Phim “Những nhân viên gương mẫu”: Đuối và nhàm

GD&TĐ - Sau “Về nhà đi con” đình đám, khán giả yêu phim truyền hình Việt đã thấp thỏm mong chờ tiếp tục được thưởng thức những bộ phim mới chất lượng. Thế nhưng “Những nhân viên gương mẫu” - bộ phim nối sóng “Về nhà đi con” chưa gây được ấn tượng, thậm chí có phần đuối và nhàm.

Bộ phim “Những nhân viên gương mẫu” chọn bối cảnh thể hiện không hợp lý. Ảnh: VFC
Bộ phim “Những nhân viên gương mẫu” chọn bối cảnh thể hiện không hợp lý. Ảnh: VFC

Không cuốn hút vì… nhàm

“Những nhân viên gương mẫu” được mong chờ cũng bởi lẽ, phim được phát sóng vào khung giờ vàng (21 giờ - suốt từ thứ 2 đến thứ 6) của kênh phổ cập đến mọi đối tượng khán giả - VTV1.

Điều này đem đến cho khán giả những phỏng đoán: Hẳn rằng phim sẽ tiếp tục “noi gương” “Về nhà đi con” tiếp tục chiếm lĩnh tình yêu của khán giả đã và đang được gây dựng trong mấy năm qua, từ: “Sống chung với mẹ chồng”, “Người phán xử”, “Quỳnh búp bê”…

Và, hẳn rằng “Những nhân viên gương mẫu” sẽ kể cho khán giả nghe một câu chuyện hay, sống động, rất đời về dân văn phòng mà ai cũng biết, cũng hiểu, cũng thuộc… qua sự thể hiện của nhiều nghệ sĩ tên tuổi như: NSND Lan Hương, NSƯT Tiến Đạt, NSƯT Mạnh Cường, NSƯT Minh Hằng, NSƯT Tiến Minh, NS Vân Dung, Diễm Hương, Quỳnh Hoa, Thu Trang, Trung Ruồi…

Trước những kỳ vọng đó, lúc mới ra mắt phim, đạo diễn - NSƯT Lê Mạnh cũng từng chia sẻ rằng anh và ê-kíp sáng tạo có phần chịu áp lực. Nhưng chính những áp lực này lại là động lực để ê-kíp trau chuốt hơn cho phim.

Thế nhưng, dường như những mong đợi, kỳ vọng đó của khán giả cũng như ê-kíp sáng tạo với “Những nhân viên gương mẫu” vẫn chưa thể đạt được khi bộ phim đã chiếu được 9 tập song câu chuyện khá nhàm, chưa thể cuốn hút sự quan tâm của khán giả, thậm chí còn có phần… thất vọng.

Vì vậy, dù ngay sau mỗi tập phim, fanpage của “Những nhân viên gương mẫu” sớm tung ra

preview cho tập tiếp theo nhưng lượng khán giả xem không cao. Cùng với đó, những bình luận dành cho mỗi tập phim cũng rất hạn chế, chỉ được vài chục ý kiến, trong đó có cả những ý kiến chào mời có thể từ quản lý trang…

Nội dung bình luận cũng rất nhạt, vài bình luận tỏ ra hài lòng chung chung nên lọt thỏm giữa những lời khen diễn viên xinh đẹp là chính. Những cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố cùng các nhân vật của phim thậm chí cả những tranh cãi được thể hiện trong bình luận là chưa có.

Hội tụ một dàn diễn viên tài năng, ngoại hình bắt mắt; được trau chuốt về khuôn hình để nối sóng khung giờ vàng… vậy vì đâu mà “Những nhân viên gương mẫu” lại trở nên “mất điểm” như vậy?

Thậm chí, nếu làm phép so sánh thì ta thấy “Những nhân viên gương mẫu” cũng được xây dựng từ đề tài rất gần gũi dễ đem đến niềm đồng cảm của khán giả, giống như “Về nhà đi con”. Đó là câu chuyện ở công sở đâu đâu cũng gặp, lẽ ra sẽ khiến khán giả nhập cuộc và có thể luận bàn rôm rả, vậy mà…

Đuối bởi… bối cảnh

Lúc giới thiệu bộ phim, đạo diễn - NSƯT Lê Mạnh có nói rằng, “Những nhân viên gương mẫu” chọn bối cảnh tòa soạn tạp chí “Tinh hoa” để kể câu chuyện công sở là vì cho rằng bối cảnh này sẽ giúp bộ phim đỡ khô cứng và thể hiện được mọi góc cạnh của cuộc sống.

Nếu chưa xem phim thì xem ra sự lựa chọn này khá bắt kịp xu hướng của khán giả - xu hướng tò mò về việc quy hoạch báo chí hiện nay sẽ diễn ra như thế nào.

Thế nhưng, khi được thưởng thức những tập vừa mới được phát sóng của “Những nhân viên gương mẫu” thì lại thấy sự lựa chọn này của ê-kíp sáng tạo đã không chuẩn, không… “đắt” thậm chí khá tệ.

Chẳng phải, ngay trong thực tế, chuyện văn phòng có lẽ chưa khi nào phù hợp đối với tòa soạn báo chí. Vì nhẽ, đặc thù của dân báo chí là “chân chạy” thế thì sao có thể gọi điển hình cho cái bối cảnh văn phòng sáng cắp ô đi, tối cắp ô về như công sở?

Khi lên phim, sự lựa chọn này càng trở nên lệch pha hơn bao giờ hết. Đã thế, biên kịch, đạo diễn còn “nhồi” vào đây đủ loại chuyện: Chí chóe, hạnh họe, người này làm hại người kia nơi công sở; rồi chuyện nàng dâu mẹ chồng; chuyện ghen tuông; chuyện chạy chức chạy quyền; chuyện nhân viên cũ o ép nhân viên mới, chuyện đám cưới con sếp; chuyện sếp có vợ cũ - vợ mới…

Nói chung, “Những nhân viên gương mẫu” dường như tự trói chân mình vào bối cảnh tưởng là làm cho phim không khô cứng thì bỗng đâu trở thành chẳng ăn nhập gì, khiến cho mọi thứ đều trở thành lỡ cỡ.

Khi đó, nếu khán giả đòi hỏi một bộ phim đích thị đụng chạm đến vấn đề đang nóng hổi của báo chí - vấn đề quy hoạch, chắc chắn phim không đáp ứng được vì chỉ là mượn cớ đưa đẩy. Còn nếu khán giả đòi hỏi một câu chuyện văn phòng công sở đích thực thì “Những nhân viên gương mẫu” chỉ có thể đáp ứng được phần nào ở những tình huống cố gắn vào bằng cách thể hiện dường như quá thổi phồng một cách nhạt nhẽo vì sự không tới.

Vì vậy, yếu tố hài hước mà phim chọn là cách thức biểu đạt cũng không phát huy được thế mạnh khi các tình huống cứ trật khỏi bối cảnh.

Thêm nữa, lời thoại của phim không đặc sắc, luôn đều đều, ít cảm xúc, mang tính minh họa nhiều hơn. Thế nên, một dàn nghệ sĩ hùng hậu, diễn xuất tốt nhưng thật khó lòng cứu vãn được một kịch bản xây dựng bối cảnh khập khiễng cùng lời thoại mờ nhạt, suốt ngày chỉ là những cãi vã, đả kích rồi cố tình gây cười mà không có điểm nhấn, không có khoảng lặng…

Bộ phim “Hoa hồng trên ngực trái” đang được chiếu lúc 21 giờ 30 phút thứ 4 và thứ 5 trên kênh VTV3 cũng được kỳ vọng tiếp tục là bộ phim về đề tài gia đình đầy ấn tượng.

Tuy nhiên, qua 7 tập phim ban đầu, khán giả bắt đầu thấy mỏi khi liên tiếp bị ép vào những tình huống được định sẵn, không gây bất ngờ như kiểu gì Thái cũng là kẻ vũ phu, lăng nhăng; kiểu gì Khuê cũng là người vợ yếu thế; kiểu gì Trà cũng trở thành “tiểu tam…”.

Bên cạnh đó, bộ phim còn bị đem ra so sánh và đánh giá là trộn lẫn đủ kiểu nhân vật, đủ kiểu tình huống đã có ở những phim trước đó... Thêm nữa, diễn xuất thiếu tự nhiên của hai nhân vật chính: Thái và Trà càng khiến khán giả khó chịu.

Có thể ghi nhận “Hoa hồng trên ngực trái” xây dựng tình huống kể chuyện mới: Cuộc sống của Thái lệ thuộc vào thầy tướng số nhưng tiếc rằng lại khá hời hợt, không có chiều sâu và luôn để “lộ bài” khiến cho bộ phim giảm bớt sự tò mò cho khán giả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ