hao sinh lực địch, bảo toàn lực lượng và rút lui an toàn của ta đã hoàn thành. Dư luận và báo chí Mỹ gọi trận chiến này là “Đồi Thịt Băm” để chỉ tổn thất nặng nề mà quân đội Mỹ đã phải hứng chịu chỉ để chiếm một vị trí “không có giá trị quân sự” như họ công bố khi rút lui vào ngày 5/6/1969.
5. Chiến dịch Hồ Chí Minh (30/4/1975)
Ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, chấm dứt 21 năm chiến đấu chống đế quốc Mỹ và chính quyền ngụy Sài Gòn. Trước những diễn biến mới của tình hình chính trị nước Mỹ và sự suy yếu của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, Bộ Chính trị đã họp tháng 10/1974 và tháng 1/1975 quyết định mục tiêu giải phóng hoàn toàn miền Nam trong 2 năm
1975 - 1976. Tận dụng thời cơ chiến lược quan trọng đến từ chiến thắng Phước Long và chiến thắng Ban Mê Thuột, Bộ Chính trị họp ngày 25/3/1975 nêu nhiệm vụ cụ thể giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa. Đến cuộc họp ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị nhận định, thời cơ chiến lược tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào sào huyệt của địch đã hoàn toàn chín muồi. Cần có quyết tâm lớn hoàn thành trận quyết định chiến lược cuối cùng tốt nhất trong tháng 4/1975.
17 giờ ngày 26/4, quân ta đã nổ súng mở đầu chiến dịch. 5 cánh quân của ta đã vượt qua tuyến phòng thủ của địch để tiến vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của chúng. 10 giờ 45 phút ngày 30/4, xe tăng và bộ binh của ta tiến vào Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn. Đến 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên Dinh Độc Lập, báo hiệu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Chiến thắng ngày 30/4/1975 là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Đây là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới, góp phần thúc đẩy cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đồng thời, cổ vũ động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên toàn thế giới.