Theo báo Nikkei, mẫu pin thế hệ mới có thể cung cấp thời gian hoạt động lâu hơn cho smartphone và các thiết bị khác. Theo ước tính, loại pin này của Sony có thể trang bị nguồn điện năng hoạt động lên tới 14 giờ trên iPhone 6s ngay cả khi kết nối Internet.
Pin cũng có kích thước nhỏ hơn 30% so với những mẫu pin hiện tại. Điều này cho phép các nhà sản xuất dễ dàng tích hợp pin vào các thiết bị có kích thước nhỏ gọn.
Pin sử dụng trong smartphone và các thiết bị di động được sạc và xả khi các ion di chuyển từ cực dương tới cực âm và ngược lại thông qua một lớp điện phân chất lỏng.
Hầu hết pin truyền thống đều sử dụng điện cực dương được làm từ oxit lithium cobalt và một số các hợp chất tương tự. Tuy nhiên pin của Sony lại sử dụng hợp chất lưu huỳnh cho phép lưu trữ điện năng tốt hơn so với các loại pin khác.
Một số công nghệ pin mới cũng đang được nhiều hãng sản xuất phát triển, trong đó có pin sử dụng lớp điện phân rắn thay vì chất lỏng dễ cháy nổ.
Hoặc pin kim loại kết hợp không khí sử dụng phương thức hút oxy từ không khí xung quanh để làm môi trường dẫn điện. Tuy nhiên pin lưu huỳnh vẫn cho thấy tiềm năng ứng dụng cao nhất trên các thiết bị di động.
Sony từ lâu đã là một trong những hãng công nghệ đi đầu trong ngành công nghiệp pin. Sony cũng là hãng ra mắt mẫu pin lithium-ion thương mại đầu tiên trên thế giới vào năm 1991.
Đáng tiếc theo số liệu của hãng Techno Systems, thị phần Sony hiện chỉ chiếm khoảng 8% trên thị trường pin lithium-ion. Trong khi đó, các bộ phận sản xuất pin như Samsung SDI, LG Chem và Panasonic đang chiếm khoảng 60% thị phần.
Với việc sớm thương mại hóa pin thế hệ mới, Sony sẽ trở thành hãng đi tiên phong và có nhiều lợi thế hơn trước các đối thủ khác trên thị trường.