Phương pháp mới phát hiện ngoại hành tinh

GD&TĐ - Thiết bị GRAVITY trên Kính viễn vọng cực lớn VLTI của Tổ chức Nghiên cứu thiên văn châu Âu tại bán cầu Nam ESO đã thực hiện những quan sát trực tiếp đầu tiên đối với các ngoại hành tinh nhờ phương pháp đo giao thoa quang học.

Ngoại hành tinh HR 8799e
Ngoại hành tinh HR 8799e

Phương pháp này cho thấy khí quyển phức tạp của hành tinh với những đám mây chứa sắt và silicate, quay cuồng trong những cơn bão quy mô toàn hành tinh.

Công nghệ mới đưa ra những khả năng nghiên cứu đặc biệt đối với nhiều ngoại hành tinh đã biết đến hiện nay. Các nhà khoa học đã giới thiệu những quan sát ngoại hành tinh HR 8799e thông qua đo giao thoa quang học.

Ngoại hành tinh được phát hiện vào năm 2010 trên quỹ đạo xung quanh ngôi sao trẻ HR 8799, cách Trái đất khoảng 129 năm ánh sáng.

Những kết quả nghiên cứu hiện nay cho thấy đặc tính mới của HR8799e. Các nghiên cứu đòi hỏi thiết bị có độ phân giải và độ nhạy cao. Thiết bị GRAVITY có thể sử dụng 4 kính viễn vọng chính VLT, phối hợp thành một kính viễn vọng lớn hơn nhờ kỹ thuật gọi là đo giao thoa.

Bằng cách này, các nhà thiên văn học đã tạo ra kính viễn vọng cực lớn (VLTI). Kính này đã thu thập và lọc ra được ánh sáng phản chiếu từ khí quyển ngoại hành tinh HR 8799e.

HR8799e được gọi là “siêu sao Mộc”. Đây là loại hành tinh không có trong Hệ Mặt trời. “Siêu sao Mộc” trẻ hơn mọi hành tinh quay xung quanh Mặt trời. Cùng với tuổi vẻn vẹn gần 30 triệu năm, hành tinh trẻ này cho các nhà khoa học một hình dung về giai đoạn hình thành hành tinh và hệ hành tinh.

Ngoại hành tinh này hoàn toàn không thân thiện - năng lượng còn lại sau khi HR 8799e hình thành và hiệu ứng nhiệt đã làm nó nóng lên tới gần 1.000 độ C.

Đây là lần đầu tiên phương pháp đo giao thoa quang học được sử dụng để nghiên cứu các đặc tính của ngoại hành tinh. Công nghệ mới cho phép lấy được quang phổ có chất lượng cao chưa từng thấy: Rõ nét gấp 10 lần so với các quan sát trước đây. Các phép đo do một nhóm các nhà nghiên cứu thực hiện đã giúp xác định cấu tạo khí quyển HR 8799e.

“Các phân tích của chúng tôi cho thấy, HR 8799e có khí quyển chứa nhiều carbon monoxide hơn là methane - đây là điều bất thường trong các điều kiện cân bằng. Sự giải thích tốt nhất cho hiện tượng này là các cơn gió theo chiều thẳng đứng trong khí quyển hành tinh, ngăn chặn các phản ứng carbon monoxide với hidro để hình thành methane” - ông Sylvester Lacour ở Trung tâm Nghiên cứu Khoa học quốc gia Pháp, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.

Người ta cũng phát hiện ra là khí quyển chứa đám mây chứa bụi sắt và silicate. Ông Lacour cho biết thêm: “Các quan sát của chúng tôi cho thấy ngoại hành tinh HR 8799e là một quả cầu phát sáng từ bên trong với các đám mây giông sẫm màu.

Xung quanh những đám mây với các phân tử silicate và sắt có sự đối lưu, gây ra mưa và hiện tượng phân hủy các phân tử này. Đây là hình ảnh khí quyển chuyển động của một ngoại hành tinh lớn trong giai đoạn hình thành, trong đó diễn ra các quá trình vật lý và hóa học phức tạp”. 

Theo Nauka

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.