Đó là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Trung ương sáng 11/5, liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Phó Thủ tướng nêu rõ, từ đầu dịch Việt Nam là một trong những quốc gia có nguy cơ lây nhiễm cao nhất và cũng sớm có ca bệnh nhất. Ngay từ đầu, chúng ta đã đề ra chiến lược phòng, chống dịch nhất quán, từ các văn bản chỉ đạo của Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ.
Cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, toàn dân, đặc biệt là lực lượng nòng cốt trong chống dịch và sự hỗ trợ, hợp tác của bạn bè quốc tế, đã thực hiện nhất quán chiến lược đó, nên đến giờ phút này Việt Nam vẫn là một trong số những nước chống dịch tốt nhất trên thế giới.
Cập nhật đến ngày hôm nay, xét về tổng số ca nhiễm, Việt Nam đứng khoảng thứ 176 trên thế giới, còn số ca bệnh/100 triệu dân thì chúng ta đứng khoảng thứ 214/220 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Điều đó thể hiện những vấn đề mang tính nguyên tắc, chiến lược trong phòng chống dịch của Việt Nam đến giờ phút này hoàn toàn đúng đắn.
Ví dụ, ngay từ cuối năm 2019, đầu năm 2020, chúng ta đã đặt mục tiêu sẵn sàng điều trị nhưng đầu tiên không được để số ca nhiễm nhiều, bởi một nền y tế như của Việt Nam nếu có nhiều người nhiễm thì hậu quả sẽ khôn lường.
Lực lượng tham gia phòng, chống dịch là cả hệ thống chính trị, đặc biệt là toàn thể nhân dân. Vì vậy, công tác truyền thông của chúng ta cũng để phục vụ cho toàn dân tham gia phòng, chống dịch.
Các nguyên tắc, bước đi, phương châm chống dịch cũng được xác định rất rõ: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch và điều trị tích cực. Những nguyên tắc đó đến giờ phút này không thay đổi.
“Đến giờ phút này, thực tiễn đã chứng minh Việt Nam không chỉ chống dịch tốt, mà kinh tế vẫn tăng trưởng, chi phí, tổn thất do phòng, chống dịch vẫn là thấp so với các nước. Vị thế của đất nước tăng lên cũng có một phần do thành công trong phòng, chống dịch”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cho biết, trước tình hình dịch bệnh hiện nay, ông nhận được nhiều câu hỏi về việc đã cần phải có những biện pháp chống dịch mạnh hơn như giãn cách xã hội hay chưa. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, để thực hiện “mục tiêu kép”, chúng ta phải cân nhắc giữa áp dụng cách ly, giãn cách xã hội, khoanh vùng dập dịch và phát triển kinh tế, xã hội.
Đây chính là bản lĩnh của lãnh đạo các cấp, dựa trên cơ sở khoa học để đưa ra các quyết định phù hợp vừa chống dịch hiệu quả, vừa giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh.
“Quan điểm xuyên suốt của Ban Chỉ đạo từ trước đến nay là khoanh vùng nhanh nhất và gọn nhất có thể. Trường hợp khoanh vùng nhanh nhất nhưng chưa đủ chứng cứ để khoanh gọn thì tạm thời khoanh rộng hơn, nhưng chúng ta phải khẩn cấp xác định những yếu tố dịch tễ để nếu có thể thì thu hẹp phạm vi khoanh vùng”, Phó Thủ tướng nói và khẳng định “những vấn đề lớn trong chiến lược chống dịch là xuyên suốt, không thay đổi”.
Tùy từng giai đoạn, thời điểm chúng ta phải có điều chỉnh, tập trung vào những khâu nào, việc gì, phù hợp với tình hình, năng lực thực tế.
Qua mỗi đợt dịch bùng phát, chúng ta cần nhìn nhận lại một cách nghiêm khắc những bài học, kinh nghiệm, đặc biệt những gì làm chưa tốt để chấn chỉnh.
Ví dụ, đúc rút kinh nghiệm từ những đợt dịch trước và những ngày gần đây cho thấy các chỉ thị, văn bản chỉ đạo, quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch đều có đủ nhưng thực hiện không nghiêm, vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã rất nhấn mạnh vấn đề kỷ cương.
Phó Thủ tướng khẳng định những quan điểm từ trước đến nay của Chính phủ, Ban Chỉ đạo đều dựa trên những vấn đề có tính nguyên tắc, định hướng chiến lược của Trung ương, giao trách nhiệm cho các địa phương trên tinh thần “4 tại chỗ” và phát huy đầy đủ trách nhiệm, thẩm quyền của UBND, Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo các tỉnh/thành phố. Các địa phương căn cứ vào các hướng dẫn chuyên môn để có các biện pháp chống dịch cần thiết.
Đặc biệt cần lưu ý một số khâu. Thứ nhất là chủ động chuẩn bị lực lượng, vật tư, thiết bị theo kịch bản chung của toàn quốc. Trước đây, Chính phủ giao Bộ Y tế chuẩn bị cho kịch bản 10.000 ca nhiễm, nhưng do biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và tình hình quốc tế phức tạp hơn, Chính phủ đã giao Bộ Y tế xây dựng kịch bản cho tình huống có 30.000 ca nhiễm. Căn cứ kịch bản chung, Bộ Y tế sẽ hướng dẫn xuống các tỉnh để chuẩn bị.
Thứ hai, dựa trên các biện pháp chuyên môn các tỉnh có biện pháp phù hợp, chống dịch an toàn, thực hiện “mục tiêu kép”.
“Gần đây, Ban Chỉ đạo yêu cầu khi một tỉnh thực hiện cách ly, giãn cách xã hội ở địa bàn lân cận thì trao đổi với các tỉnh bạn để thống nhất. Trường hợp cách ly, giãn cách toàn tỉnh thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo mục tiêu kép”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.