Phòng ngừa đuối nước cho trẻ: Cần sự giám sát hơn nữa từ phía gia đình

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ: Cần sự giám sát hơn nữa từ phía gia đình

Liên tiếp những vụ việc đau lòng

Sáng 27/2, trên địa bàn thôn Tiên Nông, xã Đại Bản, huyện An Dương, Tp. Hải Phòng đã xảy ra một vụ đuối nước thương tâm. Nạn nhân là hai anh em ruột gồm bé N M S (SN 2014) và N T M X (SN 2017). Được biết, bố mẹ các cháu đều là công nhân tại khu công nghiệp Nomura. Hai bé đi học tại trường mầm non nhưng do được nghỉ phòng dịch Covid-19 nên ở nhà cùng ông bà nội.

Ngày 28/2, theo tin báo của người dân địa phương, lực lượng PCCC và CHCN Công an Tp. Hồ Chí Minh đã tìm thấy thi thể của hai em học sinh lớp 6 thuộc trường THCS Hiệp Phú dưới mương nước gần nhà. Nguyên nhân xác định tử vong là do đuối nước.

Cho tới tận hôm nay, người dân tại thôn Hà Nam xã Thạch Hoá huyện Tuyên Hoá tỉnh Quảng Bình vẫn chưa hết bàng hoàng, đau xót trước vụ tai nạn đuối nước thương tâm của hai em học sinh là T Đ H (SN 2010) và T M H (SN 2013).

Ký ức về hai chiếc quan tài nằm cạnh nhau ở giữa sân nhà chắc chắn sẽ là nỗi đau dai dẳng không chỉ đối với gia đình hai em, mà còn là mảnh ký ức buồn, một bài học cực kỳ đắt giá cho người dân trong thôn về việc phải luôn trông coi và để mắt tới con trẻ.

Có lẽ vụ đuối nước xảy ra gần đây nhất là câu chuyện hai nữ sinh lớp 10 thuộc xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, Tp. Hà Nội tử vong vào chiều ngày 19/5 tại khu vực sông thôn Đan Thế. Nguyên nhân do hai em rủ nhau tắm sông sau giờ tan trường mà không có sự giám sát của người lớn.

Trên đây chỉ là một trong số hàng trăm vụ tai nạn đuối nước xảy ra trên địa bàn cả nước chỉ tính riêng từ đầu năm tới nay. Những vụ việc này có thể xem là hồi chuông cảnh báo rõ ràng nhất, đối với các bậc phụ huynh trong việc chủ động phòng, chống tai nạn đuối nước xảy ra ở trẻ em, nhất là trong bối cảnh thời tiết đang nóng dần.

Cần sự giám sát hơn nữa từ phía gia đình

Ngày 26/6/2018 trong hội thảo “Triển khai Chương trình hợp tác về phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam” do Bộ LĐ-TB & XH phối hợp với Quỹ từ thiện Bloomberg của WHO và Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu (GHAI) tại Hà Nội, đã nhận định: “Mặc dù tỷ lệ tử vong do đuối nước đã giảm, nhưng giảm chậm và còn ở mức cao. Đây được xem là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em. Theo tính toán, tử vong do đuối nước ở trẻ em Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước có thu nhập cao”.

Theo báo cáo của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ y tế), có tới 33% số vụ tai nạn đuối nước trẻ em xảy ra do thiếu đi sự giám sát của người lớn. Việc chủ quan của bố mẹ khi để trẻ tự do vui chơi tại những nơi có mối hiểm họa rất dễ dẫn tới hậu quả đau lòng.

Qua đó có thể thấy được, để phòng ngừa tai nạn đuối nước cho trẻ em thì ngoài việc tập trung giảng dạy kỹ năng môn bơi lội còn cần tới sự giám sát hơn nữa từ phía gia đình.

Trao đổi với GD&TĐ, thầy giáo Đoàn Trường Kiên, phụ trách bộ môn bơi lội tại Cung thiếu nhi Tp. Nam Định chia sẻ:

“Việc tập luyện kỹ năng bơi lội, trang bị kiến thức cơ bản về sơ cứu đuối nước khi gặp nạn nhân bị đuối nước, biết cách sử dụng áo phao khi tham gia giao thông đường thủy đối với các em học sinh là điều cực kỳ cần thiết. Đây phải được xem là việc làm thường xuyên, liên tục. Ngoài nhà trường thì một điều kiện quan trọng nữa là gia đình cũng phải hướng dẫn các em không chơi, không tắm tại những nơi nguy hiểm và tuyệt đối không tự ý bơi lội khi thiếu sự giám sát của người lớn. Nói một cách dễ hiểu là cần có sự tăng cường giám sát từ phía gia đình”.

“Xung quanh khu vực tiềm ẩn nguy cơ xảy ra đuối nước phải có các phương án làm biển cảnh báo, rào chắn, có nắp che bể nước, giếng nước để đảm bảo an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ xảy ra tai nạn” - Thầy Kiên nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm đó, cô giáo Nguyễn Phùng Như Thùy – Giáo viên trường Trung học cơ sở Phước Hòa (Bình Định) chia sẻ: “Nhiều trường học cấp cơ sở vẫn thường xuyên có các chương trình liên kết tổ chức các lớp dạy bơi, nhằm mục đích tăng cường sự quan tâm của phụ huynh đối với con em mình. Việc phòng chống tai nạn đuối nước cho các em chỉ thực sự có hiệu quả nếu như có được sự chung tay từ chính gia đình của các em”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ