Qua 3 năm triển khai, việc này đã nhận được sự đồng thuận cao của phụ huynh, giáo viên, học sinh và cả chính quyền địa phương.
Gỡ khó cho giáo dục vùng cao
Dạy học 5 ngày mỗi tuần chính thức triển khai từ năm 2019 tại thành phố Lào Cai và 2 huyện vùng cao: Sa Pa, Bắc Hà. Việc cho học sinh THCS nghỉ học thứ 7 được áp dụng dựa trên kết quả hội thảo do ngành GD-ĐT Lào Cai tổ chức trước đó và nhận được sự đồng thuận cao.
Theo hướng dẫn, việc áp dụng dạy 5 ngày/tuần phải bảo đảm kế hoạch thời gian năm học, thời lượng các môn và những hoạt động giáo dục được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS. Đặc biệt, tuyệt đối không cắt xén chương trình. Mặt khác, ngành GD-ĐT Lào Cai cũng yêu cầu các trường không được dồn ép gây quá tải kiến thức đối với học sinh. Giảng dạy phải linh hoạt, đảm bảo thời lượng thực hiện nhiệm vụ nhà trường như phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi.
Ông Nguyễn Trường Chinh, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Sa Pa, cho biết: “Sau hơn 3 năm triển khai đã cho thấy hiệu quả khi tổ chức theo hình thức dạy học này. Giáo viên, học sinh có thời gian nghỉ ngơi, dành thời gian vào hoạt động ngoại khóa, rèn chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục”.
“Điều quan trọng nhất là học sinh, thầy cô có ngày thứ 7 và Chủ nhật để nghỉ ngơi, thư giãn, sinh hoạt bên gia đình. Giáo viên cũng có thời gian dành cho việc tự học, nghiên cứu hay tham gia hoạt động trải nghiệm, bồi dưỡng học sinh giỏi, hỗ trợ học sinh yếu” – thầy Liễu Tiến Sơn, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Hầu Thào, thị xã Sa Pa chia sẻ.
Năm học này, Trường PTDTBT THCS Bản Phùng, thị xã Sa Pa có 115/176 học sinh bán trú. Thầy Hiệu trưởng Đặng Văn Thành nhìn nhận: Dạy học 5 ngày/tuần có tác động tích cực đến học sinh và cả giáo viên ở vùng cao. Đối với học sinh THCS, các em như lao động chính trong nhà nên khi được nghỉ cuối tuần có thể giúp đỡ bố mẹ một số công việc. Không những thế, học sinh còn được giáo dục kỹ năng, giá trị sống, hướng đến mục tiêu chung là nâng cao chất lượng giáo dục.
Thay vì học vào sáng thứ 7, học sinh được chuyển sang học vào buổi chiều các ngày trong tuần. Khi học cả ngày ở trường, ngoài tiết chính khóa, các em còn có tiết ngoại khóa, phụ đạo, bổ trợ.
Tiếp tục nhân rộng
Sau hơn 2 năm triển khai mô hình trên, ngành GD-ĐT Bát Xát cũng thu được một số kết quả quan trọng. Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bát Xát, chia sẻ: “Cấp ủy, chính quyền địa phương rất đồng thuận khi triển khai. Vì vậy, cùng với việc triển khai Chương trình GDPT mới, cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư và cơ bản đáp ứng nhu cầu. Sau 2 năm thực hiện, đến nay, cơ bản các trường đã ổn định và được phụ huynh ủng hộ”.
Ảnh minh họa ITN. |
Trường PTDTBT THCS Trịnh Tường có 521 học sinh (384 học sinh bán trú). Nhà trường cho học sinh nghỉ học 2 ngày cuối tuần từ năm học 2020 - 2021. Dù vậy, nhà trường vẫn bảo đảm thời lượng các môn học. Giải pháp được nhà trường đưa ra là xây dựng thời khóa biểu và tổ chức dạy học vào hai buổi chiều thứ 2 và thứ 4 hàng tuần. Trường đảm bảo không quá tải với học sinh, không áp lực với giáo viên.
“Trường có trên 74% học sinh ở bán trú và 50% cán bộ giáo viên ở khu tập thể tại trường. Chính vì thế quá trình tổ chức rất thuận lợi. Ngoài sự đồng thuận của phụ huynh, thầy cô còn giảm thiểu được tình trạng học sinh bỏ học về nhà sớm” – thầy Phạm Văn Học, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Trước những hiệu quả đem lại, ngày 3/3, Sở GD&ĐT Lào Cai có văn bản đề nghị phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo trường THCS, trường liên cấp tiểu học - THCS tiếp tục thực hiện hoạt động giáo dục 5 ngày/tuần theo mô hình thí điểm từ năm 2019.
Đối với các trường THCS, trường liên cấp tiểu học - THCS đang thực hiện hoạt động giáo dục 6 ngày/tuần phải điều chỉnh kế hoạch giáo dục nhà trường, bộ môn phù hợp và bố trí đội ngũ, cơ sở vật chất cũng như các điều kiện đảm bảo an toàn để tổ chức hoạt động giáo dục 5 ngày/tuần từ ngày 13/3.
Sở GD&ĐT Lào Cai cũng yêu cầu các sơ sở giáo dục bảo đảm dạy đủ chương trình, không dồn ép, đúng thời gian theo kế hoạch năm học. Đồng thời, khuyến khích đơn vị, tổ chức hoạt động giáo dục ngoài lớp học để trải nghiệm hướng nghiệp, rèn kỹ năng sống cho học sinh vào ngày thứ 7. Muốn vậy phải có đủ điều kiện để tổ chức, được sự đồng thuận của phụ huynh và đặc biệt là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh.
“Chúng tôi lưu ý các trường không được dồn thời khóa biểu cơ học. Thời khóa biểu không để quá nhiều môn học trong cùng một ngày nhằm tránh mỏi mệt cho giáo viên và học sinh. Việc sắp xếp thời khóa biểu đòi hỏi sự khéo léo, năng động của hiệu trưởng mỗi trường, bảo đảm tính khoa học, vừa sức học sinh” – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bát Xát thông tin.