Phương pháp thuyết trình vẫn được trọng dụng

Phương pháp thuyết trình vẫn được trọng dụng

(GD&TĐ)-Nhóm phương pháp thuyết trình được giảng viên thường xuyên sử dụng nhất, trong khi đó, các phương pháp mới như phương pháp đóng vai, dạy học theo tiếp cận môđun, dạy học bằng grap, dạy học theo dự án, dạy học qua mạng, nghiên cứu điển hình, phần lớn số ý kiến cho rằng giảng viên còn rất hiếm khi sử dụng hoặc chưa sử dụng.

Ảnh minh họa
Ảnh chỉ mang tính minh họa

Đó là kết quả đáng chú ý của các chuyên gia thuộc Viện Khoa học Giáo dục VN, ĐHQGHN, ĐH SP Hà Nội, Vụ Giáo dục ĐH, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường  (Bộ GD&ĐT) nghiên cứu thực trạng đổi mới PPDH ở ĐH thông qua khảo sát 367 nhà quản lí cấp trường và cấp khoa; 1342 giảng viên, 1386 SV; phỏng vấn sâu tại 7 trường ĐH...

Cụ thể, trên dưới 50% số giảng viên được hỏi hiểu biết các phương pháp thuyết trình ở mức áp dụng thành thạo. Trong khi đó, phương pháp dạy học bằng grap có đến 73,2% số ý kiến cho rằng chưa bao giờ sử dụng, 16,5% số ý kiến cho rằng hiếm khi sử dụng; phương pháp dạy học theo dự án: 60,4% số ý kiến cho biết chưa bao giờ sử dụng, 19,5% cho là hiếm khi sử dụng; phương pháp dạy học qua mạng: 58,7% số ý kiến chưa bao giờ sử dụng, 19,1% cho là hiếm khi sử dụng.

Trong 21 phương pháp và hình thức tổ chức dạy học nêu ra chỉ có 9 được áp dụng phổ biến ở các trường ĐH. Đó là phương pháp thuyết trình, thuyết trình kết hợp đàm thoại; thuyết trình kết hợp sử dụng các tài liệu nghe - nhìn; làm việc theo nhóm; seminar; thí nghiệm - thực hành; dạy học với sự trợ giúp của máy tính; thực tập; tổ chức cho sinh viên tự học, tự nghiên cứu.

Các PPDH được sử dụng ở mức “tương đối có hiệu quả” là nhóm phương pháp thuyết trình, thảo luận theo nhóm, seminar, dạy học tình huống. Với một số phương pháp mới, tỉ lệ giảng viên sử dụng không hiệu quả tương đối cao.

Qua thông tin từ 32 trường, chỉ có 19 trường  thành lập ban chỉ đạo đổi mới PPDH  với chức năng, nhiệm vụ và kế hoạch hoạt động cụ thể. Có 83,3% (40/43) nhà quản lí cấp trường đã ban hành văn bản quy định về tăng cường đổi mới PPDH. Số còn lại chưa chú ý đưa vấn đề đổi mới PPDH vào các văn bản chỉ đạo của mình.

Cũng theo nghiên cứu này, có 85,7% nhà quản lí cấp trường và 75,9% nhà quản lí cấp khoa cho biết đơn vị họ đã áp dụng biện pháp “dự giờ” giảng viên giỏi. 61,2% nhà quản lí cấp trường và 55,2 nhà quản lí cấp khoa đã có chính sách khuyến khích động viên, khen thưởng bằng vật chất và tinh thần cho giảng viên trong việc đổi mới PPDH; 64,7%  nhà quản lí cấp trường và 67,1% các nhà quản lí cấp khoa đã áp dụng biện pháp “đưa vào chỉ tiêu thi đua” để thúc đẩy việc đổi mới PPDH. Theo phiếu khảo sát 1342 giảng viên của 43 trường ĐH, tỉ lệ số giảng viên được tập huấn, bồi dưỡng mới chỉ khoảng 60%. Mới chỉ có 39,5% nhà quản lí cấp trường cho biết đơn vị của họ đã mở các khoá đào tạo giảng viên theo “Chương trình sư phạm cốt lõi”. Tuy nhiên ít trường ĐH tổ chức biên soạn các tài liệu hướng dẫn về PPDH, trong khi đó nhu cầu tìm hiểu các tài liệu về PPDH hiện đại trong đội ngũ giảng viên rất lớn.

Việc tổ chức các đề tài nghiên cứu khoa học về đổi mới PPDH chưa được quan tâm ở các trường ĐH. Theo số liệu của Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, trong 5 năm 2001-2005 chỉ có 35 đề tài cấp Bộ liên quan tới đổi mới PPDH trên tổng số 3064 đề tài .

Tuy nhiên, cũng theo nghiên cứu này, 87,2% các nhà quản lí và giảng viên các trường ĐH quan niệm đúng về bản chất của việc đổi  mới PPDH. Cũng đa số cho rằng việc đổi mới PPDH cần được tiến hành một cách đồng bộ với việc đổi mới chương trình đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên để nâng cao chất lượng đào tạo ở ĐH. Trong các nhân tố thúc đẩy việc đổi mới PPDH, nhân tố “giảng viên ý thức được tầm quan trọng của việc đổi mới PPDH” được xếp ở vị trí cao nhất. Tuy nhiên, sự chỉ đạo của cán bộ quản lí các cấp có vai trò quyết định tới hoạt động  đổi mới PPDH của giảng viên. 

Đa số giảng viên coi yêu cầu đổi với giảng viên là vừa có trình độ chuyên môn tốt, vừa có PPDH tốt. 

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, việc tăng cường ứng dụng CNTT vào quá trình đào tạo để nâng cao chất lượng, hiệu quả là một hướng đổi mới phương pháp dạy học ĐH, mới chỉ bước đầu có hiệu quả, chủ yếu là trong sử dụng Power Point.

Về phương pháp học tập của SV, theo kết quả nghiên cứu, phần lớn SV chưa tìm được phương pháp học phù hợp với đặc điểm nhận thức của cá nhân, chưa tìm được những phương pháp học phù hợp với đặc điểm nhận thức của cá nhân và không nắm vững phương pháp học. Trong các cuộc phỏng vấn trực tiếp tại 7 trường ĐH, SV đều tự nhận xét việc đổi mới PPDH chưa thât hiệu quả có lí do quan trọng là SV chưa có phương pháp học tập thích hợp; còn nặng về dựa vào bài giảng của giảng viên, thực hiện các bài tập làm việc theo nhóm một cách hình thức, chiếu lệ. 

Nói về những trở ngại khi tiến hành đổi mới PPDH, các nhà quản lí, giảng viên và SV tương đối thống nhất rằng các yếu tố cản trở mạnh nhất tới việc đổi mới PPDH là do cơ sở vật chất hạn chế ; lớp học quá đông ; trình độ ngoại ngữ yếu và tình trạng SV chưa chuẩn bị tốt về phương pháp học tập.

Để đẩy mạnh đổi mới PPDH ở các trường ĐH, nhóm nghiên cứu đề xuất, Bộ GD&ĐT nên xây dựng cơ chế tạo động lực đổi mới PPDH; Bộ và các trường xây dựng các chuẩn quy định về vấn đề đổi mới PPDH, đưa thêm nhiều tiêu chí về đổi mới PPDH vào hệ thống tiêu chí đánh giá, kiểm định chất lượng ; tăng cường trình độ chuyên môn song song với tăng cường năng lực về ngoại ngữ, về PPDH của đội ngũ giảng viên; cần xây dựng bộ tài liệu về các PPDH, trong đó giới thiệu các PPDH tiên tiến, các kĩ thuật dạy học để đông đảo giảng viên có thể tham khảo; tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học, xây dựng các loại phòng học đa dạng phù hợp đổi mới PPDH ; có cơ chế để giải quyết vấn đề quy mô lớp học.

Bên cạnh đó, đi đôi với việc bồi dưỡng giảng viên về PPDH, cần giúp SV có phương pháp học tập phù hợp ngay từ năm thứ nhấ ; xây dựng nhóm các đề tài  nghiên cứu khoa học về PPDH cấp Bộ, cấp cơ sở ở các trường. Nhóm nghiên cứu cũng nhấn mạnh, để có thể đẩy mạnh đổi mới PPDH, tạo ra bước chuyển biến mới trong đào tạo ở ĐH, Bộ GD&ĐTcần triển khai một dự án với mục tiêu thúc đẩy đổi mới PPDH  trong hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam.

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ