Phụ huynh bức xúc với bán sách kiểu 'combo'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Một bộ sách có giá từ 300 nghìn đến gần 1 triệu đồng tuỳ “combo” mà các cơ sở giáo dục gửi thông báo cho học sinh, phụ huynh; trong đó có những cuốn sách cả năm học sinh không dùng đến. Việc các trường “bán” sách theo kiểu “bia kèm lạc” đã tồn tại nhiều năm nay, khiến phụ huynh bức xúc.

Sách giáo khoa lớp 2 được sử dụng trong năm học 2021 - 2022. Ảnh: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam
Sách giáo khoa lớp 2 được sử dụng trong năm học 2021 - 2022. Ảnh: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Muôn Kiểu “combo”

Đang lúc túng bấn thì cả 3 đứa con của chị Nguyễn Diệp Linh ở tổ 13, phường Thanh Trì (Hoàng Mai, Hà Nội) đưa giấy đăng ký mua sách giáo khoa. Con trai đầu của chị năm nay vào lớp 9, cháu thứ 2 vào lớp 7, còn con út vào lớp 5. Chị cho biết, thi xong học kỳ II năm học 2021 – 2022, nhà trường đã gửi giấy đăng ký mua sách giáo khoa cho con mang về. Trong giấy đăng ký, chị nhận thấy có nhiều cuốn không thuộc danh mục sách giáo khoa, thậm chí kèm theo nhiều sách tham khảo và thiết bị học tập.

Nhiều phụ huynh ở Hưng Yên phản ánh về tình trạng một số trường tiểu học và THCS trên địa bàn áp dụng bán sách giáo khoa theo kiểu “combo” cho học sinh. Theo chị Trương Thị Thuỷ ở huyện Tiên Lữ, ngoài sách giáo khoa, còn rất nhiều quyển sách tham khảo, đồ dùng học tập và vở có in logo, tên trường do nhà trường bán. Dù là tự nguyện, nhưng với kiểu thông báo đăng ký mua sách giáo khoa như hiện nay, vô hình trung trường học trở thành địa chỉ phát hành, bán sách giáo khoa cho một số công ty.

Nếu mua theo danh sách mà nhà trường gửi thì tính nhanh cũng phải hết vài triệu đồng tiền mua sách cho 3 con. Khi hỏi giáo viên chủ nhiệm, chị Linh nhận được câu trả lời là: Nhà trường chuyển về cho các lớp như vậy, cô giáo có nhiệm vụ thông báo đến học sinh. Nếu phụ huynh đăng ký mua thì cô thu sẽ tiền và phát sách (khi có).

Tại TP Hồ Chí Minh, tình trạng “bán” sách giáo khoa theo kiểu “bia kèm lạc” tồn tại ở nhiều đơn vị. Thay vì rạch ròi giữa sách giáo khoa và sách bài tập tham khảo thì trong giấy thông báo của nhà trường chỉ ghi chung. Chẳng hạn, với lớp 2, nhà trường thông báo như sau: Bộ sách giáo khoa lớp gồm bài học, bài tập + giấy bọc sách, vở (bao) có tổng giá là: 370 nghìn; Bộ sách tiếng Anh gồm bài học, bài tập + bao, giá: 156 nghìn; Sách luyện tập Tin học tập 1, 2 + bao có giá 54 nghìn; Bộ thực hành Toán lớp 2 (2 hộp) có giá 188 nghìn. Tổng các các loại sách, thiết bị, đồ dùng nêu trên là 768 nghìn, đó là chưa kể sách cho các bộ môn khác trong chương trình học.

Giáo viên Trường Tiểu học Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) tham khảo, nghiên cứu SGK mới. Ảnh: TG

Giáo viên Trường Tiểu học Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) tham khảo, nghiên cứu SGK mới. Ảnh: TG

Chấn chỉnh tình trạng nhập nhèm

Mới đây, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đã phát hành văn bản gửi các đơn vị trực thuộc, yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về việc sử dụng sách giáo khoa, sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông nhằm chấn chỉnh tình trạng một số trường tiểu học bán sách giáo khoa nhưng lại lập danh mục các ấn phẩm không cần thiết cho năm học 2022 - 2023 (sách bài tập, sách tham khảo). Sở này yêu cầu giáo viên và cán bộ quản lý các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc phụ huynh mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào.

Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cũng lưu ý, các cơ sở giáo dục không được thực hiện việc lập danh mục, đóng gói bộ sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo, đề cương và các tài liệu (ngoài danh mục sách giáo khoa đã được phê duyệt) để giới thiệu cho học sinh, phụ huynh mua và sử dụng.

Đồng thời, đề nghị các cơ sở giáo dục bố trí nguồn kinh phí hợp lý để mua sách giáo khoa cho thư viện trường; tổ chức cho học sinh mượn sách giáo khoa để học tập, vận động học sinh quyên góp, ủng hộ sách giáo khoa cũ vào thư viện để học sinh các lớp sau tiếp tục được mượn và sử dụng.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm – nguyên Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục TP Hà Nội, hiệu trưởng các trường phải chịu trách nhiệm cao nhất nếu để xảy ra tình trạng ép buộc, gợi ý phụ huynh, học sinh mua sách theo kiểu đóng gói. Cần có chế tài nghiêm khắc, quy trách nhiệm rõ ràng mới có thể chấm dứt tình trạng bán sách như trên.

Tán thành với các giải pháp mà Bộ GD&ĐT đưa ra để chấn chỉnh việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga – đoàn Hải Dương đề nghị, Chính phủ căn cứ vào đề xuất của Bộ GD&ĐT để sớm có biện pháp hữu hiệu quản lý giá sách giáo khoa; tránh tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân, gây ra dư luận không tốt.

“Hiện số lượng đầu sách cho học sinh, kể cả học sinh tiểu học quá nhiều; trong đó có những cuốn chỉ mang tính chất tham khảo nhưng do không có hướng dẫn cụ thể nên nhiều phụ huynh không biết phải mua cuốn nào và không mua cuốn nào” – đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga thông tin, đồng thời đề nghị: Chính phủ cần quan tâm đầu tư, hỗ trợ thư viện sách giáo khoa dùng chung cho học sinh các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Thông qua hình thức này, học sinh sẽ được mượn sách giáo khoa miễn phí hằng năm và trả lại nhà trường khi năm học kết thúc. Như vậy, vừa tiết kiệm kinh phí, đỡ đi gánh nặng kinh tế cho các gia đình vùng khó khăn có con trong độ tuổi đến trường.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, ngoài sách giáo khoa bắt buộc, học sinh cũng cần có tài liệu, sách khác để có thể tham khảo. Tuy nhiên, tùy vào điều kiện cụ thể, phụ huynh có thể đăng ký mua hoặc không mua theo nhu cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ