Phong trào thi đua "Giỏi việc trường - Đảm việc nhà" giúp chị em vươn lên

Phong trào thi đua "Giỏi việc trường - Đảm việc nhà" giúp chị em vươn lên

Năm 1981 tốt nghiệp Trường sư phạm 10 + 3 Bắc Thái, chị Nguyễn Thúy Nga (nay là trưởng phòng GD mầm non Sở GD-ĐT Bắc Kạn) tình nguyện đến dạy ở Trường PTCS Cao Sơn, một trường vùng cao xa nhất của huyện Bạch Thông. Cũng như bao phụ nữ khác, chị cũng xây dựng gia đình rồi sinh con. Từ năm 1983 chị được chuyển về dạy ở Trường PTCS Xuất Hóa.

Năm 1988, do thiếu GV cấp 1, đang dạy cấp 2 chị tình nguyện xin chuyển xuống dạy cấp 1 và kiêm TPT Đội. Đối tượng học sinh, phương pháp giảng dạy chị đều rất bỡ ngỡ, chị đã phải dành nhiều thời gian đọc tài liệu, đi dự giờ để học hỏi các đồng nghiệp. Một kỷ niệm không thể nào quên, đó là lần đầu tiên chị dạy bài tập đọc “Em Hòa” để các chị trong BGH dự giờ, bài dạy quy định 35 phút, và phải cho HS luyện đọc là chủ yếu, do quen phương pháp dạy cấp 2, chị dạy quá sang thời gian của cả giờ toán mà vẫn lúng túng chưa biết kết thúc thế nào, hết giờ, các chị chỉ cười và động viên chị dần dần rồi sẽ quen thôi, em cứ cố gắng, nhưng chị cảm thấy buồn lắm, chị hiểu rằng khó khăn mới chỉ bắt đầu. Năm học 1991 – 1992, được chị em trong trường khích lệ, chị Nga đã mạnh dạn dự thi và đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, đó là động lực giúp chị Nga tự tin để tiếp tục phấn đấu vươn lên.

Đối với công tác TPT Đội chị cũng phải tốn rất nhiều công sức để đạt Liên đội mạnh xuất sắc. Năm 1992 chị Nga vinh dự được đại diện đội ngũ giáo viên TPT đội tỉnh Bắc Thái đi dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VI. Năm 1993 do yêu cầu nhiệm vụ chị Nga được điều động về phòng giáo dục làm cán bộ chuyên trách Đoàn Đội huyện Bạch Thông.

Tái lập tỉnh Bắc Kạn, năm 1997 chị Nga được điều động về Sở GD-ĐT làm chuyên trách Công đoàn. Trên cương vị là Trưởng ban nữ công, Phó chủ tịch Công đoàn ngành, Phó ban “Vì sự tiến bộ phụ nữ Ngành GD-ĐT Bắc Kạn”, chị đã chủ động tham mưu với BTV công đoàn ngành và chính quyền tạo điều kiện để nữ cán bộ, giáo viên có cơ hội thực hiện tốt vai trò của người công dân, người thầy giáo, người con, người vợ, người mẹ, đặc biệt là được tuyên truyền về các vấn đề bình đẳng giới.

Giữa năm 2002, chị Nga được điều động sang chuyên môn, bổ nhiệm giữ chức vụ trưởng phòng giáo dục mầm non, đây là một công việc không đúng với chuyên môn được đào tạo, một số đồng nghiệp tỏ ý nghi ngại, lo lắng. Nhưng với tinh thần quyết tâm, không nản lòng chị đã nhẫn nại từng bước vượt qua thử thách. Năm 2003 chị Nga được lãnh đạo ngành giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng Đề án phát triển GDMN tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2003 – 2010. Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt và hiện tại đang thực hiện rất có hiệu quả.

Thực hành hóa học
Thực hành hóa học

Tấm gương về làm kinh tế giỏi, tham gia tích cực các hoạt động xã hội, từ thiện

Sinh ra và lớn lên tại xã Vĩnh Lạc, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, năm 1980 cô thôn nữ người dân tộc Tày Triệu Thị Bộ được vào học tại Trường trung học sư phạm Hoàng Liên Sơn, năm 1982 tốt nghiệp ra trường, nhận quyết định trở về huyện nhà và được điều động đến nhận công tác dạy học tại Trường PTCS xã vùng sâu Phan Thanh, năm 1984 được điều động về Trường PTCS Tân Lập cách gia đình trên 30 km, năm 1986 cô được chuyển về dạy học tại quê nhà. Thời gian này cuộc sống của các nhà giáo rất khó khăn - với đồng lương ít ỏi, cơ sở vật chất nhà trường còn nghèo nàn, giao thông đi lại chỉ là những con đường mòn quanh co theo những triền đồi núi. Từ những ngày đầu chập chững trên bục giảng, với bao bỡ ngỡ trước những gương mặt trẻ thơ hồn nhiên, đáng yêu, đến nay cô giáo Bộ đã có gần 30 năm trong nghề. Bấy nhiêu năm sống với nghề là bấy nhiêu năm cô giáo Bộ đã quên đi những lo toan, vất vả của đời thường, hàng ngày tâm huyết với từng trang giáo án, từng tâm hồn trẻ thơ, toàn tâm với sự nghiệp trồng người, hết lòng vì học sinh thân yêu.

Nhận xét về cán bộ của mình, cô giáo Trần Thuỷ Hồng, hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Lạc cho biết: "cô giáo Bộ là một giáo viên có năng lực chuyên môn, tích cực tham gia các phong trào thi đua và hưởng ứng các cuộc vận động lớn của ngành, có ý thức trong việc bồi dưỡng và tự bồi dưỡng chuyên môn, tìm tòi, sáng tạo đổi mới phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng giáo dục, học sinh do cô làm chủ nhiệm hàng năm được chuyển lớp 99%, có từ 2 - 3 học sinh giỏi, 50% đạt học sinh tiên tiến, bản thân cô giáo Bộ nhiều năm liền đạt giáo viên dạy giỏi, đạt danh hiệu lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua cơ sở, có mối quan hệ thân mật, cởi mở với đồng nghiệp, có tinh thần tương thân, tương ái là một tấm gương sáng về nghị lực vươn lên trong phát triển kinh tế gia đình... "

Không chỉ là một giáo viên say mê với nghề nghiệp, cô giáo Bộ còn là người rất năng động nhạy bén trong phát triển kinh tế gia đình, điều này được thể hiện ngay từ năm 1994, khi đã ổn định cuộc sống, lúc này các con đã lớn, cô luôn trăn trở làm sao vừa hoàn thành tốt công tác ở trường lại vừa phát triển được kinh tế gia đình, nuôi dạy các con khôn lớn, cô đem những suy nghĩ đó tâm sự cùng người bạn đời của mình đang là cán bộ tư pháp ở xã và nhận được sự động viên khích lệ của người chồng thân yêu, cô đã khéo léo bố trí sắp xếp thời gian một cách hợp lý, khoa học.

Tâm sự với chúng tôi, cô giáo Bộ cho biết: "Ngày đầu trồng rừng tìm cây giống khó lắm, vợ chồng phải lặn lội khắp nơi, mua được cây giống về rồi gánh mỗi chuyến vài chục cây lên đồi để trồng". Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài" đến nay, tại khu đồi rừng này, gia đình cô đã qui hoạch thành một trang trại gồm 2 ao thả cá, xây cất một dãy chuồng để chăn nuôi lợn. Cả một vùng đất từng hoang trọc năm nào, nay phủ một màu xanh ngắt ngút tầm mắt, hơn 3 vạn cây quế từ 10 – 14 năm tuổi, cây to bằng cái ấm đun nước, cây nhỏ bằng cái phích nước đứng song song bên nhau, gần 10 ha keo, bồ đề sắp đến kỳ khai thác, cùng trên 300 bụi luồng Thanh Hoá, mà mỗi bụi có tới 20 - 30 cây luồng đang vào thời kỳ cho thu hoạch. Từ những nguồn thu chính đáng, gia đình cô đã làm được căn nhà sàn khang trang và đầy đủ tiện nghi phục vụ cho sinh hoạt của gia đình và tạo điều kiện tốt nhất để 2 người con được học hành tử tế, hiện nay cháu trai đầu đang học năm cuối Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, cháu gái út đang học năm thứ 2 Đại học Y khoa Hải Phòng.

Giáo viên hướng dẫn học sinh làm bài tập
Giáo viên hướng dẫn học sinh làm bài tập

Cánh chim đầu đàn trong một tập thể giỏi

Chị Lê Thị Thúy Hiên, hiệu trưởng Trường TH thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, sinh ra trong một gia đình đông con (8 anh chị em). Cha mẹ là người miền xuôi lên xây dựng kinh tế miền núi từ những năm 1959. Cả quãng đời tuổi thơ của chị gắn bó với đồng bào Tây Bắc. Được sống và làm việc bên cạnh bà con các dân tộc Tây Bắc, chị sớm chịu ảnh hưởng cuộc sống nơi đây: sáu đến bảy tuổi chị đã biết làm mọi việc nhà, chín đến mười tuổi đã biết cuốc nương, làm rẫy, kiếm củi, hái măng trong rừng. Mặc dù gia đình đông con kinh tế khó khăn, nhưng cha mẹ chị luôn tạo điều kiện cho chị em chị được đi học.

Năm 1978, tốt nghiệp Trường trung học sư phạm Sơn La, theo tiếng gọi của Đảng, Hiên làm đơn tình nguyện và được phân công về công tác tại Trường PTCS Huy Hạ, huyện Phù Yên, một huyện mới được tách từ tỉnh Hoàng Liên Sơn về Sơn La. Với 6 năm công tác tại đây, Hiên đã phấn đấu trở thành giáo viên dạy giỏi huyện Phù Yên năm 1982 và được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Tháng 9 năm 1984, theo chồng chị công tác tại Trường PTCS thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn. Năm 1985, tham dự thi giáo viên dạy giỏi huyện Mai Sơn và là một trong hai giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi trong hội thi năm đó. Từ 1988 đến 1994, Hiên được đề bạt phó hiệu trưởng Trường PTCS thị trấn Hát Lót; Từ 1995 đến nay (2009) giữ chức vụ hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Hát Lót - Bí thư chi bộ Đảng nhà trường. Với 31 năm trong nghề dạy học, chị luôn xác định cho mình dù ở bất cứ hoàn cảnh cương vị nào cũng phải luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên không ngừng về mọi mặt để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành, của đất nước.

Đến nay, bản thân chị cùng với nhà trường đã nghiên cứu thể nghiệm thành công 38 sáng kiến kinh nghiệm – đề tài khoa học, có những sáng kiến kinh nghiệm đã được áp dụng trong trường và tỏa tác dụng tới các trường bạn, huyện bạn.

Trường tiểu học thị trấn Hát Lót là đơn vị đưa môn tự chọn tin học vào dạy học từ năm học 2002 - 2003; 100% CBGV coi máy tính là phương tiện lao động trí tuệ cao, từng bước đổi mới phương pháp dạy học theo hướng hiện đại. Những sáng kiến kinh nghiệm trên là cơ sở khoa học góp phần xây dựng đội ngũ giáo viên nhà trường có chuyên môn ngày càng vững vàng; các hoạt động giáo dục của nhà trường dần đi vào nề nếp, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên và dẫn đầu khối tiểu học tỉnh Sơn La, đặc biệt là giai đoạn bứt phá vươn lên 2008 -2009.

Bích Ngọc

Cô Phượng chụp ảnh lưu niệm.

Hạnh phúc từ những điều giản dị

GD&TĐ - Với tôi và đồng nghiệp, điều tuyệt vời nhất luôn là nụ cười trẻ thơ. “Thuyền trưởng” Cà Thị Phượng đã truyền lửa để chúng tôi thêm yêu nghề!
Học sinh trường Mầm non Huổi Lếch chụp ảnh lưu niệm.

Điều giản dị

GD&TĐ - Nếu ai hỏi có điều nào tuyệt vời nhất, thì có lẽ với tôi và tất cả bạn bè đồng nghiệp, đó là nụ cười của trẻ thơ...