Phong trào hay đối phó?

Phong trào hay đối phó?

(GD&TĐ) - Nghe một cán bộ chuyên môn Sở GD&ĐT nọ báo cáo về phong trào viết Sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) những năm gần đây của tỉnh anh 3 năm qua tốt hơn hẳn so với những năm trước đây, tôi liền ngỏ ý muốn xem những SKKN đạt giải cao để mà học tập. Thì anh ngẩn người ra giây lát rồi bảo: Gần cuối năm, hồ sơ sổ sách nhiều quá, chị muốn xem thì phải chờ vài hôm nữa, chúng tôi cho người lục tìm mới có. Mà muốn xem nhanh nhất thì tôi cho chị một danh sách các GV đạt giải, rồi chị tới trường gặp ngay GV đó để mượn xem là có ngay thôi.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Sở dĩ tôi tò mò muốn tìm hiểu nguyên nhân vì sao phong trào viết SKKN ở tỉnh nọ lại được cải thiện là vì cách đây khoảng 5, 7 năm, khi đi cơ sở, tôi nắm bắt rất rõ một thực trạng là phong trào viết SKKN còn rất hình thức và đối phó. Tiêu chí bắt buộc đối với một GV giỏi là phải có SKKN, GV giỏi cấp nào phải có SKKN cấp đó, tôi cho là hoàn toàn hợp lý; vì dạy mà không có SKKN thì làm sao mà dạy cho tốt được! Thế nhưng, mỗi năm, cứ tới kỳ các trường tổ chức cho GV đăng ký đề tài là nhiều người lại kêu như vạc: “Vô lý! SKKN thì phải là người có khiếu văn chương, chữ nghĩa mới viết được chứ, tôi có khiếu đâu mà bảo viết .” Nghe GV kêu như vậy, hiệu trưởng cũng chạnh lòng liền đề nghị Phòng, Sở mở một hội nghị chuyên đề về SKKN.

Tôi nhớ rõ mồn một diễn tiến của một hội nghị SKKN do Phòng GD&ĐT huyện B tổ chức: Tất cả GV các trường trong huyện được triệu tập tới một Hội trường rộng, ngồi để nghe các báo cáo viên do Sở cử xuống để báo cáo kinh nghiệm…viết SKKN. Tuy nhiên, chỉ sau ít phút cả hội trường nghiêm trang nghe chủ tọa dẫn dắt ý nghĩa, mục đích của hội nghị, là cả hội trường đã ồ cả lên khi người báo cáo mở đầu lại là một GV cũ ở dưới trường lên làm chuyên viên của Sở. Anh này chưa từng có SKKN đạt giải cấp tỉnh bao giờ, nhưng duy nhất trong số GV trung học cơ sở của huyện có bằng thạc sĩ (ngày bấy giờ còn hiếm tiến sĩ, thạc sĩ) lại “mồm miệng đỡ chân tay”, quen biết với hàng ngũ cán bộ Sở nên được cất nhắc làm chuyên viên. Quả thật cả bài báo cáo về kinh nghiệm viết SKKN của anh ta hôm ấy loằng ngoằng kiểu con cà, con kê không ai hiểu gì. Vài ba bản tham luận của những người tiếp theo sau đó có bài bản, dễ theo dõi hơn đôi chút, nhưng do không khí hội trường thiếu tập trung nên hiệu quả mang lại cũng không là bao!

Trở lại câu chuyện đi tìm hiểu phong trào viết SKKN của tỉnh nói trên. Tôi cũng nghe cán bộ Sở hướng dẫn về một trường THPT để tìm hiểu. Tại đây, đồng chí hiệu trưởng cho tôi biết cũng có lưu SKKN của GV tại thư viện bằng cách đóng tập tất cả những SKKN được giải từ cấp trường trở nên. Anh than vãn: Lẽ ra sau khi Sở chấm những GV đạt giải cấp tỉnh thì phải tổ chức in ấn thành tập, hay là mở hội nghị cho những GV đó báo cáo, rồi phát về trường cho GV người ta vận dụng đổi mới phương pháp giảng dạy, bên cạnh đó, cũng rút được kinh nghiệm về cách viết. Như thế thì mới tạo được sinh khí cho phong trào. Tới đây, tôi lại ngạc nhiên: Sao bảo ở tỉnh này mấy năm gần đây phong trào viết SKKN tốt lắm cơ mà? Hiệu trưởng lại bảo: Đúng là so với trước kia, GV người ta đỡ kêu ca, đỡ phải đi xin, đi thuê người viết. Vì bây giờ, GV ít nhiều cũng biết sử dụng CNTT, chỉ cần lên mạng down ra rồi xào xáo thành của mình là muốn sáng kiến kiểu gì, có sáng kiến kiểu nấy thôi mà.

Nghe anh nói, tôi giật mình thay cho cái gọi là phong trào SKKN của Sở đã nêu. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Giá như lãnh đạo Sở, Phòng sát hơn thực trạng ở bên dưới, tổ chức một cách khoa học quy trình viết SKKN, từ việc chọn đề tài, hướng dẫn cách bố cục, trình bày, tới chậm chọn, nhân rộng những sáng kiến, kinh nghiệm hay, đánh giá hiệu quả ứng dụng thực tiễn giảng dạy, thì sẽ không còn tình trạng đi vay, đi mượn để đối phó, dù là vay, mượn ở thời a còng (@) hiện đại.

Hồng Châm

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ