Phẫn nộ và yêu cầu xử lý nghiêm - đó là tiếng nói của dư luận bênh vực cho người phụ nữ là nạn nhân của hành vi bạo hành. Bên cạnh sự chia sẻ, đồng cảm cho số phận của nạn nhân thì cũng có nhiều ý kiến cho rằng tại sao người phụ nữ không dũng cảm đứng lên đấu tranh để chống lại hành vi bạo hành. Hay ít ra cũng phải lên tiếng, trình báo cơ quan chức năng để có biện pháp can thiệp, xử lý hành vi vũ phu của các đức ông chồng đó. Người phụ nữ im lặng tức là cam chịu cho số phận, tiếp tục cổ suý cho hành động bạo lực của chồng và đồng nghĩa với những ngày dài bị hành hạ, đau đớn thân xác.
Phải đấu tranh để bảo vệ mình. Đấu tranh để người chồng nhận ra lỗi lầm và chấm dứt hành vi bạo lực. Đấu tranh không phải là để chấm dứt tình nghĩa vợ chồng mà đấu tranh để tình nghĩa vợ chồng được quay về đúng nghĩa của nó. Và trong hôn nhân nếu biết nhận ra lỗi lầm, khắc phục và một trong các bên biết rộng lòng tha thứ thì hôn nhân bền chặt hơn.
Vợ chồng hạnh phúc, con cái đương nhiên sẽ hạnh phúc. Nếu con cái được sống trong môi trường hạnh phúc thì khi trưởng thành sẽ biết cách xây dựng hạnh phúc gia đình, biết lấy tấm gương của cha mẹ mà soi rọi vào cuộc sống của mình. Và ngược lại, khi cha mẹ không là tấm gương tốt, tối ngày bạo lực, hành hạ lẫn nhau và đương nhiên nó sẽ là tấm gương phản chiếu cho con cái sau này.
Trong cuộc sống vợ chồng, phải khẳng định rằng đa số người đàn ông đều có sức mạnh theo đúng nghĩa đen của nó nhưng có sức mạnh là để xây dựng tổ ấm, lao động chính trong gia đình; giúp người phụ nữ của mình những công việc nặng nhọc. Nếu người đàn ông sử dụng sức mạnh để đánh đập, hành hạ vợ mình là hành động hèn hạ, không đáng mặt đàn ông, không xứng đáng là người chồng, người cha trong gia đình.
Hiện nay, pháp luật đều có quy định cụ thể để ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình như Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và gia đình; Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự… với đầy đủ các tổ chức đoàn thể và cơ quan chức năng để bảo vệ người phụ nữ. Người phụ nữ phải biết bảo vệ mình bằng cách sử dụng công cụ pháp lý và sự can thiệp của các cơ quan, đoàn thể để chống lại các hành vi bạo lực gia đình.
Vợ chồng là phải bình đẳng. Để duy trì hạnh phúc gia đình thì vợ chồng phải tuân thủ nguyên tắc bình đẳng. Nếu không bình đẳng thì không có hạnh phúc và nếu gia đình không có sự gắn kết chặt chẽ thì việc tan vỡ hạnh phúc chỉ là chuyện sớm hay muộn mà thôi.
Trở lại 02 clip bạo hành phụ nữ nêu trên thì những người đàn ông vũ phu sẽ bị xử lý thích đáng và pháp luật không thể nhân nhượng hay xem xét tình tiết giảm nhẹ trong trường hợp này.
Người chồng có hành vi bạo hành vợ sau khi bị xử lý phải biết nhìn nhận lỗi lầm, xin lỗi vợ và quay về với mái ấm gia đình. Tôi tin rằng, những người phụ nữ là nạn nhận ấy sẽ mở rộng vòng tay, sẵn sàng tha thứ tất cả để tiếp tục cuộc sống gia đình và quan trọng nhất là để chung sức chăm lo cho những đứa con thân yêu nhất của mình./.