Tại sao phải đảo giám thị các trường?
Báo GD&TĐ nhận được phản ánh của nhiều giáo viên (GV) và phụ huynh học sinh bậc tiểu học, THCS ở huyện miền núi Như Xuân, về việc: Phòng GD&ĐT huyện yêu cầu các trường tiểu học, THCS trong huyện phải điều động GV đi coi thi, chấm thi chéo giữa các trường, để khảo sát chất lượng cuối kỳ II, năm học 2021 - 2022 học sinh (HS). Việc làm này có thật sự cần thiết không, hay lại làm ảnh hưởng đến tâm lý HS bậc tiểu học, đặc biệt là đối với HS lớp 1?
Trước đó, ngày 14/4, Phòng GD&ĐT huyện Như Xuân ban hành công văn gửi các trường tiểu học, THCS trên địa bàn huyện hướng dẫn việc: “Tổ chức xem thi, chấm thi học kỳ II cấp TH, THCS năm học 2021 - 2022”.
Theo công văn này, Phòng GD&ĐT huyện yêu cầu các trường THCS thực hiện như sau: “Chủ tịch Hội đồng coi thi là Hiệu trưởng đơn vị sở tại. Nếu đơn vị chưa có Hiệu trưởng thì Chủ tịch Hội đồng là Phó Hiệu trưởng. Phó Chủ tịch Hội đồng coi thi là Phó Hiệu trưởng (hoặc Tổ trưởng chuyên môn) của đơn vị khác được điều đến làm nhiệm vụ.
Các trường phân công đủ 2 giám thị/1 phòng thi, trong đó có 1 giám thị tại đơn vị sở tại và 1 giám thị được điều từ đơn vị khác. Nếu không đủ 2 giám thị/phòng thi, thì các đơn vị phân công 1 giám thị/phòng thi ưu tiên phân công giám thị được điều từ đơn vị khác”.
Đối với cấp tiểu học, lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Như Xuân cũng yêu cầu các trường thành lập Hội đồng coi thi như bậc THCS. Đồng thời, yêu cầu các trường phân công đủ 1 giám thị/1 phòng thi trong đó giám thị được điều từ đơn vị khác.
Sau khi Phòng GD&ĐT huyện Như Xuân ban hành công văn trên, nhiều phụ huynh và GV đặt câu hỏi: Phòng GD&ĐT huyện Như Xuân có nhất thiết phải ra công văn điều động cán bộ, GV của các trường tiểu học, THCS trên địa bàn toàn huyện đi coi thi chéo, chấm thi chéo, lập Hội đồng coi thi như trên hay không?
Các đơn vị sẽ điều động lãnh đạo và cán bộ đi coi thi tại những trường của xã khác cách nhau cả chục km, việc làm này có góp phần nâng cao chất lượng kỳ thi hay không?
Bên cạnh đó, đây chỉ là kỳ khảo sát, đánh giá cuối học kỳ II đối với bậc tiểu học và THCS. Hơn nữa, HS lớp 1 và lớp 2 thấy GV lạ đến, nhiều em có bị ảnh hưởng tâm lý, khả năng làm bài thi không?
Ngoài ra, việc điều động đi coi thi đi xa như vậy, Phòng GD&ĐT trả kinh phí đi lại, ăn ở và thực hiện nhiệm vụ cho họ như thế nào?... Rõ ràng, việc làm như trên của Phòng GD&ĐT huyện Như Xuân đang đi ngược mục đích và nguyên tắc đánh giá HS tiểu học theo Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT.
“Giáo viên không được bàn tán việc riêng của ngành”?
Cũng theo phản ánh của nhiều GV ở huyện Như Xuân, sau khi Phòng GD&ĐT ban hành công văn nêu trên, lãnh đạo phòng đã gửi thông tin vào nhóm Zalo cho các trường học, như sau: “Để đánh giá khách quan, toàn diện chất lượng đại trà các trường TH, THCS trên địa bàn huyện, việc khảo sát cuối kỳ II năm học 2021 - 2022, PGD thực hiện việc điều động một số giám thị coi thi chéo và chấm chéo bài thi các trường.
Các trường tuyên truyền cán bộ, GV, HS, phụ huynh, nhân dân để có sự đồng thuận và tổ chức thực hiện nghiêm túc. Đây là việc mới, nên không tránh khỏi vướng mắc, nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo kịp thời về Trưởng PGD để điều chỉnh cho phù hợp.
Tuyệt đối không đăng tin, chia sẻ, bàn tán các vấn đề riêng của ngành trên Zalo, fb… làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ chung của ngành. Nếu đơn vị nào để xảy ra tình trạng trên, hiệu trưởng nhà trường chịu hoàn toàn trách nhiệm”.
Trao đổi với phóng viên Báo GD&TĐ, ông Đỗ Văn Chung – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Như Xuân - nói: “Lâu nay, một số trường đánh giá chất lượng HS không được chặt chẽ. Do đó, Phòng GD&ĐT đã báo cáo lãnh đạo huyện, để thực hiện việc đánh giá chất lượng cuối kỳ II được khách quan và tốt hơn”.
Tuy nhiên, khi được hỏi, liệu việc điều động GV “lạ” đến kiểm tra, đánh giá cuối kỳ đối với HS lớp 1, thì có làm ảnh hưởng tâm lý của các con không? Ông Chung nói: “Tôi xin tiếp thu và ghi nhận phản ánh của anh. Tôi sẽ chỉ đạo anh em điều chỉnh lại.
Đó là, đối với khối lớp 1, thì các trường vẫn giữ nguyên GV của đơn vị mình tham gia kiểm tra, đánh giá chất lượng cuối kỳ, tránh ảnh hưởng tâm lý HS. Đồng thời, phòng đã chỉ đạo rút số lượng GV tham gia giám sát chéo mỗi trường là 3 người”.
Liên quan đến vấn đề Phòng GD&ĐT gửi thông tin vào nhóm Zalo cho hiệu trưởng các trường, yêu cầu GV không được bàn tán việc riêng của ngành? Ông Chung nói: “Trên tinh thần chỉ đạo chung, chúng tôi cũng quán triệt anh em, nếu có thông tin chính thống thì nên chia sẻ. Còn những điều không cần, thì phải nhắc nhở anh, chị em và các đơn vị nên tránh”.
Ông Tạ Hồng Lựu – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa - cho biết, theo Thông tư 22/2016 của Bộ GD&ĐT quy định, đối với HS tiểu học, việc kiểm tra, đánh giá cuối năm học, thì do nhà trường tổ chức.
“Đối với HS lớp 5, thì gọi là bàn giao chất lượng cho cấp 2, nên có sự giám sát của bậc THCS trên địa bàn đó. Còn việc đổi chéo giữa các trường là không cần thiết và không phù hợp. Việc khảo sát chất lượng là cần thiết, Phòng GD&ĐT nên ra một đề chung rồi chuyển về các trường tổ chức.
Còn việc đổi chéo, làm như tổ chức kỳ thi quốc gia như vậy là không nên. Lãnh đạo Sở sẽ có ý kiến chỉ đạo, chấn chỉnh việc này đối với Phòng GD&ĐT huyện Như Xuân”, ông Lựu phát giác.