Thực hiện ước mơ chuẩn hóa giáo viên nhờ SEQAP

GD&TĐ - “Chương trình đảm bảo chất lượng trường học (SEQAP) tác động rất lớn đến nâng cao chất lượng dạy học tại Hòa Bình, đặc biệt là việc chuẩn hóa đội ngũ, “ước mơ” của tỉnh bao năm nay”.

Tính tích cực của Chương trình SEQAP lan tỏa đến lớp học của con em đồng bào dân tộc thiểu số
Tính tích cực của Chương trình SEQAP lan tỏa đến lớp học của con em đồng bào dân tộc thiểu số

Đó là chia sẻ chân tình của ông Bùi Trọng Đắc - Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình - xung quanh “cái được” mà SEQAP mang lại cho giáo dục địa phương

- Ông nhận định như thế nào về lợi ích thiết thực của Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học SEQAP đối với các trường tiểu học của Hòa Bình?

Trong 3 năm học vừa qua, Chương trình SEQAP được triển khai tại Hòa Bình đã hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu cam kết giữa UBND tỉnh và Bộ GD&ĐT theo Biên bản ghi nhớ.

Với Chương trình này, mối liên hệ, phối hợp giữa nhà trường với cha mẹ học sinh và chính quyền cơ sở được tăng cường; số lượng học sinh được học cả ngày năm học sau tăng so với năm học trước; số học sinh được tổ chức ăn trưa tại trường cũng tăng lên đáng kể; chất lượng giáo dục tăng đều hàng năm.

Đặc biệt, SEQAP đã góp phần không nhỏ nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên các trường tham gia Chương trình. Về nội dung này, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các Phòng GD&ĐT tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lí, giáo viên trường tiểu học triển khai mô hình T30, T35 theo đúng kế hoạch. H

ình thức bồi dưỡng phù hợp với nội dung và điều kiện thực tế tại địa phương; kết hợp bồi dưỡng nội dung với bồi dưỡng về phương pháp dạy học.

- Các đợt tập huấn, bồi dưỡng của SEQAP đã tác động đến chất lượng, năng lực cán bộ quản lý, giáo viên của địa phương như thế nào, thưa ông?

Tính đến cuối năm 2012, toàn tỉnh đã tập huấn được 17 mô đun cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên các trường tham gia SEQAP và 3 mô đun của chương trình cho cốt cán của 11 huyện, thành phố, nhằm triển khai rộng các nội dung tập huấn đối với các trường ngoài SEQAP trên phạm vi toàn tỉnh.

Sở GD&ĐT tổ chức kiểm tra công tác bồi dưỡng đối với cán bộ quản lí và giáo viên. Theo đó, 100% cán bộ quản lí, giáo viên các trường tham gia đạt từ trung bình trở lên, không có giáo viên không hoàn thành.

Có thể nói, sau những đợt tập huấn, bồi dưỡng của SEQAP, chất lượng giáo viên được của tỉnh được cải thiện rõ rệt về cả kiến thức và kỹ năng. Họ xác định được mục tiêu, chuẩn kiến thức, kĩ năng nội dung cơ bản của chương trình, sách giáo khoa; vận dụng tương đối linh hoạt các phương pháp, kỹ thuật và hình thức tổ chức dạy học phong phú.

Đồng thời, giáo viên đảm bảo dạy học đúng đặc trưng của từng bộ môn, đúng loại bài; biết vận dụng các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học phù hợp với đối tượng học sinh; thực hiện kiểm tra đánh giá học sinh theo chuẩn kiến thức kĩ năng môn học theo hướng đổi mới.

Cùng với đó là vận dụng có hiệu quả các kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng điều chỉnh nội dung chương trình, kỹ năng xây dựng kế hoạch dạy học, phân tích học sinh để lựa chọn các nội dung dạy học tăng cường phù hợp với đối tượng...

Nhiều trường học đã có sáng tạo trong việc sắp xếp thời khóa biểu khoa học, hợp lí, như  Trường Tiểu học Bảo Hiệu (Yên Thủy); tổ chức bán trú và quản lí học sinh với nhiều cách làm hay như Trường Tiểu học Kim Bình (huyện Kim Bôi), Trường Tiểu học Phú Cường (huyện Tân Lạc); hoặc tổ chức dạy học phân hóa đối tượng học sinh phù hợp như Lạc Lương (Yên Thủy); chỉ đạo đổi mới sinh hoạt chuyên môn thiết thực như Ân Nghĩa (Lạc Sơn), Vĩnh Tiến B (Kim Bôi)...

- Vậy theo đánh giá của ông, học sinh tiểu học được “hưởng lợi” từ  những kết quả tốt đẹp mang lại cho cán bộ quản lý, giáo viên đó như thế nào?

Một lần nữa, tôi khẳng định, qua 3 năm thực hiện Chương trình SEQAP, Hòa Bình cơ bản đạt được các chỉ số cam kết với Bộ GD&ĐT. Không chỉ năng lực của cán bộ quản lý, giáo viên các trường tham gia chương trình đã được cải thiện, nền nếp hoạt động các trường cùng với chất lượng và hiệu quả giáo dục đã có bước chuyển biến tích cực, mà điều dễ nhận thấy nhất là học sinh tự tin, mạnh dạn, linh hoạt hơn trong tính toán và giao tiếp, nhất là học sinh dân tộc, học sinh nữ. Việc duy trì sĩ số học sinh ngày càng hiệu quả.

Có thể nói, SEQAP đã tác động rất lớn và có tác dụng thiết thực trong việc nâng cao chất lượng dạy học. Nhờ có nguồn kinh phí hỗ trợ của Quỹ Giáo dục nhà trường và Quỹ Phúc lợi học sinh, các nhà trường đã tổ chức được nhiều hoạt động giáo dục toàn diện, động viên khích lệ học sinh đi học đều, chuyên cần, tích cực học tập vươn lên.

- Trong thời gian tới, Sở GD&ĐT Hòa Bình có kế hoạch tiếp tục triển khai SEQAP như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất, thưa ông?

Thời gian đầu triển khai Chương trình SEQAP, hầu hết các trường của Hòa Bình gặp không ít khó khăn, nhất là trong việc tổ chức dạy học, tổ chức bán trú, lúng túng trong việc soạn giảng các tiết tăng cường của quỹ thời gian tăng thêm trong ngày.

Tuy nhiên, những khó khăn này đã dần được khắc phục và ngày càng thấy rõ hiệu quả, mà cụ thể là nhờ công tác bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, giáo viên.

Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh tổ chức sinh hoạt chuyên môn với nội dung phong phú, thiết thực theo hướng phát huy tính tích cực của học sinh. Sau các nội dung tập huấn, bồi dưỡng của chương trình, các trường thường xuyên tổ chức dự giờ thăm lớp và nghiêm túc rút kinh nghiệm, đánh giá việc áp dụng các nội dung trong thực tế dạy học và quản lí.

Trong thời gian tới, Hòa Bình tiếp tục triển khai công tác tập huấn tới cán bộ quản lý, giáo viên các trường tham gia SEQAP, đồng thời, sẽ thực hiện nhân rộng mô hình tới các trường ngoài SEQAP.

- Trân trọng cảm ơn ông!

“Sau 3 năm được tập huấn bồi dưỡng, các cán bộ quản lý giáo dục của Hòa Bình đã tự tin, nắm vững Chương trình SEQAP, lộ trình chuyển đổi sang học cả ngày và các kỹ năng quản lí. Đồng thời, có hiểu biết cơ bản, vận dụng nội dung và biện pháp quản lí hoạt động dạy học ở trường tiểu học dạy học cả ngày, cũng như các nội dung cụ thể về quản lí từng hoạt động trong nhà trường”.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ