Cấm bán rượu, bia sau 22 giờ: Rằng hay thì thật là hay…

GD&TĐ - Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia đang lấy ý kiến tham gia góp ý, theo đó, Bộ Y tế đề xuất thời gian cấm bán rượu bia có thể từ 22 giờ đêm trước tới 6 giờ sáng hôm sau, trừ một số khu vực nhất định.

Cấm bán rượu, bia sau 22 giờ: Rằng hay thì thật là hay…

Với quy định cấm bán rượu, bia sau 22 giờ của Dự thảo Luật đã nhận được nhiều ý kiến từ dư luận, cho rằng việc này là không khả thi, vì không có cơ chế giám sát, không thể nâng cao ý thức của người bán rượu, bia cũng như ý thức của người tiêu dùng.

Hiện nay, ở nước ta có rất nhiều cửa hàng kinh doanh mặt hàng rượu, bia, do đó, các cơ quan quản lý khó có thể kiểm tra, giám sát, dẫn đến việc thực thi quy định không hiệu quả, nghiêm túc. Đồng thời, việc bán và sử dụng rượu, bia sau 22 giờ là hai vấn đề khác nhau. Cá nhân có thể mua rượu, bia sau 22 giờ nhưng không sử dụng mà mua về để bán lại, hoặc để ngày hôm sau sử dụng…thì quy định này có thể cản trở các hoạt động kinh doanh rượu, bia và ảnh hưởng quyền của công dân.

Mục đích của việc cấm bán rượu, bia sau 22 giờ là nhằm góp phần đảm bảo sức khỏe của nhân dân; hạn chế tình trạng gây rối, làm mất an ninh trật tự; hạn chế tai nạn giao thông; ngăn chặn các hành vi bạo lực có thể xảy ra... Tuy nhiên, việc cấm bán rượu, bia sau 22 giờ sẽ thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát, bởi không đủ lực lượng để thực hiện việc này.

Nhiều vấn đề đặt ra xoay quanh quy định này như: Tại sao không cấm các quán nhậu, nhà hàng… hoạt động sau 22 giờ để hạn chế người dân sử dụng rượu, bia? Đối với khách du lịch nước ngoài thì sau 22 giờ là thời điểm mà họ sử dụng rượu, bia phổ biến nhất, bởi đây là thói quen hoặc có thể do lệch múi giờ. Nếu khách du lịch không thể mua rượu, bia sau 22 giờ ngoài những địa điểm cho phép thì khó có thể thu hút được khách du lịch. Bên cạnh đó, trường hợp cấm bán rượu, bia sau 22 giờ, thì người tiêu dùng có thể mua trước đó để sử dụng sau 22 giờ thì quy định cấm như vậy có phù hợp hay không? Hoặc thay vì cấm bán rượu, bia sau 22 giờ thì tại sao không cấm luôn người dân sử dụng bia, rượu sau 22 giờ?...

Ngoài ra, với quy định cấm bán rượu, bia sau 22 giờ sẽ làm phát sinh thêm thủ tục hành chính như bán rượu, bia tại khu vực bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch… thì có thể phải xin phép cơ quan có thẩm quyền và sẽ hình thành nên cơ chế “xin - cho” rất dễ phát sinh tiêu cực, đồng thời, sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh.

Do đó, thay vì cấm bán rượu, bia sau 22 giờ, theo tôi, Dự thảo Luật cần đề ra các giải pháp để ngăn chặn việc lạm dụng rượu, bia như cấm bán rượu, bia cho trẻ em; ngăn chặn việc sản xuất, tiêu thụ rượu, bia giả, kém chất lượng; xử lý nghiêm tình trạng vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông; hạn chế nhà hàng, quán nhậu… hoạt động sau 23 giờ; tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm về phòng chống tác hại của rượu, bia. Đặc biệt, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng, chống tác hại của rượu, bia

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Vẫn rất lúng túng mua điện mặt trời

GD&TĐ - Liên quan đến giá mua điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu dư thừa phát lên lưới, giữa tháng 7 vừa qua, Bộ Công Thương đưa ra hai phương án.