Phố cổ Hà thành “ế ẩm” mùa dịch

Phố cổ Hà thành “ế ẩm” mùa dịch

Tháo chạy vì Covid

Quận Hoàn Kiếm là trung tâm văn hóa xã hội, điểm đến của du khách. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, lượng khách đã sụt giảm đáng kể. Hàng loạt nhà hàng, đơn vị kinh doanh đóng cửa, nhượng quyền kinh doanh.

Nhiều mặt bằng bất động sản đang đăng biển tìm khách thuê, chuyển nhượng lại mặt bằng ngay tại khu vực phố cổ. Hầu hết mặt bằng đều là nhà nguyên căn, căn hộ rộng có mặt tiền đẹp, thuận tiện kinh doanh. Nguyên nhân chính khiến các mặt bằng này “đóng băng” bỏ trống chủ yếu đến từ dịch bệnh.

Người mua hạn chế đến các trung tâm thương mại, kéo theo các khu vực mua sắm, ăn uống thường ngày vốn sôi động, nay vô cùng vắng vẻ. Như khu vực phố Tràng Tiền, phố Hàng Mã... thưa thớt người. Những vị trí “vàng” tại các trung tâm thương mại trước đây phải cạnh tranh, “xếp lốt” để được thuê kinh doanh thì nay cũng không hiếm điểm tạm dừng kinh doanh hoặc trả mặt bằng. Các phố Hàng Bông, Hàng Gai, Lương Văn Can, Lê Thái Tổ, Hai Bà Trưng... không khó thấy biển cho thuê mặt bằng hay hình ảnh đóng cửa hàng.

Trên phố Cửa Nam, anh Sơn Tùng - chủ cửa hàng kinh doanh thời trang cho biết, diện tích mặt bằng 20m2 kinh doanh sau năm 5 đã phải đóng cửa vì dịch Covid-19. Với giá gần 1.000 USD/tháng cũng phù hợp với vị trí mặt tiền phố Cửa Nam. Thông thường, lượng khách tìm đến cửa hàng khá đông. Nhưng gần 2 tháng qua vì dịch bệnh, khách mua thưa thớt.

“Tôi đóng cửa hàng từ cuối tháng 2. Đây là shop thời trang tôi mở đầu tiên trong chuỗi các cửa hàng khắp Hà Nội. Tôi trả mặt bằng cửa hàng phố Cửa Nam vì không kham nổi giá nhà cho cả chuỗi cửa hàng…”, anh Tùng nói và cho biết thêm khi dịch bệnh thậm chí nhân viên đòi nghỉ, khách ít và nhiều vấn đề.

Chị Huyền (137 Hàng Bông) đã phải đóng một cơ sở kinh doanh trên phố này ngay sau Tết vì dịch bệnh. “Diện tích cửa hàng là 40m2 với giá 40 triệu/tháng để kinh doanh đồ trẻ em. 40 triệu khi chưa có dịch thì phải “nhảy vào ngay” mới có giá đó. Bây giờ 40 triệu rất khó cho các bạn khác thuê lại. Nếu như tính lại chủ nhà đồng ý xuống 35 triệu thì thuê được…”, chị Huyền bày tỏ.

Là chủ cửa hàng trên Hàng Bông, chị Vân Anh chia sẻ, với diện tích 3m mặt tiền chiều dài khoảng 17m. Trước đây, chị Vân Anh cho thuê 30 triệu/tháng, nay để mức 25 triệu/tháng.

“Tôi muốn cho thuê lâu dài từ 2 đến 3 năm, thanh toán 6 tháng/lần. Vị trí mặt tiền phố rất đẹp, tuy nhiên mùa dịch sẽ có sự thỏa thuận về giá…”, chị Vân Anh chia sẻ.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP Hà Nội đã tạm thời ngừng hoạt động.
 Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP Hà Nội đã tạm thời ngừng hoạt động.

Ngừng hoạt động để đẩy lùi Covid-19

Trên các tuyến phố như Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến, Hàng Buồm…, các quán bar, nhà hàng, quán karaoke chủ yếu phục vụ khách nước ngoài đã đóng cửa. Những quán này treo biển “Xin trân trọng thông báo lịch tạm dừng hoạt động để chung tay góp phần đẩy lùi sự lây lan của dịch…”.

Anh Doãn Trung Hòa chủ quản lý quán bar 1900 (số 8 phố Tạ Hiện, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm) cho biết: “Ngay từ đầu tháng 2, chúng tôi đã thực hiện nghiêm túc các quy định phòng dịch Covid-19 như, nhân viên đeo khẩu trang, trang bị cồn rửa tay sát trùng và máy đo thân nhiệt… Đến nay, để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, quán tạm ngừng hoạt động”.

Theo Trung tá Phạm Thị Minh Huệ, Đội phó Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có 16 quán karaoke và 24 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm như quán bar, nhà hàng… đều đã ký cam kết phòng dịch Covid-19 theo hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Hiện tại, Công an thành phố Hà Nội tiếp tục tổ chức tuyên truyền, vận động, khuyến cáo các chủ cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường tạm thời ngừng hoạt động để phòng dịch bệnh, vì sự an toàn chung của cộng đồng. Việc tuyên truyền, giám sát sẽ được Công an thành phố phối hợp cùng lực lượng chức năng triển khai cho đến khi có thông báo mới.

Chiều 17/3, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho Báo GD&TĐ biết, dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề cho thị trường bất động sản ở phân khúc nhà cho thuê, văn phòng, trung tâm thương mại. Nguy hại hơn, chưa biết dịch bệnh kéo dài tới bao giờ. Nguồn cung căn hộ bất động sản nghỉ dưỡng khó bán. Nhiều sàn giao dịch bất động sản đã phải đóng cửa.

“Những người kinh doanh mặt bằng cửa hàng trên phố tại Thủ đô bị ảnh hưởng nặng nề. Kinh doanh ăn uống, thời trang rõ ràng không hiệu quả vì khách không quan tâm nhiều.

Ai cũng ngại ra đường, tụ tập. Người tiêu dùng chỉ quan tâm đến hàng hóa thiết yếu chứ không màng đến hàng dịch vụ, giải trí. Bởi vậy, các dịch vụ loại này hầu như đóng cửa. Điều này dẫn đến lượng diện tích cho thuê dư thừa. Cùng với đó, loại hình văn phòng mở, chia sẻ… trước đấy rất “hot”, nay gần như tê liệt. Những ảnh hưởng này sẽ là trong dài hạn với thị trường bất động sản. Nó phụ thuộc vào mức độ phục hồi sau dịch bệnh của nền kinh tế…”, ông Đính chia sẻ.

Theo ông Đính, nhiều doanh nghiệp địa ốc đang phải hoạt động cầm chừng, tạm dừng một phần để gồng mình lên chống tác động từ dịch Covid-19 và loạt những khó khăn khác. Bởi vậy, chủ mặt bằng bất động sản cần có sự thông cảm và sẻ chia với người kinh doanh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ