(GD&TĐ) - Theo một báo cáo mới đây (số 2589/SGDĐT-GDMN, ngày 02/11/2012) của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An: Tính đến hết tháng 10 năm 2012, Nghệ An có 304/480 phường, xã, thị trấn và 1/20 huyện, thành phố, thị xã đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Dự kiến đến hết tháng 12/2012 sẽ có Cửa Lò, Vinh, Diễn Châu, Đô Lương, Nghi Lộc và đến hết năm 2013 có thêm 12/15 huyện, thị xã còn lại (trừ Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong) được công nhận đạt chuẩn. Nói một cách khác, nếu dự kiến trên là đúng thì sau năm 2013, Nghệ An sẽ được công nhận là tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi khi ba huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong được công nhận đạt chuẩn.
Bà Lê Thị Hường, Trưởng phòng Phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, để đạt được kết quả nêu trên, Nghệ An đã phải tập trung đầu tư khá nhiều công sức: chuyển đổi 369 trường mầm non bán công sang công lập; tuyển dụng 5.684 giáo viên, nhân viên vào biên chế; mua sắm thêm 84,6 tỷ đồng thiết bị dạy học. Hiện nay, UBND tỉnh còn cho phép lập báo cáo kinh tế-kỹ thuật xây dựng các trường mầm non để xoá phòng học tạm, mượn, xuống cấp với tổng số vốn là 66.340 triệu đồng từ ngân sách tỉnh, huyện, xã và nguồn vốn khác.
Tuy vậy, để thực hiện có chất lượng việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, Nghệ An còn không ít khó khăn cần tháo gỡ, nhất là cơ sở vật chất trường học và đội ngũ giáo viên.
Trường MN Nghi Hải (Cửa Lò) phải ngăn đôi phòng họp làm thành hai lớp học. |
Theo Thông tư số 32/2010/TT-BGDĐT ngày 02/12/2010 của Bộ GD&ĐT quy định điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi thì các cơ sở phải có đủ phòng học theo hướng kiên cố, đạt chuẩn; trường lớp phải có bộ thiết bị dạy học tối thiểu; ở vùng thuận lợi phải có thêm các bộ đồ chơi, phương tiện để các cháu làm quen với máy vi tính.
Thế nhưng, hiện tại Nghệ An có 1.832 phòng học phục vụ cho 1.832 lớp mẫu giáo 5 tuổi thì chỉ có 1.035 phòng kiên cố và còn tới 361 phòng tạm, mượn, xuống cấp; 416/1.832 lớp mẫu giáo 5 tuổi còn thiếu bộ thiết bị dạy học tối thiểu; các trường mầm non mới có 4.169 phòng chức năng, còn thiếu tới 2.619 phòng; các trường cũng mới chỉ có 2.503/3.489 phòng vệ sinh đạt yêu cầu. Chính vì thiếu phòng học mà sĩ số các lớp học của nhiều trường mầm non vượt quá xa quy định cho phép, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nuôi dạy các cháu.
Trường Mầm non Nghi Hải (thị xã Cửa Lò) – một trường được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 từ năm học 2009-2010, hiện tại có 12 lớp với 408 cháu nhưng chỉ có 8 phòng học, nhà trường phải ngăn đôi phòng họp, rồi che chắn một số phòng khác để khắc phục tạm thời. Hay như Trường Mầm non Vinh Tân (thành phố Vinh) – một trường mới được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 vào tháng 8/2012, nhưng sĩ số của nhóm trẻ lên đến 40 cháu (quy định tổ chức lớp theo từng độ tuổi của ba độ tuổi (0, 1, 2), tối đa mỗi lớp theo độ tuổi từ nhỏ đến lớn lần lượt là 15 cháu, 20 cháu và 25 cháu); bình quân một lớp mẫu giáo là 51,2 cháu (quy định tổ chức lớp theo từng độ tuổi của ba độ tuổi (3, 4, 5), tối đa mỗi lớp theo độ tuổi từ nhỏ đến lớn lần lượt là 25 cháu, 30 cháu và 35 cháu).
Cũng theo Thông tư số 32/2010/TT-BGDĐT thì các cơ sở giáo dục mầm non phải có đủ giáo viên chuẩn và trên chuẩn; giáo viên được hưởng thu nhập và chế độ theo thang bảng lương (đủ giáo viên nghĩa là cứ 08 cháu nhà trẻ phải có 01 giáo viên, dư nhiều hơn 5 thì thêm 01 giáo viên nữa; 01 lớp mẫu giáo không bán trú từ 20 đến 25 cháu có 01 giáo viên, 01 lớp mẫu giáo bán trú từ 25 đến 30 cháu có 02 giáo viên, nếu dư nhiều hơn 10 thì thêm 01 giáo viên nữa). Thực tế tại Nghệ An, riêng giáo viên dạy lớp mẫu giáo 5 tuổi hiện nay có 2.653 người/1.832 lớp, đạt 1,45 giáo viên/lớp; tổng số giáo viên của cả tỉnh (không kể 1.237 giáo viên làm nhiệm vụ cán bộ quản lý nhà trường) là 8.468 người, nhưng chỉ có 7.423 người hưởng lương theo ngạch bậc, còn lại 1.045 người đang phải làm việc theo chế độ hợp đồng, lương được trả theo phương thức thoả thuận.
Một cán bộ quản lý (xin không nêu tên) ở một phòng GD&ĐT cho biết: Để có đủ điều kiện và đạt tiêu chuẩn phổ cập, một số nơi chỉ đạo các trường dồn cơ sở vật chất và giáo viên cho lớp 5 tuổi. Làm như vậy là chỉ lo cho trẻ 5 tuổi mà thả nổi trẻ ở các độ tuổi khác. Hơn nữa, nếu dồn giáo viên để mỗi lớp 5 tuổi có 02 người thì các lớp khác chỉ còn 01 giáo viên. Một lớp bán trú, làm sao 01 giáo viên có thể dạy dỗ, chăm sóc các cháu liên tục từ 6 giờ 30 đến 17 giờ 30 được. Theo cán bộ quản lý này, làm như vậy là không cơ bản, không chất lượng mà chỉ chạy theo số lượng, vì thế địa phương của cán bộ này kiên quyết không học theo.
Khi được hỏi về tình hình phổ cấp giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi của thị xã Cửa Lò, bà Nguyễn Thị Hà, Phó Trưởng phòng Phòng GD&ĐT ở đây thẳng thắn: Làm phổ cập cần nhất là hai điều kiện: cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Cả hai điều kiện này, hiện tại Cửa Lò đều thiếu. Cửa Lò có 8 trường mầm non thì 7 trường, mỗi trường thiếu từ 2 đến 4 phòng học. Còn giáo viên thì thiếu 10 người nữa mới đủ mỗi lớp 1,5 giáo viên. Năm 2011, Sở GD&ĐT kiểm tra và tỉnh đã công nhận Cửa Lò đạt chuẩn phổ cập giáo dục chio trẻ em mầm non 5 tuổi; nếu năm 2012 này mà Sở tiếp tục về kiểm tra thì chác chắn sẽ không đạt.
Cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên là hai nội dung mà các trường mầm non, các phòng GD&ĐT không thể lo liệu nếu không có sự ra tay của chính quyền các cấp, nhất là cấp huyện và tỉnh. Thời hạn để hoàn thành chỉ tiêu về phổ cấp giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi không dừng lại. Các cấp chính quyền không tập trung đầu tư trí tuệ, công sức, kinh phí để giải quyết hai khó khăn trên, chắc chắn sẽ không thể đạt kết quả như kế hoạch mà HĐND tỉnh đã phê duyệt.
Minh Đức