Phương pháp giáo dục mầm non tiên tiến: Cô và trò cùng thay đổi

GD&TĐ - Các phương pháp giáo dục mầm non tiên tiến được triển khai ở một số trường học thời gian qua cho thấy những giá trị tích cực. Trẻ thực sự háo hức, chủ động và sáng tạo khi tham gia vào các trải nghiệm.

Cô trò Trường MN Eduplay cùng sáng tạo. Ảnh: TG
Cô trò Trường MN Eduplay cùng sáng tạo. Ảnh: TG

Cái hay của phương pháp mới

Trường Mầm non Eduplay Hà Nội đưa vào ứng dụng phương pháp giảng dạy Inquiry của chương trình giáo dục Tú tài quốc tế (Ib.org) cho các lớp từ tháng 9/2020.

Trường lựa chọn chương trình này bởi mục tiêu hướng tới xây dựng người công dân quốc tế, có tư duy toàn cầu, ý thức học tập suốt đời và quan tâm đến gia đình, cộng đồng và xã hội.

Phương pháp giảng dạy Inquiry cũng luôn đặt câu hỏi cho trẻ tư duy, khám phá và chủ động học tập thay vì giáo viên cung cấp kiến thức một chiều.

Theo ThS Phạm Minh Nguyệt, Giám đốc chuyên môn, Trường Mầm non Eduplay Hà Nội, sau 1 năm triển khai chương trình, đã có sự thay đổi tích cực từ nhận thức tới hành động. Giáo viên và phụ huynh đã tôn trọng, lắng nghe ý kiến, tin vào khả năng của trẻ.

Nội dung giảng dạy thiết kế bám sát nhu cầu học tập, sự phát triển tư duy, thay vì áp đặt những điều giáo viên muốn học trò biết.

Nhà trường thay đổi mạnh mẽ về đồ dùng giáo cụ trực quan, chuyển từ đồ chơi, đồ dùng mua sẵn sang sử dụng đồ tái chế, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với thiên nhiên.

Lấy người học làm trung tâm, tập trung quá trình hình thành kỹ năng và phát triển tư duy của trẻ thông qua giảng dạy tích hợp các môn học (ngôn ngữ, tạo hình, toán học, khám phá khoa học, thí nghiệm, STEAM, âm nhạc…).

Trả lời câu hỏi, trẻ được hưởng lợi những gì từ những phương pháp tiên tiến, ThS Phạm Minh Nguyệt cho rằng: Các em thực sự trở thành trung tâm chứ không dừng lại trên khẩu hiệu hình thức. Các con được lắng nghe nhiều hơn. Cô giáo hàng ngày trò chuyện, quan sát, tìm hiểu và ghi chép những phát ngôn, ý kiến của trò, lấy đó làm cơ sở xây dựng các hoạt động.

Giáo viên đồng thời theo dõi quá trình học, tự học và tiến bộ của học sinh. Trẻ được tham gia vào buổi thảo luận sôi nổi, ý kiến của trẻ được tôn trọng và lưu ý. Vì vậy, trẻ đến trường với tâm trạng vui tươi, hạnh phúc vì được quan tâm và được khám phá những điều mình muốn.

Thỏa sức sáng tạo trong mỗi giờ học mà chơi.
Thỏa sức sáng tạo trong mỗi giờ học mà chơi.

Đổi thay tích cực

Là trường Mầm non đầu tiên của tỉnh Nghệ An đưa phương pháp giáo dục STEM vào thí điểm dạy, cô Nguyễn Thị Bích Lê – Phó Hiệu trưởng Trường Thực hành Sư phạm cho biết:

Quá trình dạy học cho thấy những giá trị tích cực, trẻ tự đặt ra câu hỏi, ra quyết định cho các hoạt động, lựa chọn hình thức, tự thực hiện và điều hành. Giáo viên đóng vai trò là người định hướng, hỗ trợ, tạo môi trường cho trẻ thực hiện các hoạt động đó.

Tùy từng độ tuổi và dự án cụ thể, thời gian các dự án có thể được các giáo viên triển khai 1 ngày, 1 tuần, 1 tháng hoặc vài tháng, được tổ chức cả lớp hay một nhóm nhỏ.

Trẻ được khuyến khích hợp tác cùng nhau, áp dụng kiến thức của mình để giải quyết các vấn đề thực tế, cuộc sống thực.

Qua đó, thu hút sự tò mò của trẻ vào thế giới tự nhiên muôn màu sắc, những ý tưởng thách thức và phát triển bản thân, các kỹ năng kiên trì và quyết tâm ở trẻ được phát triển.

Đặc biệt, khi thực hiện các dự án có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa GV, bố mẹ trẻ và cộng đồng xã hội.

Cô Nguyễn Thanh Mai, giáo viên Trường mầm non Eduplay Hà Nội, chia sẻ: Cô trò cùng truyền cảm hứng sáng tạo. Trẻ được tự tay thực hiện các dự án, làm sản phẩm, đọc sách, tìm hiểu thông tin; thỏa sức khám phá, tìm hiểu những điều mới lạ trên cơ sở hỗ trợ của giáo viên. Ví dụ dự án về biểu tượng, các em được tìm hiểu và biết đến biểu tượng mang tính quốc tế như biển báo tại nơi công cộng…

Các em cũng được yêu thương và học cách quan tâm đến bạn bè, người thân, gia đình và cộng đồng thông qua các hoạt động thiết thực được nhà trường phát động: Ngày lễ cho bà, mẹ, thăm hỏi và chia sẻ đồ chơi với các bạn nhỏ vùng cao, có hoàn cảnh khó khăn; tiếp cận các nội dung, hoạt động trên trong chương trình tiếng Việt và cả chương trình học tiếng Anh.

Các phương pháp giáo dục mầm non tiên tiến dần tạo chỗ đứng tại một số trường mầm non ở Việt Nam.

Giá trị tích cực là điều ghi nhận được ở trường đang triển khai, giáo viên tìm ra cách áp dụng phù hợp với trẻ mầm non, nỗ lực mang đến những cơ hội tiếp cận tri thức và khuyến khích sáng tạo trong hầu hết các hoạt động hàng ngày của trẻ.

Những lĩnh vực như khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học tưởng chừng như khô khan, khó tiếp cận lại trở nên hấp dẫn, nhẹ nhàng, mới mẻ.

Tuy nhiên, các phương pháp mới này còn chọn người và chọn trường vì những yêu cầu về năng lực đội ngũ và điều kiện cơ sở hạ tầng.

Sẽ khó triển khai đại trà, nhưng đây là cách thức hay, hướng đến mục đích giáo dục một thế hệ trẻ có khả năng có thể tiếp cận cái mới, đáp ứng yêu cầu của thời đại 4.0.

Trẻ chủ động, tự tin trong việc học; hiểu và có kỹ năng thực hiện hàng ngày, tác phong nhanh nhẹn, tự phục vụ… Trẻ hình thành tư duy phản biện, quan sát nhiều chiều và có ý thức tự học hỏi, khám phá, tự tin đặt câu hỏi, tham gia các thảo luận và không ngại nói lên ý kiến của mình. Đặc biệt, trẻ có thể giao tiếp tự tin cả bằng tiếng Việt và tiếng Anh… - ThS Phạm Minh Nguyệt

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ