Từ cái thời Photoshop ra đời, kết hợp với sự phát triển của mạng xã hội, người ta bắt đầu nghi ngờ về mọi thứ xung quanh khi một cô gái xấu lên ảnh cũng có thể trở thành xinh xuất sắc, muốn chụp với người nổi tiếng nào cũng chỉ cần vài thao tác là có ảnh hay thích du lịch tới đâu cũng nhanh chóng trong vòng vài nốt nhạc.
Thế nên, xem ảnh trên mạng phải cực kỳ cẩn thận! Thời buổi thật giả lẫn lộn như này không biết như nào đâu, làm còn như thật nữa. Như những bức ảnh dưới đây, nhiều bạn chắc chắn sẽ nghĩ nó 100% là thật cho tới khi đọc lời giải thích...
Bức ảnh trực thăng và con cá mập
Hồi đầu những năm 2000, bức ảnh này đã tạo nên cơn sốt với cộng đồng trên toàn thế giới. Dù thời đó không có Facebook, bức ảnh vẫn được gửi tới email của hàng triệu hộp thư. Trong hình là một chiếc trực thăng đang cố thoát khỏi hàm cá mập. Thời đó, ai cũng tin nó là thật nhưng không ngờ rằng, đó chỉ là một trò đùa trên mạng.
Nếu có một kỷ nguyên những bức ảnh chế thì bức ảnh trực thăng và con cá mập này gần như đi đầu cho những tác phẩm Photoshop sau này.
Con mực khổng lồ
Theo thông tin về tấm ảnh, con mực này dạt vào một bờ biển tại Santa Monica, California và nguyên nhân dẫn tới cái chết của nó là do nhiễm phóng xạ từ nhà máy hạt nhân Fukushima, Nhật Bản.
Tuy nhiên, bức ảnh đã nhanh chóng bị vạch trần sự thật khi đây đúng là hình ảnh một con mực bị dạt vào bờ nhưng kích thước của nó nhỏ hơn nhiều và chỉ là một con mực bình thường. Hơn nữa, địa điểm phát hiện ra nó là ở Tây Ban Nha. Rồi người ta còn ghép hình con mực này vào hình một bãi biển tại Chile, nơi xác một con cá voi từng dạt vào.
Chân thai nhi in dấu trong bụng mẹ
Nhiều người đã tin rằng đây là một bức ảnh thật với chân thai nhi đạp vào bụng mẹ, in hằn hẳn ra bên ngoài bụng. Tuy nhiên, đây chắc chắn là một bức ảnh photoshop khi một bàn chân trẻ sơ sinh không thể vượt qua được các lớp cơ, mỡ và tử cung người mẹ để in dấu như vậy.
Dù thế, bức ảnh vẫn được chia sẻ rộng rãi khi mọi người quan tâm nhiều hơn đến thông điệp tình mẫu tử được truyền qua bức hình chứ không phải việc chân em bé có đạp qua được bụng mẹ hay không.
Chú mèo khổng lồ
Mèo béo thì nhìn thấy cũng nhiều rồi nhưng béo như này thì quả thật có một không hai. Được biết, đây là bức ảnh được chỉnh sửa và là tác phẩm của Cordell Hauglie. Ban đầu, ông chỉ muốn dùng bức ảnh để trêu bạn bè mình vào năm 2000. Nhưng rồi nó bỗng trở nên nổi tiếng và nhiều người còn hỏi ông chăm sóc mèo như nào để có được cân nặng như vậy.
Tượng Phật trên vách núi
Nhìn bức ảnh tượng Phật điêu khắc tinh xảo như này, ai cũng phải trầm trồ thán phục. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một bức ảnh ghép với một dãy núi tại Trung Quốc.
Bão cát tại New York
Hồi năm 2012, bức ảnh này từng khiến nhiều người sợ hãi khi một cơn bão cát kéo tới thành phố New York. Tuy nhiên, người ta nhận ra nó chỉ là ảnh ghép ở 2 địa điểm hoàn toàn khác nhau. Nếu nó tồn tại thật, chắc người dân New York giờ đã bị vùi lấp trong cát.
Venice đóng băng
Bức ảnh này từng xuất hiện năm 2012 với nội dung hết sức thuyết phục: Hiện tượng hiếm xảy ra tại Venice và từng xảy ra vào năm 1929. Tuy nhiên, nó chỉ là một sản phẩm ghép khi những kẻ chơi khăm đã ghép hình ảnh Venice với mặt hồ Baikal trong mùa đông.
Tắc đường dài nhất thế giới
Với bức ảnh ở trên, người ta cho rằng đó là đường Quốc lộ 110 của Trung Quốc trong một ngày tắc đường kinh khủng với hàng trăm xe nối đuôi nhau mà người chia sẻ bức ảnh đó cho rằng, đấy chính là đoạn đường tắc dài nhất thế giới.
Hóa ra không phải thế! Đây là đoạn đường I-405 tại thành phố Los Angeles, California đã được chỉnh sửa ảnh. Thực chất, đoạn đường này cũng không đông đúc tới nỗi thế khi đã bị Photoshop bóp méo, làm phình đường ra.
Đây mới là ảnh thật...