Quan điểm, giải pháp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ tổ quốc

GD&TĐ - Hội thảo khoa học Quan điểm, giải pháp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ tổ quốc được tổ chức chiều 16/10.

Quan điểm, giải pháp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ tổ quốc.
Quan điểm, giải pháp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ tổ quốc.

Nhiệm vụ đặc biệt

Hội thảo khoa học với chủ đề: “Quan điểm, giải pháp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nằm trong khuôn khổ Đề tài khoa học cấp nhà nước “Cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ hoạch định đường lối, chiến lược xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia.

Hội thảo do Trường ĐH KHXH và NV, Hội đồng Lý luận Trung ương, ĐHQG HN tổ chức.
Đây là dịp để tổng hợp ý kiến để phục vụ hoàn thiện Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội lần thứ XIV của Đảng, nhất là Báo cáo chính trị trong thời gian sắp tới.

hoi-thao-dhqghn-3239.jpg
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu chỉ đạo.

Phát biểu chỉ đạo, ông Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao cho Hội đồng lý luận Trung ương làm đầu mối tổ chức thực hiện, nhằm cung cấp những luận cứ khoa học vững chắc cho hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước giai đoạn tới.

Chia sẻ quan điểm, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân khẳng định: Việc Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với ĐHQGHN tổ chức Hội thảo “Quan điểm, giải pháp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” hết sức có ý nghĩa. Một mặt, khẳng định vị thế tiên phong của ĐHQGHN trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Bên cạnh bề dày lịch sử, truyền thống, nhờ thế mạnh của mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực và đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành, trình độ cao.

ĐHQGHN thực sự là một trung tâm lớn và có uy tín trong và ngoài nước, là địa chỉ tin cậy trong tư vấn và triển khai các chính sách của Đảng và Nhà nước nói chung, trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu nói riêng. Mặt khác, để chuẩn bị cho các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng, Bộ Chính trị đã chỉ đạo thực hiện “Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam”.

vnu-hoi-thao-khoa-hoc-hoi-dong-ly-luan-trung-uong-20-9713.jpg
Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân chia sẻ quan điểm.

"Hội thảo này là hoạt động có ý nghĩa, tạo cơ hội cho ĐHQGHN phát huy các nguồn lực có sẵn và thế mạnh của đội ngũ nhà khoa học, cơ sở dữ liệu vật chất, mạng lưới đối tác quốc tế, doanh nghiệp, địa phương để cung cấp thêm cơ sở khoa học cho việc tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII và cung cấp luận cứ thực tiễn trực tiếp phục vụ cho việc xây dựng các văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng". Giám đốc Lê Quân nhấn mạnh

Những vấn đề quan tâm

Hội thảo đã làm rõ về xu hướng phát triển của cục diện thế giới và khu vực giai đoạn tới và những yêu cầu mới đặt ra đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Sự xuất hiện, phát triển của không gian mạng cùng với cuộc cách mạng khoa học công nghiệp lần thứ tư với quy mô, tốc độ chưa từng có, đem đến thời đại mới mà quốc gia kém phát triển, đang phát triển có thể tận dụng thời cơ, đi tắt đón đầu, phát triển vượt bậc.

Các đại biểu đã thảo luận, phân tích sâu một trong những vấn đề quan trọng, mang tính thời sự của xây dựng và hoàn thiện thể chế là: Tập trung bảo đảm sự đồng bộ trong hệ thống luật pháp; rà soát, xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo giữa các thể chế; hoàn thiện đồng bộ quy định pháp luật trong từng thể chế và gắn kết hữu cơ giữa các thể chế với nhau thành một môi trường thể chế thống nhất hiệu quả, tạo thuận lợi phát triển nhanh và bền vững đất nước.

vnu-hoi-thao-khoa-hoc-hoi-dong-ly-luan-trung-uong-11-8134.jpg
GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn nêu ý kiến.

Quan điểm chung cần đẩy nhanh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong giai đoạn mới. Trong bối cảnh mới, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, dữ liệu lớn và điện toán đám mây đang dần trở thành những công cụ sản xuất quan trọng trong nhiều ngành, lĩnh vực. Xu thế đổi mới công nghệ, toàn cầu hoá và biến đổi khí hậu đặt ra những vấn đề, những cách tiếp cận rất mới về mô hình phát triển, công nghiệp hoá, hiện đại hoá và con đường “đi tắt, đón đầu” của các nước;

Về chấn hưng văn hóa, quản lý phát triển xã hội, xây dựng con người phát triển toàn diện, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Những thảo luận và đề xuất đã đưa ra các định hướng trong việc xử lý hài hoà mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển các di sản văn hoá, hoán chuyển các giá trị văn hoá thành các giá trị phát triển; đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, dịch vụ văn hoá; hoàn thiện các chuẩn mực về hệ giá trị văn hoá, gia đình, con người Việt Nam trong giai đoạn mới.

Các tham luận đã dự báo, phân tích xu hướng biến đổi xã hội ở nước ta trong những năm tới, tiếp tục xác định yêu cầu tạo sự đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân tài; tạo cơ chế, chính sách đảm bảo giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu, trở thành động lực then chốt thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

vnu-hoi-thao-khoa-hoc-hoi-dong-ly-luan-trung-uong-25-2478.jpg
Các tham luận đều thể hiện tinh thần trách nhiệm cao.

Lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, các ý kiến tiếp tục làm rõ cơ sở khoa học cho việc hoạch định, thực thi các chính sách đối ngoại, các chính sách tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả. Khẳng định nhất quán chủ trương: phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại dựa trên ba trụ cột: ngoại giao nhà nước, đối ngoại đảng, đối ngoại nhân dân, mang đậm bản sắc dân tộc, trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”.

Về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, các ý kiến làm rõ hơn nội dung đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn bộ máy Tổ chức Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các tổ chức chính tri-xã hội để hoạt động hiệu lực, hiệu quả đi đôi với việc củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên. Làm rõ hơn nội hàm, góp phần đẩy mạnh thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.

Nhiều ý kiến cho rằng cần làm rõ hơn nội hàm của vấn đề chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng dựa vào thâm dụng vốn, tài nguyên và lao động có kỹ năng thấp sang mô hình tăng trưởng mới dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, là những yếu tố không có trần giới hạn; thúc đẩy và tích hợp các quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi nguồn nhân lực vào quá trình phát triển, để bảo đảm tăng trưởng nhanh và bền vững, thành công vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” trong giai đoạn mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.