Phòng tránh bệnh khi thời tiết chuyển mùa cho trẻ
Khi giao mùa cũng là lúc các virus có cơ hội xâm nhập vào cơ thể trẻ nhỏ. Phòng tránh bệnh khi thời tiết giao mùa cho trẻ là điều các bậc phụ huynh nên quan tâm.
Phòng tránh bệnh khi thời tiết chuyển mùa cho trẻ là vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm (Ảnh minh họa)
Phòng tránh bệnh dị ứng
Trẻ rất dễ bị dị ứng khi thời tiết giao mùa, chẳng hạn như dị ứng với bụi phấn hoa. Khi bị dị ứng, da của trẻ sẽ nổi mề đay, hoặc trẻ có thể bị viêm da dị ứng.
Để phòng tránh, phụ huynh nên giúp con tránh khỏi những tác nhân gây dị ứng từ môi trường, chẳng hạn như bụi phấn hoa, giữ ấm cơ thể cho trẻ...
Phòng tránh bệnh cảm cúm
Trẻ em dễ bị cảm cúm nếu tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, biểu hiện rõ rệt là trẻ bị nghẹt mũi, chảy nước mũi, sốt, đau đầu, chóng mặt, ho, đau họng, chán ăn…
Các bậc phụ huynh cần đặc biệt quan tâm đến những triệu chứng này, không nên lơ là bệnh cảm cúm. Nếu không được xử lý đúng, kịp thời, bệnh có thể kéo dài hoặc nghiêm trọng, thậm chí một số bệnh cúm còn gây tử vong.
Cách phụ huynh giúp con phòng tránh bệnh cảm cúm tốt nhất đó là nhắc con nên rửa tay đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh… để loại bớt tác nhân gây bệnh. Nếu đã mắc bệnh, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám sớm để tránh bị biến chứng.
Phòng tránh bệnh xương khớp
Mỗi khi thời tiết chuyển mùa, những trẻ trong độ tuổi từ 5 đến 15 tuổi dễ mắc bệnh xương khớp, nhất là những ngày trời lạnh. Ban đầu trẻ có thể có triệu chứng như viêm họng đỏ cấp tính, sốt và đau họng.
Sau 7-10 ngày bệnh nhân có thể sốt cao, mệt mỏi, xanh xao, sưng, nóng đỏ và đau các khớp lớn như khớp vai, háng... kéo dài chừng 5-7 ngày rồi khỏi, không để lại di chứng gì.
Khi con có những dấu hiệu này, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để sớm phát hiện bệnh và điều trị kịp thời, ngăn chặn sự tái phát dẫn đến tổn thương tim mạch của trẻ.