Tuy nhiên, để có một kỳ thi công bằng, minh bạch, đánh giá đúng chất lượng dạy học, đòi hỏi địa phương phải chủ động; tăng cường hơn nữa trách nhiệm, chỉ đạo tốt công tác dạy và học, tổ chức kỳ thi thực sự nghiêm túc, đúng quy chế.
Địa phương phải chủ động
Nguyên là Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ, nhiều năm tham gia chỉ đạo tổ chức thi THPT quốc gia tại địa phương, ông Nguyễn Minh Tường, Bí thư Huyện ủy huyện Thanh Thủy cho rằng: Do diễn biến của dịch Covid-19, việc điều chỉnh thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT với mục tiêu đánh giá quá trình giáo dục phổ thông của người học, học sinh học hết chương trình giáo dục phổ thông được tổ chức thi để xét tốt nghiệp theo luật là cần thiết, phù hợp với thực tế năm 2020 do tác động khách quan đem lại.
Tính hợp lý của sự thay đổi này còn được ông Tường lý giải thêm: Những năm gần đây, việc phân luồng đào tạo có những dấu hiệu rõ nét hơn. Nhiều thí sinh sau khi tốt nghiệp THPT đã tham gia chương trình đào tạo nghề, hoặc trực tiếp lao động sản xuất mà không theo học CĐ, ĐH. Xu hướng này góp phần giảm áp lực tâm lý thi cử, thúc đẩy việc học thật, thi thật. Mặt khác, các trường ĐH được trao quyền tự chủ nên có thể xây dựng phương thức tuyển sinh riêng, điều quan trọng là kiểm soát chặt đầu ra, sinh viên ra trường bảo đảm chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
“Kỳ thi năm nay được tổ chức tinh gọn hơn và do các tỉnh thành lập Hội đồng thi. Hội đồng thi của tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức các khâu của kỳ thi như: In sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo, công bố kết quả thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT. Việc giao cho các tỉnh tự coi thi là hợp lý theo phân cấp quản lý hiện nay, bảo đảm yêu cầu về phòng chống dịch, tiết kiệm. Kinh nghiệm tổ chức thi các năm cho thấy, hầu hết địa phương đã làm tốt công tác chuẩn bị, tổ chức thi THPT quốc gia; kết quả phản ánh khách quan, trung thực do khâu chấm thực hiện đúng quy trình” – ông Nguyễn Minh Tường chia sẻ.
Cho rằng, việc thay đổi Kỳ thi THPT năm nay sẽ có một số khó khăn về mặt tâm lý của học sinh, phụ huynh học sinh, tuy nhiên, theo Bí thư Huyện ủy huyện Thanh Thủy, với sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, các địa phương, nhất là nhà trường sẽ khắc phục triệt để và điều quan trọng là học sinh cần chuẩn bị thật tốt để đạt kết quả tốt nhất.
Khẳng định vai trò quan trọng của Kỳ thi tốt nghiệp THPT, ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang cho rằng: Kỳ thi là cơ sở để đánh giá học sinh về kiến thức, kỹ năng phổ thông cần thiết, là nền tảng cho việc tiếp tục học lên cấp học cao hơn, hoặc tham gia lao động xã hội. Cũng qua kỳ thi, đánh giá việc tổ chức dạy và học của cơ sở giáo dục; đặc biệt các cấp quản lý giáo dục sẽ có cơ sở để điều chỉnh giải pháp quản lý giúp chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao.
Quy trách nhiệm cụ thể
Cũng theo ông Trần Tuấn Khanh, phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2020 nhìn chung khá thuận lợi cho các địa phương, ít tốn kém nhưng đồng thời đòi hỏi địa phương phải chủ động, tăng cường hơn nữa trách nhiệm. Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh tăng cường giám sát, nhà trường tăng cường chỉ đạo công tác dạy và học, công tác tổ chức kỳ thi phải thực sự diễn ra nghiêm túc và mọi người tham gia công tác thi phải thực hiện đúng quy chế. “Với truyền thống nhiều năm dạy học, tổ chức thi cử nghiêm túc, tôi tự tin An Giang sẽ tổ chức tốt kỳ thi với kết quả đáng tin cậy” - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang khẳng định.
Để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, kết quả đáng tin cậy, ông Trần Tuấn Khanh cho rằng: Quy chế thi cần quy định rõ trách nhiệm của các sở GD&ĐT, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu; công tác phối hợp với các ngành có liên quan ở địa phương. Quy trình coi và chấm thi không quá phức tạp nhưng phải chặt chẽ; đồng thời tăng cường vai trò, trách nhiệm của cá nhân và đơn vị giám sát kỳ thi.
Cũng cho ý kiến về nội dung này, ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam góp ý: Quy chế thi cần điều chỉnh để bảo đảm đánh giá khách quan, đúng chất lượng học sinh ở các địa phương. Kinh nghiệm tổ chức thi THPT quốc gia năm 2019 cần được phát huy và tận dụng vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, tuy nhiên không được chủ quan. Quy chế cần tỉ mỉ, minh bạch, trong tất cả các khâu, bước tổ chức coi thi, chấm thi. Quy trách nhiệm cụ thể với quy trình rõ ràng khoa học và chế độ giám sát lẫn nhau giữa những thành viên tham gia làm thi. Sử dụng mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu của quá trình làm thi.
“Đặc điểm kỳ thi năm nay diễn ra đang mùa dịch bệnh, nên Bộ GD&ĐTđã có hướng dẫn giảm nhẹ rất nhiều về nội dung thi, theo tinh thần “học gì thi nấy”. Tôi nghĩ đây là điều kiện thuận lợi cho thí sinh và kết quả thi như thế nào phụ thuộc vào sự cố gắng của các em” – ông Đặng Tự Ân nhận định.
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), để bảo đảm kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng, kế thừa thành công của kỳ thi năm 2019, Bộ GD&ĐT sẽ triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp: Tiếp tục chịu trách nhiệm ra đề thi; tổ chức thi trắc nghiệm để hạn chế tối đa sự can thiệp của con người vào các khâu coi thi, chấm thi. Mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng; áp dụng thiết bị giám sát và công nghệ thông tin để quản lý chặt chẽ đề thi, bài thi...
Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi và xây dựng chế tài xử lý kịp thời, nghiêm minh với tiêu cực, gian lận (nếu có) trong tất cả các khâu tổ chức kỳ thi. Năm nay, ngoài các đoàn thanh tra của Bộ, Sở GD&ĐT, sẽ có thanh tra của tỉnh cùng thực hiện thanh tra các khâu của kỳ thi.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 giao quyền tổ chức về cho địa phương, trong đó có cả công tác chấm thi. Theo ông Trần Tuấn Khanh, nhiệm vụ chấm thi tự luận và trắc nghiệm các địa phương đã làm nhiều năm, địa phương hoàn toàn có thể làm tốt trên tinh thần thực hiện nghiêm túc quy chế thi và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.