Do những thiết bị tiện dụng như điện thoại thông minh và hệ thống thông tin giải trí tự động ngày càng phổ biến, hiện nay có lẽ cả người đi bộ và người lái xe ít nhận thấy nhau trên đường hơn bao giờ hết. Điều này khiến nguy cơ tai nạn giao thông ngày càng cao.
Gần đây, các nhà khoa học đã nghiên cứu về một lối băng qua đường mới có thể giúp ngăn ngừa tai nạn xảy ra cho những người đi bộ, tuy nhiên, sáng kiến này phải bao gồm nhiều loại đèn, bảng hiệu điện tử và một ứng dụng.
Được thiết kế bởi một nhóm kỹ sư tại Viện công nghệ Xây dựng và kỹ thuật dân dụng Hàn Quốc, hệ thống hoạt động bằng cách sử dụng camera cảm biến nhiệt để phát hiện người đi bộ đang đến gần lối băng qua đường.
Khi phát hiện có người, hệ thống sẽ phản ứng bằng cách chiếu đèn LED cảnh báo, đây là loại đèn được gắn vào nhựa đường ở hai bên lối băng qua dành cho người đi bộ. Chúng được cho là có thể thấy được người hay vật từ khoảng cách lên tới 50 mét, nhưng không sáng đến mức ảnh hưởng đến tầm nhìn của lái xe.
Khi một chiếc xe đi vào trong vòng 30m cách lối băng qua đường, một biển báo điện tử nhấp nháy sẽ sáng lên để cảnh báo về người đi bộ sắp băng qua, trong trường hợp người lái xe không để ý đèn LED chiếu sáng hai bên.
Mặt khác, người đi bộ cũng được cảnh báo về việc tiếp cận các phương tiện xe cộ theo ba cách. Đầu tiên, nếu phát hiện một chiếc xe sắp tới đi nhanh hơn 10km/h, một hình ảnh cảnh báo được chiếu xuống mặt đất trước mặt người đi bộ.
Điều này sẽ thu hút sự chú ý của những người đang chăm chăm nhìn vào điện thoại của họ, hoặc những người già hay nhìn xuống đất khi đi đường. Thứ hai, một âm thanh báo động được vang lên. Và thứ ba, một ứng dụng khiến điện thoại của người đi bộ rung lên và tự phát ra âm thanh báo động.
Trong các thử nghiệm thực địa có liên quan đến khoảng 1.000 xe, các nhà sáng chế thấy rằng có đến 83,4% tài xế đã dừng hoặc giảm tốc độ để phản ứng với các cảnh báo của hệ thống. Và trên những con đường có giới hạn tốc độ 50km/h, những người lái xe đến gần lối băng qua đường đã giảm tốc độ của họ xuống gần 20% so với khi đến gần đường băng qua mà không có gắn thêm hệ thống cảnh báo.
Tiến sĩ Jong Hoon Kim, người đứng đầu dự án cho biết: “Chúng tôi mong đợi những kết quả nổi bật khi hệ thống được lắp đặt tại các lối băng qua đường mà không có tín hiệu giao thông và lối băng qua đường cao tốc ở nông thôn, nơi có tỷ lệ người đi bộ bị tai nạn tăng cao.
Chúng tôi có kế hoạch tiếp tục phát triển hệ thống để các tài xế có thể được thông báo về các giao lộ sắp tới, thông qua các ứng dụng điều hướng của họ và các phương tiện cũng có thể tự động giảm tốc độ khi phát hiện trường hợp nguy hiểm”.