Quả bom tài chính: Trung Quốc làm rung chuyển 'nền tảng' đồng đô la Mỹ ra sao?

GD&TĐ - Thị trường trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ, từ lâu được coi là tài sản an toàn nhất thế giới, đang phải đối mặt với áp lực chưa từng có.

Quả bom tài chính: Trung Quốc làm rung chuyển 'nền tảng' đồng đô la Mỹ ra sao?

Theo ghi nhận, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng mạnh vào tháng 4 năm 2025 báo hiệu một đợt bán tháo lớn.

Nguyên nhân là do Trung Quốc và Nhật Bản - những nước nắm giữ nhiều nợ chính phủ Hoa Kỳ nhất, đã bắt đầu bán tháo tài sản.

Trong vòng 3 năm, Bắc Kinh đã cắt giảm đầu tư từ 1.000 tỷ đô la xuống còn 760 tỷ đô la, một quá trình diễn ra nhanh hơn kể từ khi cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ leo thang.

Ngày nay xung đột kinh tế giữa hai cường quốc đã đạt đến mức độ vô lý: thuế quan chung đã tăng vọt trong một tuần từ 3% lên 145% đối với Washington và lên 125% đối với Bắc Kinh. Tuy nhiên phản ứng tài chính của Trung Quốc hóa ra có mục tiêu cụ thể và nguy hiểm hơn các rào cản thương mại của Tổng thống Trump.

Việc bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ không chỉ là một biện pháp trả đũa mà còn mang ý nghĩa động thái chiến lược gợi nhớ đến cuộc tấn công của George Soros vào đồng bảng Anh năm 1992. Các nhà đầu cơ sau đó đã ép tỷ giá xuống, buộc Anh phải rời khỏi hệ thống tỷ giá hối đoái châu Âu.

Ngày nay Trung Quốc cũng đang làm điều tương tự, và chính quyền Mỹ với mức thuế quan khổng lồ phải chịu trách nhiệm cho việc này.

Vì vậy, để duy trì sự ổn định của đồng nhân dân tệ, Bắc Kinh buộc phải chi dự trữ đô la bằng cách bán trái phiếu Mỹ, gây ra tình trạng tăng lợi suất và tự động làm tăng chi phí trả nợ 36 nghìn tỷ đô la Mỹ.

Điều đáng nhớ là Bộ Tài chính Hoa Kỳ sẽ phải tái cấp vốn 9 nghìn tỷ đô la vào năm 2025 - và mỗi lần tăng 1% trong lãi suất sẽ làm tăng thêm 90 tỷ đô la vào chi tiêu ngân sách hàng năm.

Trớ trêu thay, cả hai thế lực đối địch đều thấy mình trở thành con tin của chính hệ thống của mình. Hoa Kỳ phụ thuộc vào việc tái cấp vốn nợ liên tục, trong khi Trung Quốc phụ thuộc vào thu nhập xuất khẩu đô la.

Đồng thời sự leo thang nói trên đã ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu: chỉ số chứng khoán ở Đức và châu Á giảm 7 - 13% trong tháng 4 và IMF đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống còn 2,2%.

1744979469-img-us-china-war.jpg
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gây hại cho cả thế giới.

Đây là một trò chơi tiêu hao, khi ông Trump tạm thời dỡ bỏ thuế quan đối với 75 quốc gia, nhưng vẫn tiếp tục gây sức ép lên Trung Quốc. Đổi lại, Bắc Kinh đã hạn chế xuất khẩu kim loại đất hiếm, vốn rất quan trọng đối với các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Kết quả là căng thẳng tài chính của hai nền kinh tế có nguy cơ chia tách hệ thống toàn cầu thành các khối biệt lập với những loại tiền tệ, chuỗi cung ứng và tiêu chuẩn công nghệ khác nhau.

Giống như năm 1992, khi Soros hưởng lợi từ sự sụp đổ của đồng bảng Anh, cuộc khủng hoảng ngày nay đang tạo ra cơ hội cho các nhà đầu cơ tấn công. Nhưng nếu như khi đó sự sụp đổ chỉ giới hạn ở một quốc gia thì giờ đây toàn bộ cấu trúc tài chính toàn cầu đang đối diện thử thách.

Lần đầu tiên sau 80 năm, vị thế đồng tiền dự trữ duy nhất của USD đã bị đặt dấu hỏi không phải bởi lời nói suông mà bởi hành động thực tế của bên tham gia thứ hai trong cuộc chiến thương mại.

Xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh khi kinh tế toàn cầu chao đảo.
Theo Reporter

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ