Phương pháp xét nghiệm gộp của Việt Nam: Thế giới công nhận tính hiệu quả và độ nhanh

GD&TĐ - Các nhà nghiên cứu cho biết đã lấy mẫu dịch mũi - họng từ 96.123 người không triệu chứng, có nguy cơ mắc SARS-CoV-2. Sau đó, họ tạo ra 22.290 mẫu gộp.

CDC Đà Nẵng xét nghiệm “tìm” virus. Ảnh: Bộ Y tế
CDC Đà Nẵng xét nghiệm “tìm” virus. Ảnh: Bộ Y tế

Thử nghiệm được hoàn thành trong 14 ngày. Nếu không áp dụng phương pháp này, các chuyên gia sẽ cần 64 ngày để hoàn thành sàng lọc.

Giúp tiết kiệm thời gian

Mới đây, phương pháp gộp mẫu xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 trong cộng đồng tại Đà Nẵng do các chuyên gia Việt Nam thực hiện đã được đăng tải trên Tạp chí Y học Nhiệt đới và Vệ sinh Mỹ (AJTMH). Đây là tạp chí y khoa uy tín trên 100 năm tại Mỹ.

Thành viên nhóm nghiên cứu gồm: Bác sĩ Tôn Thất Thạnh và các chuyên gia tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Đà Nẵng; Bác sĩ Đỗ Thái Hùng và các chuyên gia của Viện Pasteur Nha Trang; Tiến sĩ Lê Văn Tấn - Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học

Oxford (TPHCM); Tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM; Các chuyên gia từ Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng; Khoa Y Nuffield thuộc Trung tâm Y học Nhiệt đới và Sức khỏe toàn cầu của Đại học Oxford (Anh); Công ty Việt Á.

Các nhà nghiên cứu cho biết đã lấy mẫu dịch mũi - họng từ 96.123 người không triệu chứng, nhưng có nguy cơ mắc SARS-CoV-2. Sau đó, họ tạo ra 22.290 mẫu gộp. Mỗi nhóm chứa từ 2 - 7 mẫu bệnh phẩm. Các chuyên gia phát hiện SARS-CoV-2 trong 24 nhóm. Sự lây nhiễm được xác nhận ở 32 người sau khi các bác sĩ lấy lại mẫu và xét nghiệm 104 mẫu từ nhóm dương tính.

32 cá thể dương tính với SARS-CoV-2 gồm 21 nữ và 11 nam, độ tuổi trung bình từ 14 - 73. Các trường hợp dương tính mới không có bất kỳ triệu chứng bệnh nào tại thời điểm thu thập mẫu bệnh phẩm. Ngoài ra, 22 người trong số này không có tiền sử tiếp xúc với ca dương tính xác định. Đặc biệt, gia đình trong nhóm mẫu gộp có 8 thành viên dương tính với SARS-CoV-2.

Thử nghiệm được hoàn thành trong 14 ngày. Tuy nhiên, nếu không áp dụng phương pháp xét nghiệm gộp, các chuyên gia sẽ cần 64 ngày để hoàn thành sàng lọc. Không có sự khác biệt trong chu kỳ giá trị ngưỡng (Ct) của các mẫu chung và riêng lẻ. Do đó, so với thử nghiệm mẫu riêng, cách tiếp cận mới này không ảnh hưởng đến độ nhạy của PCR và tiết kiệm 77% chi phí. Chiến lược này có thể áp dụng tại khu vực thiếu sinh phẩm, tỷ lệ lưu hành bệnh thấp nhưng nhu cầu xét nghiệm cao.

Quyết định thành - bại

Tính đến 20 giờ ngày 24/1, hơn 10 nghìn mẫu xét nghiệm Covid-19 lần 2 của các đại biểu tham dự Đại hội Đảng và tất cả cán bộ, nhân viên phục vụ Đại hội Đảng đều cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Theo quy định, tất cả đại biểu tham dự Đại hội Đảng và người phục vụ Đại hội Đảng phải trải qua hai lần xét nghiệm Covid-19. Lần 1 trong vòng 7 ngày trước Đại hội và lần 2 trong vòng 1 - 2 ngày trước Đại hội. Kết quả hai lần xét nghiệm của toàn bộ hơn 10 nghìn người đều âm tính. 
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Các bộ, ngành và địa phương đặc biệt chú trọng ngăn chặn sự xâm nhập các ca bệnh từ bên ngoài vào Việt Nam. Người dân cần đề cao cảnh giác, phát hiện và thông báo cho cơ quan chức năng những trường hợp không thực hiện cách ly. 

Thành phố Đà Nẵng được yêu cầu giãn cách xã hội vào ngày 28/7/2020. Song song đó, ngành y tế tại đây đã áp dụng phương pháp xét nghiệm gộp vào tuần thứ hai của tháng 8/2020. Phương pháp này được cho là góp phần vào thành công cuối cùng trong việc kiểm soát Covid-19 tại Đà Nẵng. Ngày 11/9 cùng năm, Đà Nẵng không ghi nhận ca mắc mới ở cộng đồng trong 12 ngày liên tiếp.

Bởi số lượng người trong một hộ gia đình hoặc cộng đồng được điều tra có thể khác nhau, các chuyên gia đã gộp 2 - 7 người thành một nhóm xét nghiệm.

Miếng gạc mẫu dịch họng - mũi họng được thu thập từ mỗi cá nhân trong nhóm và được chứa trong 15 mL ống thu thập, cùng 3 mL môi trường vận chuyển virus. Nếu xét nghiệm SARS-CoV-2 của nhóm cho kết quả dương tính, mẫu dịch họng - mũi đơn lẻ từ mỗi cá nhân của nhóm tương ứng sẽ được thử nghiệm RT-PCR để khẳng định. Tất cả mẫu thu thập được gửi đến phòng xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng (CDC) - nơi chịu trách nhiệm 90% lượng sàng lọc ở thành phố này.

Phương pháp gộp mẫu (pool) thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 là lấy một phần của mỗi mẫu trong các mẫu để gộp vào và tách chiết, xét nghiệm. Phần còn lại của các mẫu được bảo quản để xét nghiệm riêng lại lần 2, nếu xét nghiệm mẫu gộp dương tính.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, việc gộp mẫu giúp tiết kiệm nguồn lực, cho kết quả nhanh. Đồng thời, giúp đẩy nhanh xét nghiệm sàng lọc. Ngoài ra, phát hiện sớm khối lượng lớn ca bệnh nghi ngờ, các nhóm tiếp xúc F1 và những người nguy cơ. Nhờ đó, giúp hạn chế tình hình lây lan trong cộng đồng và hạn chế tình trạng tử vong.

Tại Việt Nam, thực hiện Thông tư số 26/2013 về Hoạt động truyền máu, các trung tâm truyền máu lớn đang thực hiện kỹ thuật pool trong nhiều năm nay. Qua đó, giúp sàng lọc các mầm bệnh trong túi máu là HIV, HBV, HBC gan... Đặc biệt, Trung tâm Máu quốc gia và Trung tâm Truyền máu thuộc Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM là hệ thống xét nghiệm PCR tự động công suất lớn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ