Phú Thọ nhận đội U21 của Hà Nội: Xóa “vùng trắng” bóng đá

Phú Thọ nhận đội U21 của Hà Nội: Xóa “vùng trắng” bóng đá

Điều đó mang đến những tranh luận trái chiều, song sự dịch chuyển này hứa hẹn hình thành trung tâm bóng đá mới cho khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

3 năm thăng 3 hạng

Vào thời điểm bóng đá thế giới đang phải hứng chịu những tác động nặng nề của Covid-19, thì tháng 5 vừa qua, CLB Hà Nội đã khiến làng bóng đá nội bất ngờ với lễ bàn giao lứa U21 cho tỉnh Phú Thọ. Phát biểu với truyền thông, ông bầu Đỗ Quang Hiển cho biết: “Chúng tôi tặng đội U21 Hà Nội cho CLB bóng đá Phú Thọ chứ không bán. Sau khi bàn giao, tiền duy trì đội bóng sẽ do UBND tỉnh Phú Thọ và các nhà tài trợ địa phương lo liệu. CLB Hà Nội sẽ chỉ hỗ trợ về chuyên môn, Năm 2021, đội bóng này sẽ có mặt ở V-League”.

Đội U21 Hà Nội đang được dẫn dắt bởi HLV trẻ Dương Hồng Sơn, cựu thủ môn đội tuyển Việt Nam. Anh chia tay sự nghiệp cầu thủ năm 2016 và chuyển sang công tác đào tạo trẻ ở CLB Hà Nội. Trước khi chuyển giao cho Phú Thọ, năm 2019 đội U21 Hà Nội giành chức vô địch Giải U21 quốc gia, là lực lượng nòng cốt của đội U21 Việt Nam thi đấu các giải trong nước và quốc tế. Theo lộ trình được công bố, sau khi nhận U21 Hà Nội, CLB Phú Thọ sẽ tham dự giải hạng nhì quốc gia mùa giải 2020, dự kiến diễn ra từ 10/7 đến 16/9.

Với lực lượng gồm nhiều gương mặt từng vô địch giải U19, U21 quốc gia, CLB Phú Thọ đã đặt mục tiêu sẽ giành suất lên hạng nhất mùa giải 2021. Những gương mặt đã chơi tốt ở giải U21 năm ngoái như Vũ Đình Hai, Trần Văn Đạt, Đỗ Sỹ Huy, Quan Văn Chuẩn... đang ở độ tuổi đôi mươi, sung mãn về mặt thể lực, được đào tạo bài bản về kỹ chiến thuật, hứa hẹn sẽ giúp bóng đá Phú Thọ khởi đầu thuận lợi trên hành trình hướng đến V-League vào năm 2021 như bầu Hiển và lãnh đạo bóng đá đất Tổ đặt ra.

Phú Thọ nhận đội U21 của Hà Nội: Xóa “vùng trắng” bóng đá ảnh 1
Sân Việt Trì được nâng cấp, sửa chữa đáp ứng nhu cầu tổ chức các trận tầm quốc tế.

Như vậy, sau 30 năm không có đội bóng, Phú Thọ đang từng bước khẳng định tham vọng và vị thế. Trong quá khứ, đã có thời điểm người dân Phú Thọ được đắm mình vào những vũ điệu của bóng đá đỉnh cao. Đó là thập niên 80 của thế kỷ trước, đội bóng Công an Vĩnh Phú (về sau là Công nghiệp Việt Trì) thi đấu ở giải bóng đá A1 toàn quốc - hạng đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam lúc bấy giờ. Mặc dù vậy, ở mùa giải 1989, đội Công nghiệp Việt Trì phải xuống hạng khi chỉ giành vỏn vẹn 2 điểm sau 10 trận đấu ở bảng C.

Nhìn về quá khứ, khán giả, người hâm mộ bóng đá đất Tổ vẫn tự hào khi nhắc đến đội tuyển U13 Phú Thọ đã từng giành chức Vô địch toàn quốc vào năm 2001. Đến năm 2008, vì nhiều lý do, 2 lứa U13 và U15 đã dừng đào tạo. Đó là lúc bóng đá trẻ của Phú Thọ ít được mọi người quan tâm. Mặc dù vẫn rất yêu bóng đá, nhưng không mấy người hâm mộ hy vọng về một ngày được tận mắt chứng kiến các đội bóng quê hương thi đấu tại các giải đấu chuyên nghiệp của VFF trước khi bầu Hiển bất ngờ tặng cả lứa U21 cho CLB bóng đá Phú Thọ, đi kèm với cú hích mạnh mẽ này là mục tiêu “3 năm thăng 3 hạng”.

Nước cờ khôn ngoan

Xung quanh quyết định “cho không” đội U21 của CLB Hà Nội đã nổ ra những quan điểm trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng, bầu Hiển tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trong làng bóng đá Việt Nam. Câu chuyện 1 ông bầu nhiều đội bóng đã được xới lên. Những đội bóng được cho là liên quan đến bầu Hiển có thể nhắc đến là Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam. Năm 2016, đội hạng nhất Hà Nội thăng hạng, ông đổi tên thành Sài Gòn FC, và chuyển vào TPHCM. Đến 2019, đội trẻ Hà Nội được chuyển giao cho Hà Tĩnh để trở thành Hồng Lĩnh Hà Tĩnh và sau đó giành quyền tham dự V-League. Bây giờ là lứa U21 hình thành nên đội Phú Thọ.

Phú Thọ nhận đội U21 của Hà Nội: Xóa “vùng trắng” bóng đá ảnh 2
Các cầu thủ U11 của lớp năng khiếu bóng đá Phú Thọ luyện tập.

Nhưng từ cách làm của Hà Nội, có thể thấy một dòng chảy rất rõ nét: Cầu thủ trẻ mà giỏi thì lên đội một Hà Nội. Các đội bóng trẻ có giá trị sẽ chuyển giao cho địa phương có nhu cầu. Bầu Hiển đang kinh doanh cầu thủ, kinh doanh đội bóng một cách ngoạn mục. Mô hình này bầu Hiển thực ra không phải là người đi tiên phong. Ngày HAGL “làm mưa làm gió”, đội bóng quê hương bầu Đức là Bình Định chẳng khác gì sân sau của đội bóng phố Núi. Thời đỉnh cao của Gạch Đồng Tâm, bầu Thắng sở hữu đội Sơn Đồng Tâm đá hạng nhất, Ngói Đồng Tâm đá hạng nhì. Chính bầu Thắng tiếp nhận đội Ngân hàng Đông Á sau vụ tiêu cực 2005, chuyển thành Sơn Đồng Tâm rồi bán lại trọn gói cho bầu Trường để hình thành nên đội Vissai Ninh Bình sau này.

Bên cạnh đó, có thể thấy quyết định tặng đội U21 Hà Nội của bầu Hiển cho bóng đá Phú Thọ là bước đi tích cực, khôn ngoan và các bên liên quan đều được lợi. Với đội bóng Hà Nội, họ không hề yếu đi sau khi bàn giao cả lứa U21 cho Phú Thọ. Những lứa cầu thủ được đào tạo bài bản, khoa học đã đẩy CLB Hà Nội rơi vào tình trạng “khủng hoảng thừa” lực lượng trẻ. Nếu không tìm hướng đi mới, ở địa phương khác, nhiều cầu thủ trẻ Hà Nội, cụ thể lứa U21 dưới tay HLV Dương Hồng Sơn từng vô địch U21 quốc gia 2019 sẽ thui chột tài năng do không được thi đấu.

Đến Phú Thọ, các cầu thủ trẻ Hà Nội có nhiều cơ hội ra sân, được cống hiến để rèn luyện và phát triển tài năng. Có chế độ đãi ngộ tốt, từ lương thưởng đến các điều kiện khác nếu đạt chỉ tiêu do lãnh đạo đội bóng đặt ra… Ngoài ra, theo một số chuyên gia, tuy cho không lứa U21 nhưng nhiều khả năng 2 bên có cam kết, cầu thủ nào thi đấu vượt trội sẽ được trở về đá cho Hà Nội. Như vậy, bầu Hiển đã mở ra cơ hội rèn quân, tìm kiếm người tài, trong khi bóng đá Phú Thọ cần một cú hích và không dễ cho họ nhanh chóng tạo ra lứa cầu thủ tốt, phục vụ tham vọng “liên tục lên hạng” nếu như không có món quà 0 đồng từ Hà Nội. Đặc biệt, việc Phú Thọ có đội bóng sẽ là cú hích để bóng đá khu vực trung du và miền núi phía Bắc phát triển, tránh tình trạng vùng trắng như hiện nay.

Phú Thọ nhận đội U21 của Hà Nội: Xóa “vùng trắng” bóng đá ảnh 3
Mặt cỏ sân Việt Trì chất lượng sánh ngang sân vận động quốc gia Mỹ Đình.

Phú Thọ “đi tắt đón đầu”

Thay vì việc đầu tư dàn trải vào nhiều bộ môn, những năm gần đây ngành TDTT Phú Thọ tập trung chuyên sâu vào 8 bộ môn mũi nhọn, trong đó bóng đá được chọn là môn thể thao đột phá, tạo tiền đề thúc đẩy các môn thể thao khác cùng phát triển. Tháng 4/2019, UBND tỉnh Phú Thọ quyết định sửa chữa, nâng cấp sân vận động Việt Trì để phục vụ nhu cầu thể thao của nhân dân và đăng cai các trận thi đấu bóng đá lớn trên cả nước và quốc tế. Nhờ đó, sân Việt Trì hiện đã trở thành một trong những sân bóng đá hiện đại, chất lượng. Với mặt cỏ lá kim Bermuda hiện đại, loại cỏ đang được sử dụng ở những SVĐ lớn như Hàng Đẫy, Mỹ Đình, sân Việt Trì đạt tiêu chuẩn, quy định của FIFA, AFC.

Ngay sau khi hoàn thiện nâng cấp sân Việt Trì, khán giả Phú Thọ đã được chứng kiến trận giao hữu giữa U22 Việt Nam và U22 Myanmar, trước thềm SEA Games 30. Gần 2 vạn khán giả đã đến sân cổ vũ cho trận đấu dưới trời mưa lớn minh chứng cho bước đi phù hợp của Phú Thọ, nơi hứa hẹn sớm trở thành “chảo lửa” bóng đá trong những ngày cuối tuần. Và có lẽ, việc tổ chức thành công trận giao hữu quốc tế trên, trong đó điểm nhấn là sự hâm mộ cuồng nhiệt của khán giả, đã trở thành tiền đề, động lực mạnh mẽ cho bóng đá Phú Thọ đi đến quyết định lớn hơn, nhận đội U21 Hà Nội và tham vọng có mặt ở sân chơi V-League.

Phú Thọ nhận đội U21 của Hà Nội: Xóa “vùng trắng” bóng đá ảnh 4
Đội tuyển U22 Việt Nam thi đấu giao hữu trước thềm SEA Games 30 trên sân Việt Trì.

Tuy nhiên, để đi lên chuyên nghiệp thực sự thì không thể thiếu hệ thống đào tạo bóng đá trẻ. Hơn thế nữa, muốn phát triển ổn định, bất cứ đội bóng nào cũng cần phải có nền móng vững chắc. Bóng đá Phú Thọ có thể “đốt cháy giai đoạn” về thành tích, nhưng song song với đó, họ bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến đào tạo trẻ. Trung tâm đào tạo - huấn luyện TDTT tỉnh chính thức tuyển sinh 2 lớp năng khiếu bóng đá U11 và U13 nhằm tìm kiếm tài năng bóng đá trẻ toàn tỉnh, góp phần tìm kiếm, bổ sung lực lượng VĐV trẻ, tham gia thi đấu các giải U trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, Trung tâm đào tạo - huấn luyện TDTT Phú Thọ quyết định giữ lại lứa U11 hiện tại để chuẩn bị cho lứa U13 và các lứa U lớn hơn nữa, làm nền tảng cung cấp nguồn cầu thủ cho CLB Phú Thọ. Xác định công tác đào tạo bóng đá trẻ là nền tảng để thực hiện chủ chương làm bóng đá chuyên nghiệp của tỉnh và cung cấp lực lượng VĐV cho bóng đá Phú Thọ trong tương lai, UBND tỉnh đã giao Sở VH-TT&DL phối hợp với Tập đoàn T&T Hà Nội để mở Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ ngay trên chính quê hương đất Tổ, phải bảo đảm yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị luyện tập, nơi ăn, chỗ ở… cho các VĐV.

Phú Thọ đã có một sân vận động khang trang, hiện đại và đông đảo người hâm mộ yêu bóng đá cuồng nhiệt. Điều đó sẽ là tiền đề, động lực mạnh mẽ để Phú Thọ làm bóng đá một cách chuyên nghiệp và bài bản, góp phần khẳng định vị thế ở sân chơi V-League trong tương lai.

“Sau nhiều năm làm công tác đào tạo trẻ tại đội bóng Thủ đô, tôi chuyển sang một bước ngoặt mới khi làm HLV trưởng đội bóng Phú Thọ thi đấu tại giải hạng nhì quốc gia 2020. Với tư cách là HLV trưởng đội bóng, tôi nêu cao quyết tâm đặt mục tiêu lên hạng trong mùa giải năm nay. Không chỉ là về thành tích, CLB bóng đá Phú Thọ phải đá hay, đá đẹp xứng đáng với kỳ vọng của lãnh đạo, người dân tỉnh nhà. Hy vọng, những bước tiến của đội trong năm nay sẽ luôn nhận được sự cổ vũ nhiệt thành từ CĐV nhà. Tôi và các cầu thủ mong muốn sẽ sớm trở thành niềm tự hào của người dân Phú Thọ”. - HLV Dương Hồng Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.