Các nhà nghiên cứu, giáo dục bàn về thực tế phát triển chữ viết Cơ Tu

GD&TĐ - Ngày 20/8 tại Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐHQGHN đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế "Một số vấn đề về phát triển chữ viết Cơ Tu".

Các nhà nghiên cứu, giáo dục bàn về thực tế phát triển chữ viết Cơ Tu.
Các nhà nghiên cứu, giáo dục bàn về thực tế phát triển chữ viết Cơ Tu.

Hội thảo khoa học quốc tế "Một số vấn đề về phát triển chữ viết Cơ Tu" do Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn tổ chức nhằm tư vấn chính sách, góp phần cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ công tác hoạch định và thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, chắt lọc được những tư vấn chính sách có giá trị trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tộc người nói chung và tiếng Cơ Tu nói riêng.

Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ GD&ĐT, các nhà khoa học quốc tế, nhà văn hóa, giáo dục và giáo viên các Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam là những địa phương đang triển khai dạy tiếng cho người dân tộc Cơ Tu.

Phát biểu khai mạc Hội thảo PGS.TS Lại Quốc Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn cho biết: Một trong những yếu tố quan trọng nhất cấu thành tộc người, cấu thành văn hóa chính là ngôn ngữ. Sự đa dạng về ngôn ngữ đã góp phần làm nên một Đông Nam Á với biết bao nét độc đáo, đặc sắc trong bức tranh nhân loại đa sắc màu.

Co Tu.jpg
Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học quốc tế.

Tuy vậy, trong bối cảnh hiện đại hóa, toàn cầu hóa ngày nay, vị thế và chức năng của nhiều phương ngữ/ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở nhiều quốc gia Đông Nam Á đang đứng trước những thách thức sống còn. Việc sử dụng tiếng nói, chữ viết của một số cộng đồng dân tộc thiểu số đang có xu hướng ngày càng co hẹp, thậm chí mai một. Thực tế đó đòi hỏi phải có các biện pháp cấp bách và công cụ hữu hiệu nhằm bảo tồn và phát huy các ngôn ngữ này.

Việc bảo tồn và phát huy các đặc trưng ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam luôn luôn là đường lối, chính sách ưu tiên hàng đầu được Đảng và Nhà nước Việt Nam coi trọng. Đảng, nhà nước luôn chủ trương bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tộc người ở Việt Nam, trong đó có ngôn ngữ các dân tộc thiểu số.

Tiếng Cơ Tu không ghi nhận có chữ viết riêng nào ngoài một số bộ chữ viết bằng kí tự Latin được xây dựng từ những năm 50 của thế kỉ 20 trở lại đây. Sự phân bố ở địa bàn hai tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế kèm theo nhiều bộ chữ được sáng tạo và sử dụng khác nhau đã dẫn đến sự thiếu đồng bộ về mặt chữ viết trong cộng đồng dân tộc Cơ Tu. Nhận thức được những bất cập ấy.

Co tu 2.jpg
Tham luận của PGS.TS Tạ Văn Thông, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Cho rằng đến nay, bên cạnh 8 ngôn ngữ đã được Bộ GDĐT triển khai, vẫn còn rất nhiều ngôn ngữ dân tộc thiểu số khác chưa xuất hiện trong danh sách nhưng đã được Sở GD&ĐT các tỉnh thử nghiệm đưa vào chương trình giảng dạy chính thức, trong đó có trường hợp tiếng Cơ Tu. Về việc này, đại diện Bộ GD&ĐT, Phó Vụ trưởng Vụ GD dân tộc Nguyễn Văn Thanh đã cho biết về những điều kiện để giảng dạy tiếng dân tộc thiểu số trong trường phổ thông, từ chính sách đến thực tế;

Từ thực tế triển khai các hoạt động dạy học tiếng Cơ Tu, PGS.TS Tạ Văn Thông, Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đưa ra thực tế chữ Cơ Tu ở Việt Nam; Bà Arâl Mai Trinh, Hiệu trưởng Trường Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết tình hình sử dụng, dạy học tiếng Cơ Tu cho đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian qua tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam. ThS Cao Hữu Khoa, Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế, đưa ra thực trạng và kết quả thực hiện hoạt động dạy học thí điểm ngôn ngữ viết tiếng Cơ Từ lớp 1 đến lớp 5 đã được dạy thí điểm tại Thừa Thiên Huế.

Tham luận của các đại biểu cũng làm rõ nội dung: Các bộ chữ viết ngôn ngữ Cơ Tu hiện hành và phương án về một bộ chữ viết thống nhất cho người Cơ Tu ở Việt Nam; Thảo luận, đánh giá về hoạt động giảng dạy chữ viết tiếng Cơ Tu cũng như các điều kiện giảng dạy kèm theo ở các cấp học khác nhau; Xác định các hoạt động cụ thể tiếp theo nhằm đảm bảo việc xây dựng chương trình đưa tiếng Cơ Tu vào giảng dạy chính thức ở bậc phổ thông tại hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam trong thời gian sắp tới.

Với tinh thần trách nhiệm cao, các tham luận đến từ các tác giả là nhà Ngôn ngữ học, đại diện các cơ quan quản lý thuộc Nhà nước, các giáo viên giảng dạy ngôn ngữ Cơ Tu tại một số địa phương cũng như các trí thức người dân tộc Cơ Tu. Ý kiến của các đại biểu trong và ngoài Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn cũng như Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hoá Việt Nam đã cùng thảo luận về phương thức thống nhất bộ chữ viết, tiến tới xây dựng 1 bộ chữ Cơ Tu duy nhất.

Người Cơ Tu là những cư dân sinh sống từ lâu đời ở khu vực miền núi Tây Bắc tỉnh Quảng Nam cũng như khu vực Tây Nam tỉnh Thừa Thiên Huế. Vùng đất tụ cư của họ tạo thành một dải nối liền với địa bàn phân bố của những người đồng tộc ở lãnh thổ Lào. Đây là một tộc người có vốn văn hoá vật chất và tinh thần phong phú, với những di sản văn hoá rất đặc trưng như nhà Gươl, dệt Zèng, rượu Tà-vạk… Nhưng sẽ thật thiếu sót nếu không nói đến ngôn ngữ của họ - tiếng Cơ Tu. Đây là một ngôn ngữ thuộc chi Katu (Katuic), trong nhóm Môn-Khmer của ngữ hệ Nam Á. Các ngôn ngữ gần gũi với tiếng Cơ Tu về mặt cội nguồn là tiếng Tà Ôi, tiếng Bru – Vân Kiều, và xa xôi hơn là tiếng Việt. - PGS.TS Lại Quốc Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ