Dự án trường học trên 61 tỷ đồng ở Quảng Nam:

Thầy, trò 'dài cổ' ngóng trường mới

GD&TĐ - Năm học này thầy, trò Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Quảng Nam) vẫn dạy và học trong ngôi trường cũ xuống cấp vì trường mới vẫn thi công dang dở!

Dự án Trường THPT Trần Đại Nghĩa (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) chậm tiến độ. Ảnh: Hoàng Vinh.
Dự án Trường THPT Trần Đại Nghĩa (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) chậm tiến độ. Ảnh: Hoàng Vinh.

Chậm vì vướng giải phóng mặt bằng

Dự án xây dựng Trường THPT Trần Đại Nghĩa (xã Quế Thuận, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) được phê duyệt vào tháng 9/2019 với kinh phí 61,1 tỷ đồng. Công trình có diện tích khoảng 2,7ha với các hạng mục chính như: Khối nhà lớp học 3 tầng, khối nhà bộ môn, khối nhà hiệu bộ, nhà đa năng cùng các hạng mục khác.

Dự án bắt đầu thi công từ tháng 7/2020 và dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2023. Dự án do Ban QLDA đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư.

Theo ghi nhận của Báo GD&TĐ, sau 3 năm triển khai dự án và thi công, công trình chỉ mới xây xong phần thô khối nhà lớp học 3 tầng. Các hạng mục còn lại vẫn chưa được triển khai xây dựng. Tại công trình hiện không có một công nhân nào, máy móc xây dựng… nằm im.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Minh Phương - Trưởng phòng Quản lý 1 thuộc Ban QLDA đầu tư tỉnh Quảng Nam xác nhận là dự án chưa thể bàn giao đúng thời hạn vì chậm tiến độ. Nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ là vướng giải phóng mặt bằng.

“Vấn đề mặt bằng xây dựng dự án do UBND huyện Quế Sơn bàn giao cho chủ đầu tư, tuy nhiên việc bàn giao mặt bằng chậm dẫn đến chưa thể triển khai được các hạng mục còn lại của dự án”, ông Phương cho hay.

Cụ thể, dự án triển khai có liên quan đến khu đất của gia đình ông Phan Thậm (78 tuổi, trú thôn Phước Thành, xã Quế Thuận). Gia đình ông Thậm có gần 2.000m2 đất, trong đó có 300m2 đất ở, còn lại là đất trồng cây, nằm trong khu vực dự án trường học.

Ông Thậm cho hay, do chưa có đất tái định cư nên chưa thể bàn giao mặt bằng. Mấy năm nay gia đình ông buộc phải sống tạm trong căn nhà nhỏ đã xuống cấp, có thể sập bất cứ lúc nào, rất nguy hiểm.

“Chính quyền có thỏa thuận đền bù tiền đất trồng cây, bố trí đất tái định cư để làm nhà, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy. Bởi thế, 3 năm nay, cứ mỗi lần tới mùa mưa lớn là đi nơi khác ở chứ sợ nhà sập.

Giờ chỉ mong sớm có đất tái định cư để gia đình tôi ra xây nhà ở chứ ở thế này khổ quá. Họ có hẹn trong tháng 10/2023 sẽ hoàn thành việc cấp sổ đỏ cho khu đất 300m2 gần đây để gia đình chuyển ra xây nhà và bàn giao mặt bằng xây dựng trường”, ông Thậm cho biết.

Ngôi nhà ông Phan Thậm nằm trong dự án nhưng chưa được giải tỏa vì chưa được bố trí tái định cư. Ảnh: Hoàng Vinh

Ngôi nhà ông Phan Thậm nằm trong dự án nhưng chưa được giải tỏa vì chưa được bố trí tái định cư. Ảnh: Hoàng Vinh

Dự án Trường THPT Trần Đại Nghĩa chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng. Ảnh: Hoàng Vinh

Dự án Trường THPT Trần Đại Nghĩa chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng. Ảnh: Hoàng Vinh

Ngày đêm ngóng trường mới

Việc dự án trường mới chậm tiến độ khiến hàng trăm học sinh vẫn đang học ở Trường THPT Trần Đại Nghĩa (cũ), xuống cấp.

Bà Trần Thị Hồng Phượng - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, toàn trường có 560 học sinh chia thành 15 lớp, với 13 phòng học, 2 phòng tin, 3 phòng thực hành (Lý, Hóa, Sinh). Trường được xây dựng cách đây 22 năm, đến thời điểm này các phòng học đều cũ kỹ và xuống cấp.

Chỉ tay vào vết nước dài trên tường, bà Phượng nói: “Do xây dựng đã lâu nên giờ các phòng học đều xuống cấp và nứt như vậy. Có phòng thì bị thấm nước nên ẩm mốc. Nếu trời mưa bình thường thì vẫn cố gắng học được chứ mưa to thì sẽ cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn. Có phòng đang học mưa lớn thì bị dột nước, rất vất vả”.

Việc dự án chậm tiến độ dẫn đến việc hàng trăm học sinh phải học trong trường cũ xuống cấp. Ảnh: Hoàng Vinh.
Việc dự án chậm tiến độ dẫn đến việc hàng trăm học sinh phải học trong trường cũ xuống cấp. Ảnh: Hoàng Vinh.

Cũng theo lời Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa, các phòng bộ môn như: Hóa, Sinh, Tin học đều không đảm bảo theo yêu cầu dạy học của Chương trình GDPT 2018.

“Phòng thực hành môn Hóa và Sinh quá nhỏ, mỗi lần làm thí nghiệm là phải chia lớp ra làm 2 để học. Bởi nếu đưa các em học sinh vào trong một phòng nhỏ, kín như vậy khi thực hành sử dụng các chất hóa học sẽ gây nguy hiểm. Giờ chỉ mong sớm có trường mới để đưa các em về học, chứ như vậy rất nguy hiểm”, bà Phượng nói.

Phòng thực hành Hóa học khá nhỏ khiến việc học trở nên khó khăn. Ảnh: Hoàng Vinh.
Phòng thực hành Hóa học khá nhỏ khiến việc học trở nên khó khăn. Ảnh: Hoàng Vinh.
Học sinh phải học trong những căn phòng xuống cấp, ẩm mốc. Ảnh: Hoàng Vinh.
Học sinh phải học trong những căn phòng xuống cấp, ẩm mốc. Ảnh: Hoàng Vinh.

Trong các buổi họp với UBND huyện hay Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo nhà trường luôn có ý kiến với ngành chức năng, mong trường mới xây sớm hoàn thành để các em học sinh và giáo viên có thể yên tâm học tập.

Ông Nguyễn Minh Phương - Trưởng phòng Quản lý 1, Ban QLDA đầu tư tỉnh Quảng Nam cho biết, đã họp và UBND huyện Quế Sơn cam kết trong tháng 10 và tháng 11 sẽ bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư tiếp tục triển khai dự án.

“Sau khi UBND huyện bàn giao mặt bằng đủ, đơn vị sẽ khẩn trương thi công, sớm hoàn thành công trình để bàn giao”, ông Phương nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Ban QLDA quỹ đất huyện Quế Sơn, dự án có tổng diện tích 2,73ha. Trong đó, đất thuộc địa bàn xã Quế Thuận là 2,21ha, thuộc xã Quế Châu 0,52ha. Có 31 hộ bị ảnh hưởng đất và mồ mả; 1 hộ bị giải tỏa trắng nhà cửa, phải di dời tái định cư đến nơi khác. Đến nay, đã phê duyệt phương án bồi thường, thu hồi đất được 2,33ha/2,73ha của 23 hộ và 133 ngôi mộ đã di dời xong, đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư đạt 89% diện tích, đảm bảo diện tích xây dựng 3 khối nhà lớn, gồm khối nhà phòng học chính (hiện đang xây dựng), khối nhà hiệu bộ và khối nhà bộ môn, sân thể thao và bể bơi… UBND huyện cam kết sẽ bàn giao 100% diện tích còn lại cho chủ đầu tư cuối tháng 11/2023.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống lọc nước nhiễm phèn được lắp đặt tại trường học ở Sóc Trăng.

Lọc nước nhiễm phèn tạo nước uống

GD&TĐ - Theo PGS.TS Vũ Đức Lợi (VKIST), hệ thống lọc nước nhiễm phèn được nghiên cứu và phát triển chung bởi VKIST và Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc.