Những năm gần đây, Bộ GD&ĐT đã phát động phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo trong dạy và học. Vụ trưởng đánh giá thế nào về phong trào này?
- Ngày 19/10/2016, Bộ trưởng đã phát động phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học” giai đoạn 2016 - 2020 trong toàn ngành giáo dục. Điểm mới cốt lõi của phong trào thi đua này là: Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học là công việc thường xuyên, lâu dài; được thực hiện trong mọi hoạt động giáo dục, bắt đầu từ việc nhỏ, diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong tất cả các hoạt động của mỗi tập thể, cá nhân, gắn với các minh chứng, sản phẩm cụ thể, hiệu quả, thiết thực, để việc làm ngày hôm nay luôn năng suất, hiệu quả hơn ngày hôm qua, được đồng nghiệp, bạn bè, xã hội tôn vinh, học tập, làm theo.
Cơ quan quản lý giáo dục các cấp phải là nơi kiến tạo, hỗ trợ, phục vụ để mỗi tập thể, cá nhân có môi trường thuận lợi nhất để được phát huy tối đa khả năng của đơn vị, phẩm chất và năng lực cá nhân, tự nguyện tham gia thi đua đổi mới, sáng tạo; xây dựng môi trường giáo dục mở, xanh, sạch, đẹp, thân thiện; đổi mới căn bản phương pháp dạy, học, thi, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; ứng dụng có hiệu quả các thành tựu về công nghệ thông tin trong dạy, học, quản lý giáo dục; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, khởi nghiệp; xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời; xây dựng lòng tự tôn, tự hào dân tộc, kết hợp hài hòa truyền thống văn hóa dân tộc với tinh hoa văn hóa của nhân loại.
Phong trào thi đua mới được phát động hơn một năm, do vậy đánh giá kết quả còn quá sớm. Tuy nhiên, hơn một năm qua, Phong trào thi đua đã được sự đồng lòng, ủng hộ trong toàn ngành và cả xã hội. Tính thiết thực, hiệu quả thực chất và luôn có khát vọng đổi mới, sáng tạo là điểm nhấn nổi bật nhất của các gương điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt.
Những gương điển hình nào, sáng kiến nào khiến ông tâm đắc nhất?
- Đây là câu hỏi khó. Khó vì rất nhiều nhà giáo, rất nhiều người học để lại trong tôi niềm cảm phục về tấm gương lao động sáng tạo, cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”. Tôi có thể kể ra rất nhiều gương sáng, rất nhiều sáng kiến, đề tài, công trình nghiên cứu khoa học, những “sản phẩm mới” của các nhà giáo và người học đã và đang góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới của đất nước. Tôi sẽ không kể lại việc này vì báo chí, xã hội cũng đã nêu gương. Tôi chỉ xin nhấn mạnh: hình ảnh một thầy giáo vượt khó đưa học sinh đến trường ở vùng khó khăn; hay các cô giáo mầm non sẵn sàng hy sinh thân mình cứu các cháu khỏi lũ lụt; đặc biệt mấy cháu học sinh bé nhỏ hy sinh mình cứu bạn đã được Bộ trưởng gửi thư khen, tặng hoặc truy tặng Bằng khen và rất nhiều tấm gương nhà giáo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đang âm thầm, lặng lẽ có sáng kiến đưa trẻ đến trường, ở lại trường để được học hành lên người đã được toàn ngành và cả xã hội trân trọng, yêu mến thì nếu bảo tôi chỉ tâm đắc là không đủ.
Để phong trào này có sức lan toả mạnh mẽ hơn nữa, ngành Giáo dục tổ chức cuộc thi thế nào để tuyên dương, khen thưởng, biểu dương các tập thể và cá nhân xuất sắc?
- Là nhà giáo và cũng đã có thời gian trực tiếp giảng dạy ở vùng khó khăn, tôi có niềm tin rằng, hầu hết các nhà giáo và người học thi đua đổi mới sáng tạo trong dạy và học trước hết không vì mục đích để được tuyên dương, khen thưởng. Bộ cũng không có chủ trương giao chỉ tiêu thi đua, khen thưởng cho các nhà giáo và người học. Bộ cũng không tổ chức các cuộc thi để tuyên dương, khen thưởng. Các nhà giáo và người học hiện nay đang làm việc rất đúng là: tự nguyện tham gia thi đua đổi mới, sáng tạo trong dạy và học. Do vậy, trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục các cấp rất lớn: tạo môi trường thuận lợi để mỗi cá nhân phát huy hết năng, lực, phẩm chất của mình; phát hiện, động viên, khen thưởng hoặc trình cấp có thẩm quyền khen thưởng kịp thời theo hướng thành tích đến đâu, khen đến đó; tuyên truyền và nhân rộng gương người tốt, việc tốt tạo sức lan toả trong toàn ngành và cả xã hội.
Nghề giáo- nghề cao quý |
Vậy trong những năm tiếp theo, Bộ quan tâm phong trào này như thế nào để vinh danh, khen thưởng các tập thể, cá nhân trong phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học”?
Bộ đã có văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” giai đoạn 2016-2020. Hàng năm, Bộ có hướng dẫn cụ thể tiêu chí thi đua đối với các sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học. Điểm mới cơ bản là: Tiêu chí thi đua bảo đảm tính định lượng, công khai, minh bạch, gắn với minh chứng, sản phẩm cụ thể, thực chất mang lại lợi ích cho đơn vị, địa phương và toàn ngành; tiếp cận với tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục của khu vực và quốc tế (nhất là cơ sở giáo dục đại học); đánh giá sự tiến bộ của chính cá nhân, đơn vị so với năm trước.
Cơ quan quản lý giáo dục các cấp không áp đặt chỉ tiêu thi đua quá cao so với khả năng thực tế của mỗi tập thể, cá nhân để chạy theo thành tích; phải tự rà soát và có kế hoạch cụ thể để từng bước khắc phục bệnh thành tích, không lãng phí, phô trương, hình thức; đẩy mạnh công tác truyền thông trong việc tuyên truyền gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt và khen thưởng kịp thời.
Đó chỉ là một số công việc cụ thể, Bộ đang chỉ đạo thực hiện. Mỗi tập thể, cá nhân trong ngành làm tốt những việc này thì thi đua, khen thưởng sẽ thực sự trở thành động lực để phát triển giáo dục và đáp ứng yêu cầu đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của đất nước.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!