Khoảng trống của thể loại phim này cho thấy không chỉ kinh phí hạn hẹp mà tài năng và môi trường đào tạo chưa chính quy là những rào cản khiến cho thể loại phim này vẫn giậm chân tại chỗ.
Chưa có phim chiếu rạp
Theo con số thống kê năm 2015, mỗi năm Công ty TNHH MTV Hãng phim Hoạt hình Việt Nam sản xuất hơn chục tác phẩm nhưng thời lượng chỉ từ 5 đến 10 phút, tối đa là 20 phút. Với công nghệ làm phim hoạt hình như hiện nay thì vấn đề ra rạp là quá khó. Ngay cả những bộ phim đoạt giải trong các kỳ liên hoan, các cuộc thi thì sau khi trình chiếu lại vẫn chỉ để lưu giữ mà thôi. May mắn hoặc năng động hơn thì những bộ phim này được trình chiếu cho các nhà trường theo đơn đặt hàng thời vụ.
Một vài năm trở lại đây, một số nhóm làm phim hoạt hình trẻ cũng đã mạnh dạn áp dụng công nghệ 3D vào một số bộ phim hoạt hình của mình. Tiêu biểu là một số phim như Cô bé bán Diêm, Quyết định lịch sử, hay Dưới bóng cây… song các phim này vẫn chưa đủ sức nặng để có thể trụ vững khi ra rạp. Thành ra việc đưa những bộ phim hoạt hình gắn mác Made in Việt Nam tới rạp hiện tại vẫn là giấc mơ xa vời. Đạo diễn trẻ Trần Xuân Du, tác giả bộ phim hoạt hình Bình yên ở trên lưng cũng đã chia sẻ về khó khăn khi làm phim hoạt hình đó là vấn đề kinh phí. Để làm một bộ phim hoạt hình có chất lượng với thời lượng hơn chục phút thì nhà sản xuất phải đầu tư vài trăm triệu đồng. Hơn nữa mảng phim này ít khi được Nhà nước đặt hàng.
Thành lập từ năm 1959 nhưng cho đến nay, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam vẫn chưa khẳng định được chỗ đứng của mình. Theo ông Đặng Vũ Thảo - nguyên Giám đốc Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, thì ở Việt Nam chưa có trường đào tạo chính quy mang tính chuyên sâu và chuyên nghiệp cho những người có đam mê với thể loại này. Những người làm phim chủ yếu từ các lĩnh vực khác chuyển qua như phim truyền hình, điện ảnh… Có lẽ đây cũng chính là một khó khăn khiến cho thể loại phim hoạt hình chưa có những đột phá như mong muốn.
Những khởi sắc mới
Nếu như ở nước ngoài phim hoạt hình không chỉ bó hẹp với khán giả nhí mà còn hướng đến đối tượng người trưởng thành, thì tại Việt Nam thể loại phim này vẫn chủ yếu là làm cho các em nhỏ. Chính vì vậy mà dường như đối tượng khán giả cũng thu hẹp hơn. Song với những nỗ lực của mình, các nhà làm phim hoạt hình gần đây cũng đã luôn cố gắng cho ra đời những bộ phim có chất lượng hơn. Tại Lễ trao giải Cánh diều trong tháng 4, sự kiện các bộ phim hoạt hình như Mèo trắng và Mèo mun, Một lần đào ngũ và Bình yên ở trên lưng được nhận giải Cánh diều Vàng và Cánh diều Bạc chính là động lực cho những đạo diễn trẻ ở mảng thể loại phim hoạt hình tiếp tục say nghề.
Hiện tại, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh - đạo diễn của bộ phim hoạt hình Dưới bóng cây từng hấp dẫn được nhiều khán giả đã bắt tay vào thực hiện dự án phim hoạt hình chiếu rạp đầu tiên Việt Nam mang tên: Dưới gốc cây: Hành trình trở về. Bằng những quyết tâm và sự đầu tư kinh phí của ê kíp rất hy vọng khi ra mắt sẽ được công chúng hào hứng đón nhận.
Nằm trong giải thưởng phim ngắn thuộc chương trình Lễ hội phim hoạt hình Việt Nam – Hàn Quốc năm 2016, 4 bộ phim hoạt hình của Việt Nam tạo ấn tượng mạnh với các nhà làm phim đến từ Hàn Quốc. Giải Nhất chuyên nghiệp thuộc về Công ty phim hoạt hình Colory với bộ phim Cuộc phiêu lưu của Trứng, Chanh và Ớt, giải Nhì chuyên nghiệp thuộc về Hãng phim Hoạt hình Việt Nam với bộ phim Bông hoa Mặt trời; giải Nhất không chuyên thuộc về tác giả Nguyễn Thanh Tuyển với bộ phim Cáo, gà và chuột, giải Nhì không chuyên thuộc về tác giả Huỳnh Anh Kiệt với bộ phim Bài hát của hoa trắng.
Ông Nam Jin Kyu - Phó Chủ tịch Hiệp hội sản xuất phim hoạt hình Hàn Quốc cũng đã nhận định, với các tác phẩm như vậy thì tương lai hoạt hình Việt Nam hoàn toàn có cơ hội phát triển và vươn xa hơn nữa. Ở đó, các bộ phim hoạt hình của Việt Nam đã tạo nên bất ngờ những đề tài, chất liệu, cách thức, kỹ thuật rất đa dạng. Và dù mới dừng lại ở một cuộc thi nhỏ, giao lưu nhưng với kết quả trên không thể phủ định phim hoạt hình đang có nhiều chuyển biến khởi sắc.