Phòng chống cháy nổ trong cơ sở giáo dục ở Hà Nội: Không chủ quan!

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Công an TP Hà Nội giám sát việc thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy (PCCC) đối với các công trình trường học được cải tạo, mở rộng và xây mới. Đồng thời, từng bước trang bị kiến thức giúp học sinh trang bị kỹ năng thoát nạn khi có sự cố hỏa hoạn xảy ra

Công an quận Hoàn Kiếm trang bị kỹ năng PCCC cho học sinh.
Công an quận Hoàn Kiếm trang bị kỹ năng PCCC cho học sinh.

Chặn nguồn cháy

Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội ghi nhận vụ nổ cồn trong phòng thí nghiệm tại Trường THPT Phan Đình Phùng trong giờ thực hành của lớp 12A2. Vụ việc khiến 3 học sinh (Nguyễn Đ.V, Lê Ng. Th và Đinh D.A) bị bỏng phải đi cấp cứu tại bệnh viện.

Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an TP Hà Nội) chỉ rõ, trường học là nơi tập trung số lượng lớn học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ, nhân viên phục vụ.

Để duy trì công việc học tập, đào tạo, nghiên cứu cần một khối lượng lớn cơ sở vật chất kỹ thuật. Trong đó, hầu hết là chất dễ cháy như: Bàn, ghế, bệ, bục, hồ sơ, tài liệu... tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ.

Đại tá Phạm Trung Hiếu nhấn mạnh, cháy nổ cũng có thể xảy ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó có thể là do sơ suất trong việc dùng lửa để nấu thức ăn, thực hành thí nghiệm hay vi phạm quy định về PCCC (hút thuốc, đốt cỏ rác...).

Bên cạnh đó, với các trường mẫu giáo, tiểu học học sinh chưa có khái niệm nhiều về mức độ nguy hiểm của lửa, thậm chí có học sinh dùng lửa để đùa nghịch.

Trực tiếp được tập huấn những kỹ năng cơ bản PCCC&CNCH, ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình - cho biết thêm, thầy, cô giáo trên địa bàn luôn nhận thức, ngoài ngọn lửa trực tiếp gây ra cháy thì việc sử dụng các thiết bị điện cũng có thể làm phát sinh nguồn nhiệt.

Đại tá Phạm Ngọc Dương - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội - nhận định, với quy mô hiện nay các trường học trên địa bàn Thủ đô đều được đầu tư cơ sở vật chất mới hoặc được cải tạo lại với quy mô, trang thiết bị, tiện nghi học tập và sinh hoạt tương đối đầy đủ, hoàn thiện.

“Các trường học được chia thành nhiều khu riêng biệt với các chức năng vui chơi giải trí, học tập, phục vụ sinh hoạt (phòng ngủ, phòng ăn, phòng vệ sinh…), khu vực chế biến thức ăn, khu vực để xe, khu nội trú nên công tác phòng ngừa cháy nổ cần được hết sức quan tâm...”, Đại tá Dương chia sẻ.

Lan tỏa mô hình, điểm sáng

“Ở các trường học luôn có nhu cầu lớn về việc dùng điện như: Thí nghiệm, chiếu sáng, đun nấu, sưởi ấm, là quần áo, chăn cho học sinh. Vì vậy, quá trình sử dụng thiết bị điện phải lưu ý đến công suất, tránh bị quá tải của dây dẫn và các thiết bị bảo vệ. Nhà trường phải được hướng dẫn để sử dụng điện an toàn, thường xuyên kiểm tra đường dây dẫn điện để tránh bị chập cháy đường dây...”, ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình lưu ý.

Chị Tô Thị Dung - phó ban phụ huynh lớp 12D5 Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) - cho biết, nhà trường đã lên kế hoạch PCCC năm học mới 2022 - 2023 thông báo trên website của nhà trường để phụ huynh được biết và phối hợp thực hiện.

Trong đó nhấn mạnh việc lồng ghép nội dung PCCC vào giờ học chính và ngoại khóa, dán hình ảnh các bước thoát nạn, ứng phó khi xảy ra sự cố tại những khu vực dễ nhận thấy. Trường THPT Nguyễn Gia Thiều cũng thành lập tổ PCCC của trường thường xuyên phối hợp với UBND, Công an sở tại bảo đảm công tác phòng ngừa.

Bà Phạm Thị Diễm - Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình (Hà Nội) - cho biết, thời gian qua các trường học trên địa bàn thường xuyên nhận được sự phối hợp của cơ quan công an trong công tác tuyên truyền kỹ năng PCCC&CNCH. Đơn cử, trong dịp hè vừa qua, quận Ba Đình đã hoàn thành việc triển khai mô hình thí điểm “Trường học an toàn phòng cháy chữa cháy” tại Trường Tiểu học Kim Đồng, Trường THCS Nguyễn Tri Phương…

Tại quận Hoàn Kiếm, Công an quận triển khai hiệu quả mô hình “chúng em là lính cứu hỏa”. Theo đó, hàng tuần tại không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, Công an quận Hoàn Kiếm đã tổ chức các buổi tập huấn, trang bị kỹ năng PCCC&CNCH cho lứa tuổi học sinh thu hút nhiều phụ huynh cùng tham gia.

Công an quận Hoàn Kiếm tổ chức chương trình trải nghiệm “Tuyên truyền, huấn luyện kỹ năng PCCC&CNCH” năm 2022 cho học sinh.

Đơn cử, buổi trải nghiệm, tập huấn tại Trường THPT Việt Đức, Thượng tá Hoàng Trung Kiên, Phó Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm, chia sẻ, học sinh khối THPT gần như trưởng thành về mặt hình thể, tư duy.

Đây là đối tượng tiếp cận nhanh với công nghệ thông tin và sử dụng tốt mạng xã hội. Vì vậy, cần được tuyên truyền, huấn luyện kỹ năng PCCC&CNCH để có thể tự thoát nạn, cũng như xử lý tình huống ban đầu nếu có cháy.

Các chiến sĩ đội Cảnh sát PCCC&CNCH cùng đội mẫu hướng dẫn kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm trong đám cháy bằng xe thang, dây hạ chậm, kỹ năng dập đám cháy ở khay xăng, phuy xăng, bình gas; tham quan tranh vẽ về nâng cao công tác phòng chống cháy nổ…

“Đây cũng là hoạt động có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc trong việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ cơ sở các cấp và giúp các em học sinh biết cách tự bảo vệ an toàn cho bản thân, phòng chống tai nạn thương tích và giúp đỡ người khác khi gặp sự cố…”, Thượng tá Kiên nhấn mạnh.

Còn tại huyện Thanh Trì, Công an huyện phối hợp Trường Tiểu học Triều Khúc tổ chức tuyên truyền PCCC&CNCH, diễn tập phương án chữa cháy và CNCH cho giáo viên, học sinh nhà trường.

Tại buổi tuyên truyền, các học sinh được tìm hiểu những kiến thức cơ bản về công tác PCCC, mối nguy hiểm của cháy nổ đối với cuộc sống con người, sự cần thiết của kiến thức PCCC đối với mỗi công dân. Đồng thời, được nghe khuyến cáo các nguy cơ cháy nổ trong trường học, các biện pháp phòng ngừa từ lực lượng cảnh sát.

Theo Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an TP Hà Nội, chủ động PCCC không bao giờ là thừa bởi chỉ cần một phút lơ là, chủ quan, ngọn lửa có thể thiêu rụi tài sản và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người.

Đối với các trường học, để công tác PCCC thực sự đem lại hiệu quả, chính quyền các địa phương cần chủ động phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra. Đồng thời, quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống PCCC theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành của Nhà nước.

Công an TP Hà Nội giám sát việc thực hiện đầy đủ quy định về thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC đối với các công trình trường học được cải tạo, mở rộng và xây mới. Trong đó, đặc biệt chú ý vấn đề giải pháp về lối thoát nạn, hệ thống điện, các trang thiết bị…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...