Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cùng cựu điều tra viên (Bộ Công an) Hoàng Văn Hưng và nhiều bị cáo được đề nghị giảm hình phạt, mở cơ hội thoát án chung thân sau khi có thêm tình tiết giảm nhẹ.
"Quay xe" thoát án chung thân?
Sáng 26/12, phiên xét xử phúc thẩm vụ án “chuyến bay giải cứu” kết thúc phần xét hỏi. Sau khi làm rõ thêm một số tài liệu, hồ sơ được gia đình và luật sư của các bị cáo nộp bổ sung, Hội đồng xét xử (HĐXX) chuyển sang phần tranh luận. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKS) cấp cao tại Hà Nội trình bày cáo trạng và quan điểm đối với đơn kháng cáo của 21 bị cáo và 2 người có quyền, nghĩa vụ liên quan.
Theo VKS, với việc các bị cáo có thêm tình tiết giảm nhẹ như bằng khen, giấy khen, có người thân là liệt sĩ, đã nộp một phần hoặc khắc phục hoàn toàn hậu quả... được đề nghị giảm án.
Cụ thể, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao - Nguyễn Thị Hương Lan được đề nghị giảm từ án chung thân xuống 20 năm tù giam, cựu Cục phó Cục Lãnh sự Đỗ Hoàng Tùng được đề nghị giảm từ 2 - 3 năm tù; cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng được đề nghị giảm 3 - 4 năm tù.
Đối với trường hợp của Hoàng Văn Hưng, đại diện VKS cho biết, kết quả điều tra xác định Hoàng Văn Hưng đã nhận 800.000 USD (tương đương hơn 18,8 tỷ đồng), bị cáo không bị oan. Trước đó, tòa cấp sơ thẩm đã tuyên án Hoàng Văn Hưng mức án chung thân, truy thu số tiền 800.000 USD.
Theo đại diện VKS, trước khi tòa cấp phúc thẩm diễn ra, bị cáo Hưng đã có đơn đề nghị. Trong đó nội dung là chấp nhận cáo trạng của VKS và bản án sơ thẩm, chuyển từ kháng cáo kêu oan sang xin giảm nhẹ hình phạt.
Bị cáo Hưng tác động gia đình, người thân khắc phục hoàn toàn số tiền 18,8 tỷ đồng. Ngoài ra, bị cáo Hưng trình thêm tình tiết giảm nhẹ. Do đó, đại diện VKS đề nghị giảm án cho Hoàng Văn Hưng từ chung thân xuống 20 năm tù giam.
Nhóm bị cáo là doanh nghiệp hầu hết đều đưa ra thêm các tình tiết giảm nhẹ mới nên được VKS đề nghị giảm mức án. Cụ thể, Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó Tổng Giám đốc Blue Sky) được đề nghị giảm 12 - 18 tháng tù.
Bị cáo Lê Hồng Sơn (Tổng Giám đốc Blue Sky) được đề nghị giảm 12 - 18 tháng tù. Bị cáo Võ Thị Hồng (Giám đốc Công ty Minh Ngọc) được đề nghị giảm 6 - 12 tháng tù…
Đối với bị cáo Trần Văn Tân (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam), đại diện VKS đề nghị giảm mức án 1 năm tù cho bị cáo này. Ở bản án sơ thẩm, ông Tân bị tuyên 6 năm tù về tội Nhận hối lộ...
Riêng với Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế), đại diện VKS cho biết, trước phiên phúc thẩm bị cáo Kiên đã nộp thêm 400 triệu đồng khắc phục toàn bộ số tiền nhận hối lộ, đây là tình tiết mới để xem xét giảm nhẹ. Tuy nhiên, theo VKS trong vụ án này Kiên có hành vi vòi vĩnh, hối lộ nhiều lần nhất, số tiền đặc biệt lớn nên không có căn cứ giảm nhẹ hình phạt.
Đại diện cơ quan công tố cũng cho biết, Phạm Trung Kiên nhận tiền 253 lần, tương đương 42,6 tỷ đồng trong vụ chuyến bay giải cứu. Từ đó, VKS cho rằng, mức án chung thân mà tòa cấp sơ thẩm đã tuyên đối với cựu Thư ký Phạm Trung Kiên là phù hợp nên đề nghị bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Kiên.
Bị cáo Hoàng Văn Hưng. Ảnh: MH |
Cơ hội để giảm một phần hình phạt
Trao đổi với Báo GD&TĐ, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá, bị cáo Hoàng Văn Hưng nhận tội trước ngày xét xử phúc thẩm là tình tiết mới quan trọng. Đây cũng là căn cứ để có thể tòa án cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo này.
Theo luật sư Cường, dưới góc độ pháp lý thì tại giai đoạn xét xử phúc thẩm bị cáo nhận tội, thành khẩn khai báo và khắc phục hậu quả là những tình tiết có thể xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.
Về nguyên tắc phạm vi xét xử phúc thẩm là chỉ xem xét phần nội dung bản án sơ thẩm có kháng cáo hoặc kháng nghị. Nếu tại giai đoạn xét xử phúc thẩm mà bị cáo Hưng vẫn giữ nguyên quan điểm kháng cáo là “kêu oan” và không tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả mà tòa án cấp phúc thẩm xác định bị cáo không oan thì khả năng cao là sẽ giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Luật sư Cường phân tích, trong vụ án này đối với các bị cáo mà giai đoạn sơ thẩm chưa thành khẩn khai báo, giai đoạn phúc thẩm thực sự thành khẩn ăn năn hối cải thì cũng là một trong những tình tiết HĐXX cấp phúc thẩm có thể xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt trong trường hợp xác định bị cáo có tội.
Ngoài ra với tội phạm về tham nhũng và chức vụ, các tội phạm xâm phạm quyền sở hữu thì việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả cũng là tình tiết quan trọng để xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt ở cấp phúc thẩm.
Ông Cường đánh giá, đây là vụ án phức tạp, có liên quan đến nhiều bị cáo, nhiều cơ quan tổ chức, hành vi của các bị cáo cũng diễn biến phức tạp, việc đánh giá chứng cứ còn nhiều quan điểm khác nhau.
Thái độ khai báo của một số bị cáo được đánh giá là chưa thành khẩn, cấp phúc thẩm có thêm một số diễn biến mới. Bởi vậy, HĐXX cấp phúc thẩm sẽ thận trọng trong việc xem xét đánh giá nội dung kháng cáo của từng bị cáo.
“Trường hợp bị cáo thực sự thành khẩn khai báo, thực sự ăn năn hối cải, đã nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật của mình và tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả mà tòa án cấp phúc thẩm xét thấy việc kết tội là có căn cứ và cấp phúc thẩm có thêm tình tiết mới, bị cáo đã nhận thức được hành vi của mình, đã tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả hoặc tác động bởi gia đình bồi thường khắc phục hậu quả thì cơ hội giảm hình phạt cho bị cáo tại cấp phúc thẩm là hoàn toàn có thể xảy ra...”, luật sư Cường nói.
Như Báo GD&TĐ đưa tin, sáng 25/12, TAND cấp cao tại TP Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm xem xét kháng cáo của 21 bị cáo trong vụ đại án “chuyến bay giải cứu”. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 5 ngày.