(GD&TĐ) - Lại một lần nữa, cơn lốc biểu tình đường phố đã cuốn phăng vị Tổng thống dân cử đầu tiên trong lịch sử Ai Cập- Mohammed Morsi. Đêm thứ tư (3/7), ngay sau khi kết thúc hạn chót của tối hậu thư, Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi ra tuyên bố tạm đình chỉ hiến pháp và tổ chức bầu cử trước thời hạn. Tổng thống Mohammed Morsi chính thức bị lật đổ, Chủ tịch Toà án Hiến pháp Adly Mansour được cử làm Tổng thống tạm quyền.
Quảng trường Tahrir vỡ oà
Tổng thống Ai Cập Mohammed Morsi bị bắt giữ |
Mọi diễn biến tương tự như những gì đã xảy ra vào đêm 11/2/2011, khi Ai Cập lật đổ chế độ của Tổng thống Hosni Mubarak. Có khác chăng chỉ ở chỗ Morsi không chấp nhận tối hậu thư và tuyên bố chiến đấu đến cùng vì “nền dân chủ non trẻ” của Ai Cập.
Đêm thứ tư (3/7), sau khi quân đội tuyên bố Mohammed Morsi không còn là Tổng thống của Ai Cập sau hàng loạt những nỗ lực thuyết phục ông ta từ chức, cả quảng trường Tahrir nhanh chóng biến thành biển pháo hoa- Reuters đưa tin. Dân chúng cùng với quân đội ôm nhau và hò reo ăn mừng chiến thắng của “biểu tình đường phố”, của ý chí dân tộc.
“Chúng tôi đã nhiều lần kêu gọi đối thoại quốc gia nhưng lãnh đạo đất nước đã từ chối” - Tướng Al - Sisi nói. “Chúng tôi đề nghị Mohammed Morsi tự nguyện từ chức nhưng ông ấy bác bỏ, còn bài phát biểu cuối cùng của ông ấy không đáp ứng được đòi hỏi của nhân dân” - Al - Sisi nhấn mạnh. Cũng theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập thì vào những ngày cuối cùng, lực lượng vũ trang đã có những nỗ lực vượt bậc nhằm làm sống lại tiến trình hòa giải dân tộc trong tất cả các lực lượng chính trị nhưng vô vọng. Tướng Al-Sisi cũng kêu gọi tất cả các phe phái chính trị hãy duy trì những cuộc biểu tình hòa bình, bằng không quân đội sẽ có những can thiệp cứng rắn.
Sau tuyên bố hạ bệ Tổng thống Morsi độ vài giờ, các thủ lĩnh của tổ chức “Những người Hồi giáo anh em” như: Saad al - Katatni, cố vấn tối cao Rashad al - Bayoumi và Chủ tịch đảng “Công lý và Phát triển” đã bị bắt giữ. Không dừng lại ở đó, 300 thành viên quan trọng của tổ chức “Những người Hồi giáo anh em” cũng bị lực lượng an ninh Ai Cập bắt giữ, các kênh truyền hình của tổ chức này là “Al - Nas”, “Egyp-25”, “Hafez” bị đóng cửa.
Trang web chính thức của Văn phòng Tổng thống Morsi trên Facebook gọi những gì diễn ra ở Ai Cập là cuộc đảo chính quân sự. “Với tư cách một Tổng thống tôi kêu gọi tất cả người dân Ai Cập chống lại cuộc đảo chính quân sự một cách hoà bình” - Mohammed Morsi tuyên bố. Ông Morsi cũng khẳng định rằng những người đưa ra “lộ trình” không có thẩm quyền này và tất nhiên là phạm pháp - Hãng thông tấn Itar - TASS trích dẫn.
Hiện tại, Tổng thống Morsi đang ở đâu không được xác nhận. Trước đó có tin Morsi bị giam lỏng tại gia, sau đó lại có tin bị quân đội quản thúc tại “một nơi an toàn tuyệt đối”.
Theo các phương tiện truyền thông, ngay sau bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập trước đông đảo nhân dân, quân lính với xe tăng, xe bọc thép đã án ngữ trên khắp đường phố Cairo. Quân đội đã nhanh chóng chiếm giữ đài phát thanh, truyền hình, nhà chính phủ và các địa điểm trọng yếu.
Sau bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng, hàng loạt các giáo sĩ cũng lên tiếng ủng hộ quân đội. Đại diện của phe đối lập Mohammed al - Baradei tuyên bố: Cuộc cách mạng 2011 đã “khởi động lại”.
Tương lai nào cho đất nước kim tự tháp?
Pháo hoa rợp trời quảng trường Tahrir |
Như vậy, 1 năm cầm quyền của Tổng thống dân cử đầu tiên - Mohammed Morsi đã kết thúc. Cách đây 1 năm, hàng triệu người Ai Cập đặt niềm tin vào vị Tổng thống dân cử đầu tiên và giờ đây, hàng triệu người lại xuống đường đòi lật đổ.
Phát biểu trên truyền hình ngày 3/7, Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập Al-Sisi đã công bố “lộ trình” của giai đoạn chuyển tiếp sau khi Tổng thống Mohammed Morsi bị lật đổ. Theo “lộ trình” này thì hiến pháp do tổ chức “Những người Hồi giáo anh em” soạn thảo bị đình chỉ, Ai Cập sẽ tổ chức lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời của ông Adly Mansoor cùng tổ chức bầu cử Quốc hội và Tổng thống trước thời hạn. Ai Cập sẽ thành lập Chính phủ lâm thời và Uỷ ban soạn thảo hiến pháp mới. Lộ trình của quân đội tôn trọng tự do ngôn luận và thông tin truyền thông.
Lộ trình tất nhiên sẽ là như vậy, tuy nhiên, theo các nhà phân tích, cuộc đảo chính quân sự vừa qua đã gây ra một tiền lệ xấu, gây bất ổn cho chính trường Ai Cập và thực sự là cái “barie” chặn nước này đến với nền dân chủ thực thụ. Hậu quả của nó là tiến trình hoà hợp dân tộc, chuyển giao quyền lực ở Ai Cập chắc chắn chẳng dễ dàng gì. Tổ chức “Những người Hồi giáo anh em” vẫn còn đủ mạnh để có thể ngăn cản tiến trình này. Các nhà phân tích không loại trừ việc phế truất Mohammed Morsi sẽ đưa Ai Cập sang một chương mới, tồi tệ hơn. Được làm vua, thua làm giặc, “Những người Hồi giáo anh em” rất có thể sẽ trở lại thuở ban đầu của nó là một tổ chức khủng bố, cướp phá.
Tương lai của Ai Cập là khá mịt mờ. Có lẽ còn lâu người Ai Cập mới đến được “mùa xuân Ả Rập” như họ từng khao khát.
Duy Long (TH)