Năm 1999, trò chơi bắt đầu có mặt tại nhiều thị trường phương Tây rồi nhanh chóng trở thành một trong những thương hiệu thành công nhất của mọi thời đại.
Thành công ngoài dự báo
Ý tưởng của Pokémon lúc mới trình làng tại Nhật với hai trò chơi “Pocket Monsters: Red” và “Pocket Monsters: Green” dành cho con trai (gameboy) còn khá đơn giản nên, rất ít người tiên đoán được tương lai của nó.
Người chơi Pokémon sẽ du hành qua thế giới ảo để bắt, huấn luyện hay chiến đấu với những nhân vật kỳ lạ đang thống trị thế giới này, một sứ mệnh được thể hiện trong “slogan” nổi tiếng của trò chơi: “Gotta Catch ‘Em All” (hãy bắt tất cả chúng nó).
Nhưng chỉ 3 năm sau, Pokémon đã khẳng định được sức hút của mình và sản sinh ra một bộ phim hoạt hình nhiều tập “Pokémon: The First Movie” (1999) với bốn nhân vật trung tâm Pikachu, Psyduck, Togepy, Squirtle.
Bộ phim được dịch thành 30 thứ tiếng và việc trao đổi những tấm card in hình các nhân vật Pokémon đã trở thành “hiện tượng Pokémon” (Pokémania) càn quét sân trường toàn cầu vào cuối thập niên 1990. Ký ức về các nhân vật giả tưởng cũng được in sâu vào trí óc hàng trăm triệu người, đặc biệt là trẻ em và những người mê game.
Sau 1/4 thế kỷ, nhiều môn đồ Pokémon thế hệ đầu tiên vẫn trung thành với Pokémon. Một phần là nhờ sự xuất hiện của game mobile “Pokémon Go” và bộ phim nhựa “Detective Pikachu”. Nhưng sự thành công của thương hiệu Pokémon không chỉ nhờ tiếp thị mà còn nhờ các nhân vật của nó mang tính “vũ trụ” thích hợp với mọi nền văn hóa và đa dạng để vượt qua mọi thách thức, chứ không phải chỉ là “trò giải trí vặt vãnh đơn thần.
Sự kết hợp tuyệt vời
Nhà sáng tạo ra Pokémon, ông Tajiri Satoshi, là một người đam mê sưu tầm côn trùng nổi tiếng từ khi còn bé. Tình yêu này đến từ một trò chơi chủ đề côn trùng mà ông yêu thích. Tuy nhiên, đa số các nhân vật trong Pokémon là “sản phẩm” của họa sĩ truyện tranh nổi tiếng Ken Sugimori.
Sugimori hợp tác với Tajiri trong tạp chí Game Freak trước khi nó phát triển thành một công ty trò chơi phát hành Pokémon. Là giám đốc nghệ thuật của công ty, ông đưa tầm nhìn về cuộc sống của mình vào “vũ trụ quan những con vật dị thường”, từ cây cỏ đến rồng và cả các thiên tài và thế giới rất riêng của chúng, với đầy đủ sự tiến hóa và huỷ diệt.
Nhưng việc tạo cá tính riêng cho từng nhân vật là điều không dễ dàng. Ngay cả phim hoạt hình, chỉ nội việc gọi đúng tên của chúng đã khó nên phải dùng nhân dạng đặc biệt để người chơi nhớ chúng. Điều này rất quan trọng.
Các thiết kế của Sugimori vừa đẹp, đa dạng vừa đậm chất khoa học, không chỉ sinh học, thú học mà còn địa lý (ví dụ nhân vật Geodude là một… hòn đá), hóa học (hai nhân vật hình… khói Koffing và Weezing), cổ sinh vật học (hai nhân vật giống như hóa thạch Omanyte và Omastar) và vật lý (nhân vật Magneton dựa vào các nguyên tắc của điện từ học).
Nhờ sự khác biệt giữa nhân dạng và cá tính, bộ sưu tập dồi dào các nhân vật gọi chung là Pokédex nay đã lên đến vài trăm, từ 151 nhân vật ban đầu được xem là “cốt tuỷ của trò chơi” và không mấy khó để nhắc tên.
151 nhân vật nguyên thuỷ chỉ là một phần của bộ nhân vật Pokédex, nhưng chúng chiếm hơn phân nửa trong bộ phim Pokémon mới nhất “Detective Pikachu” phát hành năm 2019. Điều này cho thấy, Pokémon được duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác nhưng vẫn không đoạn tuyệt với quá khứ. Các kỷ vật Pokémon cũng rất có giá.
Ví dụ, tháng 12/2020, tấm thẻ “Pokemon Charizard” phát hành đầu tiên được bán với giá 369.000 USD. Trước khi gameboy Pokémon phát hành tại Mỹ năm 1998, chủ nhân đã qua đời của Công ty Nintendo, ông Hiroshi Yamauchi muốn có một phiên bản chuột Pikachu khác cho người Mỹ nhưng chi nhánh của công ty tại Mỹ khuyến cáo là nên giữ nguyên phiên bản gốc.
Bộ phim hoạt hình Pokémon cũng tìm cách thích nghi với thị trường nước ngoài. Ví dụ, phim phát hành tại Mỹ có nhiều nhân vật người thật hơn vì người Mỹ không thích xem quá nhiều thú và côn trùng trong phim nhập.
Đa dạng và tiến hóa để tồn tại
“Tuy nhiên, Pokémon luôn cố giữ nguyên những dấu ấn nhận biết đó là phim Nhật. Nó không quá nuông chiều thị hiếu khán giả. Khả năng tự tiến hóa của Pokémon cũng tạo ra sức hút của nó” - Joseph Tobin, Giáo sư giáo dục trẻ em tại Đại học the Georgia và chủ biên cuốn sách nghiên cứu “Pikachu’s Global Adventure: The Rise and Fall of Pokémon” xuất bản năm 2004 nhận xét.
Ông thú nhận mình thất bại hoàn toàn khi không tiên đoán được sự hồi sinh của Pokémon sau một thời gian trầm lắng. “Cùng với Tamagotchi, Pokémon cũng cần đến sự chăm sóc. Chăm sóc để chúng không chết” – Tobin nói trong một cuộc phỏng vấn video – “Chăm sóc để chúng trưởng thành và để người chơi cảm thấy họ cũng mạnh lên như những con vật mình bắt được và nuôi dưỡng. Ví dụ Squirtle mắt to dễ thương tiến hóa thành Blastoise hung dữ.
Pokémon pha trộn giữa chiến tranh, huỷ diệt và nuôi dưỡng. Đây chính là điểm thú vị nhất của Pokémon. Cách làm này thường thấy trong việc thiết kế nhân vật. Một nhân vật vừa dễ thương vừa dữ dội hoặc qua quá trình tiến hóa, biến từ dễ thương thành hung dữ.
Tuy nhiên, “tính đa nhân cách” của nhân vật chuột điện Pikachu là thành công nhất. Không chỉ nổi bật với đôi má hồng hào và giọng nói the thé, mà chuột điện còn là một chiến binh dũng mãnh.
“Thiết kế nhân vật là yếu tố quan trọng trong việc đưa các nhân vật truyện tranh, trò chơi, hoạt hình và văn hóa đại chúng của Nhật Bản ra khắp thế giới vào thập niên 1990” – Tobin nói – “Công ty sáng tạo chuột Pikachu làm việc giống như một chính phủ khi cạnh tranh với chuột Mickey Mouse của văn hóa Mỹ.
Thậm chí Pikachu còn thông minh và thú vị hơn Mickey và Minnie”. Tuy nhiên đang có sự lo ngại là thế giới tưởng tượng của Nhật Bản sẽ sớm bị các siêu anh hùng phương Tây đánh bại khi trẻ em ngày càng thích các nhân vật cơ bắp và liều lĩnh hơn.