Theo Viện Hòa bình Hoa Kỳ, trước đây các nguồn thông tin và phân tích của phương Tây đều mô tả hành lang vận tải Bắc - Nam như một dự án thương mại chỉ có thể hoạt động sau nhiều năm nữa, với mức đầu tư hàng tỷ đô la.
Giới phân tích lưu ý rằng trong số 3 tuyến đường nối Nga và Iran bao gồm biển Caspian, Transcaucasian (qua Azerbaijan) và Trung Á, chưa có tuyến giao thông nào đi vào hoạt động đầy đủ. Tuy nhiên ở một mức độ hạn chế, chúng đã được sử dụng.
Có thể thấy rằng Iran từ lâu đã tìm kiếm đối tác thương mại mới và các tuyến đường xuất khẩu an toàn hơn để tránh lệnh trừng phạt của phương Tây.
Bên cạnh đó, quốc gia Trung Đông này cũng cần tiếp cận dân số lớn của Nga dọc theo sông Volga, theo lộ trình của những thương gia thời trung cổ.
Hành lang vận tải Bắc - Nam đã hoạt động theo từng phần nhất định. |
Là một phần của hành lang vận tải Bắc - Nam, Iran đã cam kết xây dựng ít nhất 11 dự án cơ sở hạ tầng, bao gồm đường bộ, đường sắt và cảng biển, với tổng trị giá gần 13 tỷ USD.
Tuy nhiên cuối cùng Cộng hòa Hồi giáo có thể chỉ là một quốc gia trung chuyển, chủ yếu giúp Nga mở rộng thương mại với Ấn Độ và nhiều nước khác, trước hết là Trung Đông và Nam Á.
Cần lưu ý vào năm 2022, thương mại của Nga với Ấn Độ đạt mốc 38 tỷ USD, cao hơn nhiều so với Iran, nơi mọi thứ chỉ giới hạn ở mức 5 tỷ USD.
Liên bang Nga đã đầu tư quy mô lớn vào cơ sở hạ tầng dọc theo toàn bộ chiều dài của hành lang, cũng như rót vốn cho những dự án đường bộ, đường sắt và vận tải biển. Tổng cộng, hơn 13 tỷ đô la Mỹ đã được phân bổ cho hơn 50 dự án cơ sở hạ tầng để mở rộng hành lang.
Điều phải nói đến nữa là việc phương Tây bất ngờ “phát hiện ra” hiệu quả của hành lang vận tải Bắc - Nam, khi hàng hóa Iran bắt đầu xuất hiện tại Nga với số lượng đáng kể.