Phụ nữ UAE chinh phục nghề huấn luyện chim ưng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngày nay, phụ nữ UAE tham gia các cuộc thi và lễ hội, trong đó có Lễ hội Chim ưng Quốc tế, được tổ chức lần đầu vào năm 1976.

Những phụ nữ nuôi chim ưng của UAE thường tụ tập vào buổi tối để gặp gỡ và huấn luyện cũng như chia sẻ kiến thức trong nghề. Ảnh: National news
Những phụ nữ nuôi chim ưng của UAE thường tụ tập vào buổi tối để gặp gỡ và huấn luyện cũng như chia sẻ kiến thức trong nghề. Ảnh: National news

Môn thể thao quốc gia danh giá huấn luyện chim ưng chủ yếu gắn liền với nam giới Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), ít nhất là trong mắt công chúng.

Tuy nhiên, phóng viên ảnh Vidhyaa Chandramohan đã tìm hiểu những người phụ nữ huấn luyện chim ưng tại đây.

Thử và thành công

Chandramohan bắt đầu tìm kiếm những người nuôi chim ưng là nữ để ghi lại vai trò của họ trong truyền thống. Cô lùng sục các phương tiện truyền thông xã hội để tìm hình ảnh và câu chuyện. Khi tình cờ gặp Ayesha Al Mansouri, cô biết mình đã tìm được đúng người.

Al Mansouri bắt đầu học nuôi chim ưng với cha khi mới 4 tuổi. Sau khi anh trai cô phải vật lộn với một con chim ưng và bỏ cuộc, Al Mansouri đã thử và cuối cùng đã thành công.

“Con chỉ che cho nó thôi” - cô nhớ lại câu mình đã nói với cha. Khi đó, cha cô sững sờ và nhìn con gái một cách tự hào. Khoảnh khắc này đã đánh dấu sự gia nhập của Al Mansouri vào thế giới huấn luyện chim ưng.

Nhưng vào năm 2018, khi Chandramohan tiếp cận người nuôi chim ưng ngoài 30 tuổi này và đề nghị ghi lại công việc qua những bức ảnh, cô ấy đã rất do dự. Giống như những người nuôi chim ưng, trước tiên phải lấy được lòng tin của loài chim, Chandramohan nhận ra rằng cô cũng cần kiên nhẫn lấy được lòng tin của Al Mansouri để có thể kể câu chuyện của mình bằng hình ảnh.

Cuối cùng Al Mansouri đã đồng ý. Khi những bức ảnh của Al Mansouri và con gái Osha 8 tuổi đang theo bước chân của mẹ, được đăng trên các phương tiện truyền thông và trưng bày như một phần của lễ hội nhiếp ảnh, công chúng đã chú ý. Thay đổi nhận thức về môn thể thao này cần đến một hình mẫu, đó là Al Mansouri.

Phụ nữ gần như vắng mặt hoàn toàn trong môn thể thao di sản này, nhưng mọi thứ đang thay đổi ở UAE. Ảnh: National news

Phụ nữ gần như vắng mặt hoàn toàn trong môn thể thao di sản này, nhưng mọi thứ đang thay đổi ở UAE. Ảnh: National news

Sau đó, nhiều phụ nữ đến gặp Chandramohan và nói rằng bà và dì của họ đang luyện chim ưng. Tuy nhiên, việc ghi lại hoạt động này bằng cách lấy phụ nữ làm đối tượng là một điều gì đó mới mẻ và xa lạ đối với họ.

Al Mansouri cũng nói rằng cô không phải là người phụ nữ đầu tiên trong gia đình làm công việc này. “Chị họ tôi, ngoài 60 tuổi, là một chuyên gia nuôi chim ưng. Chị ấy học được phương pháp và bí quyết từ 2 người chú. Chị ấy thường dẫn tôi theo các chuyến đi săn”, Al Mansouri nói.

Công việc của Al Mansouri là dạy chim ưng cho các cô gái - việc mà cô bắt đầu vào năm 2016 tại Câu lạc bộ Chim ưng Abu Dhabi. Khi cô mở lớp học, 50 phụ nữ đã đăng ký. Cho đến nay, cô đã đào tạo gần 150 phụ nữ và 70 bé gái.

Giờ đây, “mọi người đều muốn dạy con gái trước con trai của họ về nghệ thuật nuôi chim ưng” - Al Mansouri nói - “Xã hội đã chấp nhận hơn việc phụ nữ tham gia môn thể thao cổ xưa này”.

Ngày nay, phụ nữ tham gia các cuộc thi và lễ hội, trong đó có Lễ hội Chim ưng Quốc tế, được tổ chức lần đầu vào năm 1976.

Osha huấn luyện chú chim ưng Yas của mình sau khi học các bí quyết từ mẹ cô bé. Ảnh: National news

Osha huấn luyện chú chim ưng Yas của mình sau khi học các bí quyết từ mẹ cô bé. Ảnh: National news

Bảo tồn một di sản

Người nuôi chim ưng của UAE hiện chỉ có những con chim để thi và biểu diễn săn bắn, đồng thời việc săn con mồi sống bằng chim ưng bị cấm trừ khi có giấy phép đặc biệt ở một số khu vực nhất định.

Năm 2002, để tiếp tục ngăn chặn việc buôn bán các loài chim bị bắt trái phép, UAE bắt đầu cấp “hộ chiếu” cho chim ưng có nguồn gốc rõ ràng. Một số quốc gia, bao gồm cả Ả-rập Xê-út, đã làm theo.

UAE củng cố vai trò then chốt của mình bằng việc khai trương bệnh viện dành cho chim ưng lớn nhất thế giới vào năm 1999, nơi có các chương trình đào tạo thu hút học viên từ hơn 42 quốc gia.

Bà Margit Muller, Giám đốc điều hành của Bệnh viện Chim ưng Abu Dhabi, cho biết: “UAE là một mô hình toàn cầu về nuôi chim ưng, không chỉ về mặt thuốc thú y liên quan đến việc chăm sóc chim, mà còn về mặt bảo tồn và duy trì dân số chim thông qua nhân giống”.

Một người huấn luyện nữ trùm đầu cho chim ưng của mình sau một cuộc đi săn. Ảnh: National news

Một người huấn luyện nữ trùm đầu cho chim ưng của mình sau một cuộc đi săn. Ảnh: National news

Việc huấn luyện chim ưng đã trở thành hoạt động sinh lợi được duy trì bởi các cuộc thi và lễ hội hằng năm, chẳng hạn như Cuộc thi Chim ưng Cúp Tổng thống ở Abu Dhabi và Giải vô địch Fazza dành cho Chim ưng ở Dubai.

Nhưng khi làm công việc này, Al Mansouri muốn bảo tồn loài chim ưng chứ không hẳn chỉ để kiếm tiền và khẳng định phụ nữ có một vị trí trong môn thể thao đó.

Bảo tồn là điều không thể thiếu đối với công việc của cô ấy và đối với những người nuôi chim ưng thực sự khác. Hiện, một số loài chim ưng ở UAE phải đối mặt với các mối đe dọa do mất môi trường sống và buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

Dù Al Mansouri tận tâm với sứ mệnh của mình, cô không bao giờ quên bài học khi ở bên cạnh cha. “Chim ưng là anh trai của bạn” - cô nhớ lại - “Đó không chỉ là một con chim săn mồi, nó là một sinh vật cần được đánh giá cao”.

Trong ánh hoàng hôn sa mạc, Al Mansouri đốt lửa trại và chẳng mấy chốc hương thơm nồng nàn từ bình cà phê Ả rập của cô tràn ngập không gian. Cô uống cạn cốc của mình, đi đến chỗ con chim ưng đang đợi. Cô giơ tay để con chim đậu vào và trong giây lát, nó đã bay đi.

Ayesha Al Mansouri (trái) bắt đầu học cách nuôi chim ưng từ cha mình khi mới 4 tuổi. Hiện, cô đang truyền kiến thức đó cho con gái mình. Ảnh: National news

Ayesha Al Mansouri (trái) bắt đầu học cách nuôi chim ưng từ cha mình khi mới 4 tuổi. Hiện, cô đang truyền kiến thức đó cho con gái mình. Ảnh: National news

Cô vung mồi theo hình vòng cung rộng xung quanh. Mồi là một con chim ô tác có một cánh bị buộc dây thừng. Con chim ưng nhắm mục tiêu và sà xuống. Vào giây cuối cùng, Al Mansouri giật mồi lại. Sau một vài lần thử nữa, cô cho phép con chim ưng bắt được mồi và sau đó nhanh chóng thay thế nó bằng thịt - thường là ức chim cút hoặc chim bồ câu.

Đôi mắt của Osha quan sát tất cả những gì mẹ làm khi mẹ cô bé huấn luyện chim ưng. Họ không cần lời nói để dạy và học những nguyên tắc cơ bản của nghề nghiệp cổ xưa.

Theo National Geographic

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ