Phủ Quỳ Châu - những câu chuyện chưa có hồi kết

GD&TĐ - Trong cơn bão đá đỏ, đào đãi vàng và khai thác gỗ lim, người dân khắp xứ đổ về Quỳ Châu (Nghệ An) tìm kiếm, chặt phá, kéo theo ma túy và căn bệnh thế kỷ AIDS. Sau bao nhiêu nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương, vùng đất này đang dần tìm lại màu xanh. Nhưng đâu đó vẫn còn những cơn bão ngầm và những nỗi đau âm ỷ kéo dài.

Đường vào đồi Tỷ hiện vẫn còn rất khó khăn
Đường vào đồi Tỷ hiện vẫn còn rất khó khăn

Triệu, Tỷ là tên 2 ngọn đồi (do người dân đặt) có trữ lượng đá đỏ lớn nhất trong những năm 1990 tại thủ phủ Châu Bình, Quỳ Châu (Nghệ An). Hàng nghìn người tứ xứ đổ về đây tìm kiếm vận may. Rừng bị phá, suối cạn, ngang dọc những hầm hố khoét rỗng lòng đất… Và chẳng ai nhớ được có bao nhiêu phu đá đổ máu, vong mạng trên những ngọn đồi nham nhở, tắt lịm cùng giấc mơ đổi đời.

“Vốc nắm đất, ra suối rửa là có đá quý”

Cách TP Vinh hơn 140 km, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu cách đây hơn 25 năm là vùng rừng núi hoang sơ, rậm rạp, với các cụm dân cư nhỏ người dân tộc Thái. Họ sống trên mỏ đá quý nhưng không biết đá đỏ là gì, giá trị bao nhiêu. Dân bản đi rẫy, lấy măng đào củ, thấy viên đá đỏ đẹp to như đầu ngón tay thì nhặt về cho trẻ con chơi, vứt lăn lóc.

Theo lời kể của người dân Châu Bình, cơn sốt đá đỏ bắt nguồn từ một kỹ sư địa chất quê ở Ninh Bình. Năm 1990, người này đưa cả gia đình vào đây dựng lán trong rừng đào đá màu. Người dân đi rẫy phát hiện thấy người lạ, tra hỏi thì ông kỹ sư này mới nói sự tình. Từ đó, tin đồn về những viên đá đỏ còn có giá trị hơn vàng lan ra.

Khu vực khoảng 24km2 thuộc bản Khoang là nơi người ta tìm thấy đá đỏ nhiều nhất. Những ngọn đồi không tên cũng được đặt thành đồi Tỷ, đồi Triệu. “Gọi thế cũng không oan, vì trên đó, chỉ vốc một nắm đất, vò trong tay thấy nhám nhám, đem ra suối rửa là đã có đá rồi. Gọi chung là đá màu, còn đá đỏ (hồng ngọc, ruby) thì quý hơn, tìm kiếm khó hơn. Một lượng vàng thời đó có giá 400.000 đồng. Nhưng một viên đá đỏ bán trao tay tại chỗ đã có giá 7 – 10 triệu đồng. Sau khi được gia công, chế tác bán ra với giá 80 – 100 triệu đồng, số tiền đó đúng thật là đổi đời trong phút chốc” - ông Lương Văn Đại, Chủ tịch UBND xã Châu Bình nhớ lại.

Hầm hố sâu nay trở thành hồ nước xanh thẳm này từng là nơi vùi lấp hơn 70 mạng người
  • Hầm hố sâu nay trở thành hồ nước xanh thẳm này từng là nơi vùi lấp hơn 70 mạng người

Người dân Châu Bình cho hay, thời điểm rầm rộ nhất của bão đá đỏ là từ cuối năm 1990 - 1992. Những chuyến xe khách lên Châu Bình từ sáng đến tối lúc nào cũng chật kín, đổ xuống cơ man nào là người. Dân các huyện trong tỉnh cũng có, nhưng nhiều nhất là người ngoài Bắc, vùng Hà Nam Ninh cũ. Họ chia thành từng tốp sục sạo trong rừng, đào bới liên tục. Buổi đêm, trên rừng đèn pin sáng như sao. Những lán tạm bợ mọc lên làm chỗ ăn, ngủ tranh thủ. “Nhưng có người còn không có lán để ở, xin uống nước nhờ, ngủ tạm ngoài sân, vườn nhà dân bản. Nhiều hôm tôi thức dậy, mở cửa ra ngoài, thấy la liệt người nằm ngủ. Đến mức giếng nước nào trong bản cũng cạn nước”, ông Lang Viết Đặng, trưởng bản Khoang kể.

Cái giá đánh đổi từ lòng đất

Châu Bình ngày ấy như một chiến địa, môi trường bị phá hủy, rừng xanh, khe suối bị lấp, dòng chảy thay đổi, cây cối trong rừng bị chặt hạ, hầm hố ngang dọc, chằng chịt. Kéo theo đó là tệ nạn xã hội, mại dâm, bất ổn an ninh trật tự. “Từ đá đỏ mà dẫn đến ma túy ở Quỳ Châu này”, lãnh đạo xã Châu Bình nhấn mạnh.

Giang hồ tứ chiếng cũng đổ về, xưng danh chia nhau cát cứ các khu vực được cho là nhiều đá quý với những Phong “trọc”, Phương “tay trái”, Đường “mặt rộ”, Hà “lỳ”... Không đếm được bao nhiêu người vong mạng tại vùng đất này. Chết vì tranh giành lãnh địa, thanh trừng, cướp bóc và vì sập hầm. Người ta khoét rỗng đồi Triệu, rồi đến đồi Tỷ. Thỉnh thoảng nghe thấy tiếng hét thất thanh, rồi tiếng khóc thảm thiết là biết có người chết vì bị sập hầm. Không lâu sau, những chiếc xe win phụt khói chạy từ rừng ra, chở phía sau là thi thể phu đá cuốn tạm trong manh chiếu.

Ông Lang Thanh Hoài - Trưởng Công an xã Châu Bình
  • Ông Lang Thanh Hoài - Trưởng Công an xã Châu Bình

Dẫn chúng tôi lên chỗ hòn đá Mồ Côi, nằm trên đồi Tỷ, ông Lang Thanh Hoài - Trưởng Công an xã Châu Bình - chỉ xuống hồ nước xanh vắt, phẳng lặng, nói: Hồ này sâu hàng mấy chục mét nước, chính là một trong số những hầm đào đá đỏ năm xưa cho đến giờ vẫn chưa san lấp được. Đây cũng chính là hiện trường vụ sập hầm khiến hơn 70 phu đá vong mạng hè năm 1991, đến giờ vẫn là nỗi ám ảnh khiếp sợ của người dân Châu Bình.

Ông Hoài nhớ lại: “Lúc đó hàng trăm người đứng trên miệng hầm chờ những bì đất chuyển lên mang đi đãi đá, nhiều người khác cũng tò mò đến xem. Đột nhiên nghe tiếng ầm lớn, đất đá sụt xuống ào ào, cuốn theo hàng chục người. Khung cảnh hỗn loạn đau thương chưa từng thấy. Mất hơn 10 ngày đào bới, tìm kiếm, 70 thi thể được đưa ra khỏi đồi Tỷ, đặt ngoài Quốc lộ 48, đắp chiếu, chờ người nhà đến nhận dạng đưa về. “Còn 5 người đến giờ vẫn chưa tìm được, nằm đâu đó dưới lòng hồ kia”, ông Hoài ngậm ngùi.

Tình hình phức tạp, hỗn loạn khiến địa phương không kiểm soát nổi. Tháng 7/1991, Công an tỉnh Nghệ An quyết định điều 2 đại đội cảnh sát cơ động với gần 150 chiến sỹ, phối hợp với Công an huyện Quỳ Châu, Công an xã Châu Bình, dân quân tự vệ tại chỗ để lập lại trật tự nơi đây. Một trạm cảnh sát kinh tế đặc biệt cũng được thành lập. Thiếu tá Đặng Trọng Khánh - từng có mặt trong lực lượng của cảnh sát cơ động Công an tỉnh Nghệ An (nay đã nghỉ hưu) kể: Chúng tôi có nhiệm vụ bảo vệ khu vực có khoáng sản đá quý kéo dài từ xã Châu Hồng (huyện Quỳ Hợp) lên Châu Bình (huyện Quỳ Châu) trục xuất, đuổi những người khai thác trái phép. Nhưng hơn một năm sau, đến tháng 10/1992, tình hình mới được kiểm soát.

Dù vậy, khoảng 1/3 quân số của cảnh sát cơ động vẫn được giữ lại để tiếp tục giữ ổn định an ninh trật tự trên địa bàn. Đồng thời, để tránh tình trạng tranh giành, khai thác bừa bãi, trái phép, khu vực đồi Tỷ cũng được giao cho một xí nghiệp Nhà nước khai thác và quản lý.

Bài 2: Xanh lại vùng đất đỏ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.