Dạy con biết lao động từ nhỏ
Đôi tay run run mở chiếc cặp nhựa rồi cẩn thận lật giở từng lá thư đã ố vàng. Mỗi tập thư đều được bà kẹp lại theo từng thời kỳ, khi bà đi học, thời còn ở nhà và khi ra trường.
Giọng bà nghẹn ngào khi đọc lá thư của bố bà - Đại tướng Hoàng Văn Thái gửi cho cách đây gần 50 năm. Bà là PGS. TS. Đại tá Hoàng Minh Châu, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương quân đội 108, con gái thứ 5 của Đại tướng.
Trong căn phòng nhỏ trên phố Lý Nam Đế (Hà Nội), giọng bà Châu buồn buồn khi kể về người cha của mình – Đại tướng Hoàng Văn Thái, nguyên Tổng tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Bà Châu nhớ lại, từ bé bà và các anh chị em trong gia đình đã được bố rèn cho đức tính trung thực, thẳng thắn và tập lao động.
“Gần nhà tại phố Hoàng Diệu có khu vườn rất rộng nên hàng ngày bố tôi đều giao cho các con một diện tích đất nhất định để lao động, cuốc đất.
Sau đó ông kiểm tra lại nếu ai làm ẩu sẽ chịu hình phạt rất nghiêm khắc, không cho ăn cơm, còn ai làm tốt, ông sẽ khen thưởng trước toàn thể gia đình vào mỗi buổi tối. Đó là đức tính trung thực trong lao động mà ông dạy cho chúng tôi” – Bà Châu nhớ lại.
Bà Châu nói tiếp: Hàng ngày, sau khi ăn cơm tối xong, bố tôi đều tổ chức họp gia đình, trước khi họp ông đều dành thời gian 15 phút để chị em chúng tôi đọc những bài báo trong mục xã luận mà ông lựa chọn.
Trong mỗi buổi họp gia đình ông lại nhận xét, góp ý cho từng người con làm việc, học tập thế nào, cần khắc phục sửa chữa, thay đổi gì ông cũng thẳng thắn nói tại cuộc họp.
Đức tính khiêm tốn cũng được Đại tướng dăn dạy các con cái từ nhỏ. Khi ông đi nhận nhiệm vụ phía Nam, bà cũng chỉ biết rằng, ông là cán bộ chứ không biết cụ thể ông giữ chức vụ gì
Ông cũng không bao giờ nói cho các con biết ông được giao chức vụ mà chỉ biết rằng công việc của ông rất bận nên thời gian ông dành cho gia đình chỉ là những phút giây tranh thủ để về nhà, rồi lại tiếp tục đi làm nhiệm vụ.
Do vậy, năm 1974 khi ông đến thăm trường Đại học quân y khi bà Châu đang học năm cuối khi lãnh đạo nhà trường giới thiệu ông là Tư lệnh quân giải phóng lúc đó bà mới biết bố mình giữ chức vụ cao cấp như vậy.
Bà Châu nhớ lại, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những năm 60, thời gian Đại tướng Hoàng Văn Thái được giao nhiệm vụ phụ trách Tư lệnh kiêm Chính ủy quân khu 5, Phó bí thư Quân ủy, Tư lệnh Quân giải phóng, ông luôn dành thời gian rảnh rỗi để viết thư gửi về dạy bảo các con.
Kể đến đây, bà Châu nghẹn lại, ngày 1.5.2015 tới đây là tròn 100 năm ngày sinh của bố tôi, những kỷ niệm cũ lại ùa về, hiện nguyên trong tâm trí bà.
“Mẹ tôi là người phụ nữ quê Cao Bằng, là người được giao nhiệm vụ kéo lá cờ vào sáng 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình. Gia đình chúng tôi có 8 anh chị em nên vui lắm.
Ba mẹ tôi là những người rất yêu văn nghệ. Ông chính là tác giả bài hát “Phất cờ Nam tiến” - bài hát được sáng tác trước ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Cha tôi biết kéo nhị và thổi kèn acmonica, mẹ tôi hát hay và biết chơi đàn mandolin.
Đại tướng Hoàng Văn Thái chụp cùng con gái Hoàng Minh Châu tháng 4/1969 (Ảnh: Do bà Châu cung cấp) |
Ở chiến trường rất ác liệt nhưng tranh thủ lúc rảnh rỗi, Đại tướng Hoàng Văn Thái lại viết thư động viên, dạy bảo các con.
Viết thư dạy con từ chiến trường khói lửa
Tết năm 1967, Đại tướng Hoàng Văn Thái kể với các con: “Tết vừa qua không có đông đủ gia đình, không được về ông bà ngoại, không có pháo và bánh chưng như mọi năm nhưng Ba đã hưởng một cái tết rất có ý nghĩa và mang một kỷ niệm hết sức sâu sắc trong đời mình.
Ba đã đi ăn tết cùng nhân dân trong vùng giải phóng ngay sát vùng tranh chấp giữa ta và địch, có lúc ở cách đồn giặc có 1 km. Ba đi thăm nhiều gia đình, gặp nhiều người từ em bé 6 tuổi đến cụ già 80 tuổi, gặp bộ đội và du kích.
Có thể nói, năm nay Ba được hưởng cái tết rộng rãi hơn mọi năm nhiều. Trong một hoàn cảnh đầy đau thương uất hận nhưng anh dũng tuyệt vời, Ba càng hiểu lòng dân và sức mạnh vô cùng tận trong nhân dân, càng thấy nhân dân ta thực sự anh hùng”.
Trong bức thư viết tháng 8.1967, ông dạy chúng tôi: “Các con ạ, muốn trưởng thành, trước hết phải bồi dưỡng và rèn luyện cho mình có lý tưởng.
Lý tưởng của các con bây giờ chính là: Độc lập, thống nhất, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Có lý tưởng rồi, còn phải coi việc phấn đấu cho lý tưởng là điều cao quí nhất, là hạnh phúc lớn nhất...”.
Lá thư Đại tướng Hoàng Văn Thái gửi các con viết ngày 15.2.1968 (Ảnh: Xuân Hải) |
Năm 1971, bà Châu đang đi thực tập ở bệnh viện nên Đại tướng đã viết thư dạy rằng: “Ba tin tưởng con sẽ trở thành thầy thuốc giỏi, đúng như lời Bác Hồ dạy “Lương y như từ mẫu”. Do đó con vừa phải giỏi chuyên môn lại vừa phải rèn luyện đức tính kiên trì nhẫn nại, tinh thần phục vụ tận tụy”.
Năm 1972, giặc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, dùng máy bay B52 thả bom từ Thanh Hóa ra Hà Nội. Lúc này, bà Châu đang thực tập tại Bệnh viện Quân y tại Thanh Hóa.
Đại tướng Hoàng Văn Thái viết: “Bây giờ là 3h sáng, Ba không ngủ được. Máy bay địch hoạt động nhiều về ban đêm. Ba ngồi dưới hầm viết thư này cho con gái yêu, trong lúc Ba rất nhớ Mẹ và các con.
Ba rất vui mừng thấy con gái Ba học tập tiến bộ, sức khỏe tốt và đã là đồng chí của Ba rồi. Ba chúc mừng con. Lần này, địch đánh phá miền Bắc ác liệt hơn, toàn dân đều phải chiến đấu.
Con sẽ đứng trong đội ngũ chiến đấu đó, đi cứu chữa cho bộ đội và nhân dân. Thế là con đã vào trận tuyến rồi. Ba chúc con luôn chiến thắng và hoàn thành nhiệm vụ”.
“Thư cha viết cho chúng tôi lúc nào cũng vui, lúc nào cũng đầy tình cảm và sự tin tưởng, động viên chúng tôi cố gắng phấn đấu học tập, rèn luyện để sau này cống hiến được nhiều cho Tổ quốc.
Điều đó chúng tôi ghi nhớ suốt đời. Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của cha, ngồi một mình nhớ về cha, tôi thầm ước: giá như lúc này cha vẫn còn…” – Bà Châu nói.