Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại Thanh Hóa

GD&TĐ - Sáng ngày 19/8, Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam đã đến làm việc, kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại Thanh Hóa.

Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Quỳnh

Sáng 19/8, kiểm tra phòng, chống bão ở Thanh Hóa, Phó Thủ tướng Vũ Đức yêu cầu tỉnh bảo đảm an toàn cho người dân, kiên quyết không để người dân còn ở lại những khu vực nguy hiểm khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền; chuẩn bị các phương án ứng phó mưa lũ do hoàn lưu sau bão.

Trực tiếp đi thị sát một số khu vực xung yếu ven biển và tuyến đê biển tại huyện Hoằng Hóa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh yêu cầu cần cảnh giác trước diễn biến bất thường của thời tiết, đặc biệt là trong mùa mưa bão, điển hình như cơn bão số 1 vừa qua.

“Chúng ta tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trong việc triển khai các biện pháp phòng chống bão số 3. An toàn của người dân là trên hết. Sau khi đã di dời người dân ở khu vực nguy hiểm, các đầm nuôi thủy sản cần tiếp tục rà soát để bảo đảm không còn người còn sót lại, ở lại”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và lưu ý cần thuyết phục, vận động người dân chấp  hành việc sơ tán, tránh bão; liên tục cập nhật, theo sát  diễn biến, đường đi của bão số 3 để ứng phó kịp thời.

Phó Thủ tướng cho rằng, hoàn lưu sau bão rất nguy hiểm, đề nghị tỉnh hướng dẫn người dân chủ động thu hoạch thủy sản; chuẩn bị vật tư, phương tiện để gia cố bờ bao và các công trình nuôi thủy sản. Các huyện miền núi chủ động tổ chức di dời các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm, ven sông suối, vùng trũng thấp, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất.

Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết ngay tối 18/8, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chủ trì cuộc họp với các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và 6 huyện, thị xã ven biển để chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 3, kiên quyết không để thiệt hại về người.

Các địa phương tổ chức di dời ngay các hộ dân tại các khu vực nguy hiểm ở ven biển và miền núi; thông báo, kêu gọi, tổ chức cho 7.049 tàu cá với 24.973 lao động vào nơi neo đậu, tránh trú bão; chỉ đạo vận hành các hồ chứa an toàn, kiểm tra, rà soát các phương án bảo đảm an toàn đê điều, tưới tiêu nước.

“Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông tin cảnh báo kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân. Kiên quyết không để xảy ra thiệt hại do chủ quan”, ông Nguyễn Đức Quyền nêu cam kết của tỉnh.

Theo báo cáo, Thanh Hóa hiện có 33.484 hộ/139.946 người ở khu vực mép nước, cửa sông cần sơ tán khi có bão; đối với sông lớn có 20.166 hộ/76.795 người ở khu vực bãi sông, vùng trũng thấp cần sơ tán khi có lũ; đối với sông con có 21.169 hộ/90.703 người ở khu vực bãi sông, vùng trũng thấp cần so sán khi có lũ; 5.942 hộ/24.624 người ở khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét…

Có 95 hồ chứa nước không đảm bảo an toàn, trong đó có 10 hồ không tích nước, 85 hồ tích nước hạn chế; 80 đập dâng bị hư hỏng có nguy cơ mất an toàn. Các chủ hồ, đập xây dựng xong phương án phòng chống lụt bão, phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du cho công trình năm 2016 đảm bảo theo quy định.

Ghi nhận thời tiết tại Thanh Hóa, từ tối 18/8 đến sáng 19/8 có mưa to và gió nhẹ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.