Phong tục góp lợn làm đám ma của người Jrai

GD&TĐ - Người dân tộc Jrai ở làng Ghè (xã Ia Dơk, Đức Cơ, Gia Lai) lâu nay nổi tiếng với kỷ lục đám ma giết thịt nhiều con lợn nhất. 

Già làng Kpuih Hyom người lưu giữ phong tục truyền thống cho làng Ghè.
Già làng Kpuih Hyom người lưu giữ phong tục truyền thống cho làng Ghè.

Chuyện thật mà như đùa, đám ma ở đây có khi tốn đến cả trăm con lợn của làng.

Góp lợn làm đám ma

Khi chúng tôi ghé thăm làng Ghè thật bất ngờ khi gặp cảnh tượng, từng tốp người gồng gánh nhưng con lợn kéo dài trên con đường dẫn vào làng. Khi hỏi thì được biết, hôm nay cha của già làng mất nên họ gánh lợn đến làm đám ma.

Theo chân cùng người làng, chúng tôi đến nhà của già làng Kpuih Hyom cũng là lúc ông đang tổ chức đám tang cho cha. Mặc dù bận rộn, nhưng có khách lạ đến ông vẫn ra tiếp đón. 

Thấy khách có vẻ ngạc nhiên khi mọi người tấp nập gánh lợn tới nhà thì ông phân trần: Luật của làng đã quy định, đã đi đám ma thì phải có lễ vật đến góp cùng chủ nhà. 

Lễ vật góp cũng phân ra 3 cấp độ khác nhau, anh em ruột thịt là góp bò, họ hàng là góp lợn, còn người trong làng có thì góp lợn, không có thì góp lễ vật khác. Cũng có những nhà còn nghèo không lo đủ con bò, con lợn thì có thể 2 hoặc 3 nhà góp lại cùng chung.

Già làng Kpuih Hyom cho biết thêm: “Từ hôm qua tới giờ đã có trên 100 con lợn được đưa tới nhà. Sân không thể chức hết đành mang ra tận khu nhà mồ. Lợn nhiều như thế nhưng sẽ được dân làng làm thịt hết. Một ít thịt được lấy làm lễ còn lại để mọi người tới dự đám ăn uống.”

Già làng Kpuih Hyom khẳng định lễ tiễn biệt người chết của người Jrai là “đặc sản” không giống với bất cứ dân tộc nào ở Việt Nam. Trong đám ma của người Jrai mọi người không ai bảo ai, người giết bò, người đập lợn, người cắm rượu, người nấu cơm... Đám ma nào lớn thì thường làm cả mấy trăm con lợn. 

Luật tục và nghi lễ có từ bao giờ, những người Jrai ở làng Ghè cũng không nhớ rõ. Nhưng dù gia đình có địa vị, giàu có hay những gia đình khó khăn thì đám ma cũng được diễn ra theo nghi lễ. Gia đình khó khăn được anh em họ hàng và người trong làng sẵn sàng góp lễ vật lại.

Vì cái tục góp lợn tham dự đám ma, mà cả làng Ghè hầu như nhà nào cũng nuôi lợn. Nhà nuôi ít thì vài con, nhà nuôi nhiều cũng phải cả đàn. 

Có đám ma trong làng, ngày đó tiếng lợn kêu từ đầu làng cho đến cuối làng. Những con lợn khoảng 20 kg được người dân gánh đến đám ma, một quang cảnh hiếm thấy trên đất nước ta.

Những ngôi nhà mả của làng Ghè.
Những ngôi nhà mả của làng Ghè. 

Những phong tục lạ trong đám ma

Theo các bậc cao niên trong làng Ghè, đám ma thường được tổ chức trong vòng 3 ngày, sau đó đem về nhà mồ để chôn. Khi chôn, người trong làng sẽ đặt một cái ống thâu xuống mộ. Hằng ngày, người nhà mang cơm, rượu đến cho vào cái ống đó để nuôi người đã mất, chỉ đến khi làm lễ bỏ mả mới thôi. 

Ở làng Ngè còn có tục chia của cho người đã mất. Người sống có gì người chết từ dụng cụ làm ăn nhưng nhiều nhất là chiêng, ghè rượu... Các đồ vật được chia cho người chết sẽ được bỏ trong khu nhà mồ. 

Như lời già làng kể, đến một ngày khi gia chủ có điều kiện sẽ làm một lễ bỏ mả cho người chết. Sau lễ bỏ mả thì khi đó người chết mới chính thức về với thế giới bên kia. Còn khi chưa làm lễ bỏ mả thì người đã chết vẫn quanh quẩn bên gia đình, hồn của họ vẫn đang bám trụ với núi rừng.

Rơ Lan Hin - Cán bộ văn hóa xã Ia Dơk - chia sẻ: “Người Jrai ở làng Ngè đã xóa bỏ nhiều tập tục lạc hậu. Đối với tập tục góp lợn tổ chức đám ma cho người chết vẫn được duy trì đến ngày nay. Đây là một tập tục mang tính nhân văn, góp phần gắn kết cộng đồng trong làng với nhau nên chủ trương là vẫn chưa xóa bỏ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ