Hỗ trợ đúng nhu cầu – đúng chính sách
Một trong những công tác giảm nghèo hiệu quả nổi bật là thực hiện chính sách tín dụng. Theo đó chỉ riêng trong năm 2019, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ đã giải ngân trên 1.000 tỷ đồng từ chính sách tín dụng ưu đãi cho hơn 28 nghìn lượt khách hàng để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tăng thu nhập cho bản thân hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh.
Nguồn vốn tín dụng ưu đãi trong năm 2019 tiếp tục được đầu tư đúng đối tượng và có hiệu quả. Từ đó, giúp hộ nghèo và cận nghèo có thêm nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế hộ, giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.
Trước đó, trong giai đoạn 2016 – 2018, kết quả giảm nghèo hàng năm của tỉnh luôn đạt mục tiêu đề ra, năm 2016 giảm 1,53%, năm 2017 giảm 1,61%, năm 2018 giảm 1,81%. Đối với huyện Tân Sơn, năm 2016 giảm 4,16%, năm 2017 giảm 4,26%, năm 2018 giảm 4,52%. Tỷ lệ hộ cận nghèo cũng giảm đều theo từng năm, trong đó năm 2018 giảm được 0,99%.
Để có được những kết quả này, các cấp chính quyền tỉnh Phú Thọ đã nhanh chóng vào cuộc với quyết tâm cao. Ngay từ năm 2016, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016 - 2020, do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban chỉ đạo. Khẩn trương ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016-2020.
Đồng thời tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo của địa phương, khơi dậy ý chí vươn lên của người nghèo, sự tham gia giúp đỡ của cộng đồng, tạo điều kiện để người nghèo thoát nghèo.
Cụ thể, triển khai các Chương trình 30a, Chương trình 135,... để hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo...
Theo Sở LĐ-TB&XH Phú Thọ, trong năm 2019, toàn tỉnh đã có hơn 7.900 hộ gia đình người có công được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở với tổng số tiền hơn 232 tỷ đồng; hơn 2.400 hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn làm nhà ở với số tiền hơn 60 tỷ đồng…
Ông Bùi Đức Nhẫn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phú Thọ cho biết, công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào thực chất hơn. Từ khâu rà soát hộ nghèo ở cơ sở đã được cán bộ chuyên môn cấp tỉnh trực tiếp đến khảo sát, xác định. Các cấp chính quyền, đoàn thể bám sát từng hộ để hỗ trợ đúng nhu cầu, thực hiện đúng chính sách hỗ trợ sinh kế, nhà ở, giải quyết việc làm, giúp chi phí học tập, đào tạo nghề,... không để xảy ra trường hợp tái nghèo.
Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,5%/năm
Theo UBND tỉnh Phú Thọ, mục tiêu giảm nghèo đã trở thành nhiệm vụ, chỉ tiêu ưu tiên trong quá trình chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương. Các chính sách hỗ trợ người nghèo được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng theo quy định.
Người nghèo đã nhận thức rõ hơn trách nhiệm của bản thân, chủ động trong việc tiếp nhận các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng để tự vươn lên thoát nghèo.
Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững của tỉnh trong giai đoạn 2016-2020 phấn đấu đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,5%/năm.
Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo để cải thiện sinh kế, điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo. Phấn đấu đạt mục tiêu 70% thôn, bản có đường trục giao thông được cứng hóa; 100% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia và có bác sĩ; từ 80% - 90% trạm y tế cấp xã có đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
100% xã có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng; 64,8% số xã có cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn nông thôn mới.
Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tăng 20% - 25%/năm, tỷ lệ hộ tham gia dự án thoát nghèo 15%.
Riêng đối với huyện Tân Sơn đặt mục tiêu giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Năm 2020 thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP.
Đảm bảo thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số bằng 70% thu nhập bình quân chung của tỉnh; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đảm bảo tiêu chuẩn và cấp kỹ thuật theo quy định.
Hỗ trợ đào tạo nghề và tư vấn định hướng nghề cho 1.000 lao động của huyện Tân Sơn thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số, trong đó từ 60%-70% lao động đi làm việc ở nước ngoài.
“Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.