Nỗ lực giảm tỉ lệ hộ nghèo
Phú Lương là một huyện miền núi trong đó có 01 xã và 8 xóm đặc biệt khó khăn, toàn huyện có trên 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2022, huyện còn 1.475 hộ nghèo và 1.222 hộ cận nghèo.
Gia đình chị Nhạn xóm Trung, xã Yên Đổ là hộ nghèo nhiều năm do không có vốn phát triển kinh tế. Qua khảo sát nhu cầu thực tế của người dân, UBND xã Yên Đổ đã rà soát và phối hợp với các ngành hỗ trợ gia đình chị Nhạn vay 100 triệu đồng vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội với lãi suất thấp và hỗ trợ tư liệu sản xuất như: Máy cắt cỏ, tập huấn khoa học kỹ thuật và tham quan các mô hình kinh tế.
Từ nguồn vốn được hỗ trợ, gia đình chị Nhạn đã đầu tư trồng rừng, chăn nuôi gà, lợn kết hợp trồng cây ăn quả. Năm 2022, gia đình chị đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo và xây dựng được ngôi nhà kiên cố, góp phần cuộc sống ổn định.
Trong những năm qua, xã Yên Đổ đã thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo. Từ 253 hộ nghèo chiếm tỉ lệ 13,99% năm 2020, đến nay xã chỉ còn 79 hộ với 4,7%.
Tại xã Hợp Thành, mô hình “dân vận khéo” gắn với hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật đã phát huy hiệu quả, giúp người dân chủ động tăng gia sản xuất, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Bà Ma Thị Các, xóm Tiến Bộ, xã Hợp Thành chia sẻ: Gia đình hiện đang là hộ nghèo của xã. Đầu năm 2023, gia đình được hỗ trợ 1 con trâu giống và hỗ trợ vay vốn 100 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay, gia đình đã mua thêm bò giống và trồng cỏ để đảm bảo nguồn thức ăn cho bò. Có thể nói, đây là nguồn hỗ trợ quý giá để gia đình phấn đấu thoát khỏi danh sách hộ nghèo trong năm nay.
Linh động nhiều giải pháp
Bà Nguyễn Thúy Hằng, Ủy viên BCH Đảng bộ, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương cho biết: Hiện nay, toàn huyện còn 1.053 hộ nghèo. Với số hộ nghèo còn khá cao, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành phối hợp với các địa phương rà soát, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hộ nghèo, tìm những giải pháp cụ thể, từ việc nhân rộng mô hình, cách làm hiệu quả của những hộ thoát nghèo ngay trong xã để các hộ nghèo học hỏi, áp dụng như mô hình cấy lúa năng suất cao, mô hình chăn nuôi…
Diện mạo nông thôn mới ở Phú Lương có nhiều khởi sắc. |
Đa dạng hóa các mô hình sinh kế theo nhu cầu xã hội, trình độ người lao động trên cơ sở phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, phù hợp với mục tiêu hướng tới của Chương trình giảm nghèo bền vững. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp quan tâm tập huấn kỹ thuật, tư vấn chuyển giao khoa học, công nghệ thâm canh, trợ giúp vốn sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi cho bà con có nhu cầu cùng những hỗ trợ khác theo quy định.
Phối hợp chặt chẽ giữa các ngành xây dựng và nhân rộng những mô hình kinh tế hiệu quả, liên kết sản xuất giải quyết đầu vào và đầu ra sản phẩm, nông dân hưởng lợi, góp phần giảm nghèo nông thôn và xây dựng nông thôn mới thành công.
Tại các địa phương hàng năm cũng giao chỉ tiêu cho các hội, đoàn thể, có kế hoạch cụ thể giúp đỡ các gia đình thoát nghèo; hỗ trợ phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức về KHKT, vay vốn; tạo điều kiện cho lao động nông thôn giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động và làm việc tại các công ty trên địa bàn.
Quá trình thực hiện các đơn vị lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ xây dựng nhà ở cho những hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hỗ trợ vay ưu đãi để người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập ổn định cuộc sống.
Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm thiểu khoảng cách, chênh lệch về thu nhập và mức sống giữa các xã, thị trấn trên địa bàn huyện; phấn đấu hoàn thành và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV đề ra.
Năm 2023, huyện Phú Lương phấn đấu giảm 138 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện từ 3,83% xuống còn 3,33%. Nhiều chương trình giảm nghèo đã được các cấp, các ngành lồng ghép hiệu quả như: Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Xây dựng nông thôn mới, Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi... Đây là "đòn bẩy" giúp các địa phương nhanh chóng giảm số hộ nghèo, cận nghèo và nâng cao chất lượng tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.