Phụ huynh Mỹ phạt con cởi truồng có thể phải ngồi tù

Ở Mỹ, những hình phạt mang tính xúc phạm như bắt con cởi truồng bị xếp vào tội bạo hành. Phụ huynh có thể phải ngồi tù dù họ biện hộ làm vậy vì muốn tốt cho con.

Phụ huynh Mỹ phạt con cởi truồng có thể phải ngồi tù

Nuôi dạy con là trách nhiệm nặng nề. Phần lớn các bậc phụ huynh đều hy vọng cách giáo dục của họ sẽ giúp con trưởng thành. Tuy nhiên, nhiều người lựa chọn phương pháp sai lầm. Một số người lấy lý do muốn tốt cho con để tiến hành những biện pháp trừng phạt phản giáo dục, gây tổn thương về mặt thể xác lẫn tinh thần.

Đau thể xác, xúc phạm tinh thần

Tháng 12/2014, dư luận Mỹ phẫn nộ trước thông tin cặp vợ chồng Johann và Kimery Jorg ở Arizona phạt con gái nuôi 13 tuổi sống trong một túp lều dựng tạm ở sân sau nhà vì tội ăn cắp và nói dối. Hai người này buộc cô bé cởi truồng, thậm chí cạo đầu em, theo Huffington Post.

Cô bé thừa nhận đã ăn cắp đồ ăn vì quá đói. Johann và Kimery Jorg cho rằng hình phạt này là bình thường. Họ làm vậy cũng chỉ muốn tốt cho con gái.

Tuy nhiên, theo kết quả điều tra của cảnh sát, hai vợ chồng thường đối xử tệ bạc với con nuôi 11 và 13 tuổi. Khi vụ việc bị phát hiện, cả hai em đều suy dinh dưỡng nghiêm trọng do chỉ được ăn bột yến mạch thô và mận khô trong trong thời gian dài. Hàng xóm cũng xác nhận, vợ chồng nhà Jorg không quan tâm con nuôi.

Đây không phải lần duy nhất cộng đồng hoang mang trước cách dạy con của phụ huynh và tình trạng này cũng không chỉ xảy ra với con nuôi.

Bà mẹ Trung Quốc bắt con cởi truồng quỳ trên đường phố giữa cái rét âm 5 độ C. Ảnh: Mirror.
Bà mẹ Trung Quốc bắt con cởi truồng quỳ trên đường phố giữa cái rét âm 5 độ C. Ảnh: Mirror.

Tháng 3/2015, Cui Tan, một phụ nữ 27 tuổi ở Trung Quốc, bắt con trai Shen Lu, 10 tuổi, cởi truồng quỳ trên đường phố trong thời tiết âm 5 độ C vì đánh em trai.

Một người qua đường đã quay lại cảnh đó. Cô cho biết, cậu bé run rẩy vì lạnh và khóc lóc nhưng bà mẹ kiên quyết không tha lỗi. Khi cô can thiệp, Tan bảo rằng, đó là chuyện của mẹ con cô ta, người ngoài không được phép can thiệp.

Khoảng 10 phút sau, cảnh sát xuất hiện, yêu cầu bà mẹ dừng hình phạt.

Cũng trong tháng 3/2015, một người đàn ông 40 tuổi ở Ấn Độ trói con gái 8 tuổi vào sau xe máy rồi chở đến trường vì cô bé không chịu đi học.

Ông cho biết, hôm đó, con gái có bài kiểm tra. Ông đã cố thuyết phục con bằng nhiều cách, thậm chí hứa mua kẹo bánh, đồ chơi nhưng bé nhất quyết không nghe lời. Quá giận dữ, ông bố dùng vũ lực.

Cuối năm ngoái, một bà mẹ ở Trung Quốc dọa ném con gái xuống sông vì bị điểm kém. Cô ta túm tóc, mắng nhiếc con thậm tệ. Những người xung quanh chỉ đứng xem. Một số người cảm thấy bất bình nhưng không can thiệp. Họ cho rằng, đây là việc riêng của gia đình người khác.

Sau khi video ghi cảnh này được đăng tải trên mạng xã hội, cư dân mạng tỏ ra bức xúc trước hình phạt quá nghiêm khắc của bà mẹ.

Tuy nhiên, phụ nữ cho hay, cô chỉ muốn dọa con vì cô bé lười học và thường xuyên đòi tự tử.

Tháng 3/2016, Jaton Justsilly Jaibab ở Mỹ cũng phải hứng chịu sự chỉ trích kịch liệt từ dư luận, sau khi chụp ảnh đăng lên Facebook với chú thích “Bán con, giảm giá 45% vì chúng đều hư hỏng”.

Trong ảnh, hai bé gái bị trói tay và bịt miệng bằng băng keo. Mặc dù bức ảnh đã được làm mờ, người xem vẫn có thể thấy rõ sự hoảng sợ trên khuôn mặt hai nạn nhân nhỏ tuổi.

Dư luận chỉ trích, pháp luật trừng trị

Trước những vụ trừng phạt con kiểu làm nhục trên, hầu hết cộng đồng mạng đều tỏ ra phẫn nộ và hoang mang. Nhiều người không thể lý giải tại sao cha mẹ lại có thể đối xử tàn nhẫn như thế với chính con họ.

Ở Mỹ, việc bố mẹ áp dụng hình phạt thể xác với con là trái pháp luật. Họ thậm chí bị khởi tố nếu đánh con. Trong một số trường hợp, phụ huynh được phạt roi nhưng phải dưới sự giám sát của cảnh sát.

Những hình phạt mang tính xúc phạm như bắt con cởi truồng bị xếp vào tội bạo hành. Phụ huynh sẽ phải ngồi tù dù họ biện hộ làm vậy vì muốn tốt cho con.

Ông bố Ấn Độ trói con vào xe chở đến trường. Ảnh: Getty Images.
Ông bố Ấn Độ trói con vào xe chở đến trường. Ảnh: Getty Images.

Dạy con có thể là việc riêng của mỗi gia đình nhưng khi cha mẹ áp dụng biện pháp sai lầm, khiến con cái bị tổn thương và phát triển theo chiều hướng tiêu cực, xã hội buộc phải lên tiếng.

Nhiều người tỏ ra phẫn nộ trước cách làm có phần độc ác của một số phụ huynh.

Một bà mẹ cho biết: "Phạt như vậy thật kinh khủng. Cha mẹ cần kiên nhẫn hơn khi dạy con. Tôi khá nóng tính nhưng chưa bao giờ hành xử như vậy. Tôi không muốn con mang theo tổn thương tinh thần đến suốt cuộc đời".

Tuy nhiên, chỉ trích từ dư luận xã hội hay sự can thiệp của cơ quan thực thi pháp luật chỉ có thể chấm dứt tình trạng cha mẹ giáo dục con phản khoa học nhưng không thể ngăn ngừa hay loại bỏ triệt để những phương pháp này.

Trường hợp ông bố Ấn Độ trói con chở đến trường, trước sự lên án kịch liệt của cộng đồng, thậm chí bị bắt giữ vì vi phạm quy định chung sống hòa thuận, người đàn ông này vẫn cho rằng, ông không sai.

“Con gái tôi sẽ không chết khi tôi đưa nó đến trường bằng cách đó. Nhưng nó sẽ chết nếu không chịu học hành”, ông nói.

Bà mẹ Trung Quốc dọa ném con xuống sông cũng vậy. Mọi người lên án còn cô ta vẫn thấy hành động đó là cần thiết.

Trên thực tế, phần lớn phụ huynh, đặc biệt các bậc cha mẹ ở châu Á áp dụng hình phạt thể xác trong quá trình dạy con. Quan niệm “thương cho roi vọt” ngấm sâu tiềm thức của họ nên trong nhiều trường hợp, cả người trong cuộc lẫn ngoài cuộc đều cảm thấy bình thường khi bố mẹ đánh con.

Theo tiến sĩ Kenneth Barish, giáo sư Tâm lý học tại trường Y Weill thuộc Đại học Cornell, Mỹ, hình phạt là cần thiết và phần lớn trẻ em chấp nhận bị phạt khi phạm lỗi.

Tuy nhiên, phụ huynh cần lựa chọn biện pháp phù hợp, có ý nghĩa giáo dục, tránh khiến trẻ cảm thấy nhục nhã, đồng thời giải thích cho con hiểu nguyên nhân bị phạt. Ngoài ra, cha mẹ nên cho con cơ hội trình bày, biện hộ trước khi phạt.

Theo news.zing.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Dịch vụ mua hộ hàng nhật giá rẻ