Buồn và nhói lòng
“Điều ba mẹ không kể” được mở ra với những tình tiết vui tươi, hài hước: Ông Cho Nam Bong tán gẫu với đám bạn già về chiếc xe taxi – cái cần câu cơm của gia đình ông suốt mấy chục năm qua.
Bà vợ của ông – Lee Mae Ja ngồi học tiếng Anh líu lô với cô cháu gái. Anh con trai của ông bà – tiến sĩ Jin Soo thất nghiệp nằm dài chơi điện tử, tìm kiếm cơ hội việc làm từ niềm mong mỏi đầy… độc ác: Thay thế vị trí giảng dạy ở một trường đại học của vị giáo sư bị ốm sẽ mãi mãi không… ngồi dậy được.
Tất cả đều vui vẻ, duy chỉ có cô con dâu là cau có, mệt mỏi thúc chồng tìm việc để chuyển ra ở riêng…
Nhưng, sự tươi vui ấy chỉ là khúc dạo đầu để bắt đầu mở ra những cung bậc buồn đến thao thiết. Buồn làm sao khi ông Nam Bong trở về nhà với những tiếng quát tháo, mắng chửi, sỉ vả bà Mae Ja về cái nỗi bà là gánh nặng, bà dốt nát không biết đọc biết viết chỉ quanh quẩn nội trợ, bà đã quá chiều chuộng đứa con tiến sĩ thất nghiệp…
Ông bố ấy càng quá đáng hơn khi nguyền rủa vợ mình rồi quyết định đưa bà đến trại dưỡng lão giữa lúc bà Mae Ja điên khùng vì mắc bệnh mất trí nhớ và luôn dằn vặt ông về cái chết của cô con gái năm xưa.
Buồn làm sao khi đến một ngày ông Nam Bong chợt nhận ra nếu không có vợ thì đôi tất của ông không bao giờ khô, ông sẽ suốt ngày phải ăn bánh mì và ngủ không có chăn, đệm…
Đến một ngày ông vào trung tâm dưỡng lão tận mắt nhìn biết bao người già lặng lẽ cô đơn, nhìn vợ mình lúc thì khùng khùng lúc thì lặng chống cằm nhìn mãi xa xôi. Ông đón vợ trở về giữa lúc con trai và con dâu thấy hạnh phúc, thấy… dễ thở khi lần đầu có không gian riêng.
Buồn làm sao khi vợ chồng người con trai ra ở riêng vì cô con dâu không thể chịu nổi những lần bà Mae Ja bắt đầu nổi khùng hù dọa, đánh xé vì luôn lầm tưởng cháu nội là con gái đã mất; và thực sự hoảng hốt khi thấy bà rót ấm sữa nóng đổ khắp sàn, ngay cạnh chỗ cháu nội ngủ…
Và, nỗi buồn càng trĩu nặng khi ông Nam Bong phát hiện ra mình cũng bị mắc bệnh mất trí nhớ. Những tưởng tất cả đều sụp đổ.
Nhưng không, lần này lại là bà Mae Ja nâng đỡ những tâm hồn yếu đuối. Bà giục con trai hãy vì hạnh phúc của mình mà đến cùng vợ con rồi lại quay ra nựng nịu người chồng của mình. Cứ thế, hai người già lúc nhớ, lúc quên cùng sống trong ngôi nhà.
Có lúc, họ như hai đứa trẻ cùng chơi đồ chơi, cùng ăn bim bim, cùng la ó tranh giành… Có lúc họ như đôi vợ chồng son cùng bón cho nhau miếng cơm, cùng vắt chung cái chăn, cùng ngồi tựa vai ngắm hoàng hôn.
Đặc biệt, phải đến khi nhớ nhớ - quên quên ấy họ mới nhận ra những điều tuyệt vời nhất từ nhau: Bà Mae Ja không mù chữ mà bà đã biết đọc, biết viết nhờ nỗ lực học từ cô cháu nội; ông Nam Bong chỉ ác miệng còn trong sâu thẳm ông có trách nhiệm với gia đình và yêu thương bà hơn bao giờ hết…
Và, khi tỉnh táo nhất là lúc họ nhận thấy mình trở thành gánh nặng của con cái nên mỗi người đều có ý định ra đi sau khi đã để lại sổ tiết kiệm và ngôi nhà cho các con… Chầm chậm, chầm chậm, những thước phim ấy không ngừng chạm đến trái tim khán giả, cứa vào lòng khán giả…
Dường như bố mẹ và ta ở đó…
Phải 30 phút nữa mới bắt đầu suất chiếu buổi sáng ngày 30/7 của phim “Điều bà mẹ không kể” ở Trung tâm Chiếu phim quốc gia, thế nhưng, nhiều khán giả đã đợi sẵn ngoài sảnh.
Không chỉ là những cặp đôi vợ chồng “trốn việc, trốn con” đến xem mà còn có nhiều người đưa cả bố mẹ mình đến chờ phim… Và, khác với không khí ồn ào thường thấy, tất cả đều lặng im dường như để sự chờ đợi đuổi theo suy nghĩ của riêng mình.
Thêm nữa, bộ phim đã được chiếu 5 phút mà vẫn có cả chục khán giả vội vã chạy đến mua vé. Người đến kịp thấy mừng rơn vì không tiếp tục bị bỏ lỡ suất chiếu. Người chậm chân hơn sau vài phút tần ngần quay xe trở về nhưng không quên hẹn trở lại vào những suất chiếu liên tục buổi trưa, buổi chiều và cả buổi tối.
Trong ba ngày cao điểm, Trung tâm Chiếu phim quốc gia mở đến 8 suất chiếu trong ngày mà gần như suất nào cũng kín rạp (chừng 160 chỗ).
Vẫn là những lặng lẽ khi bộ phim khép lại. Nhiều khán giả đã ngồi nán lại đôi phút, vội lau nước mắt.
Lặng đi trong giọng nói, chị Bùi Thị Luyến bảo, dù bộ phim đã khép lại nhưng chị vẫn thấy nghèn nghẹn nơi cổ họng. Chị đã khóc khi xem phim vì như thấy bố mẹ mình ở đó, vì hiểu ra rằng bố mẹ nào trên thế gian này cũng luôn hy sinh và dành tất cả những điều tốt đẹp nhất cho con.
“Bộ phim thôi thúc tôi hãy trở về để được ở bên, được chăm sóc bố mẹ nhiều hơn khi chưa muộn…” – chị Luyến nói.
Cùng đến xem phim với vợ, anh Trần Bảo Trung cảm nhận bộ phim được kể với nhiều tình tiết gần gũi, thậm chí y chang đời thường. Anh như thấy mình ở trong đó, cũng chơi game và bị vợ đá đít như anh con trai của ông Nam Bong. Hay, cái tính gia trưởng, độc đoán của ông Nam Bong anh cũng gặp đâu đó ở ngay trong nhà mình và cả ở những gia đình xung quanh mình; cái thói mơ tưởng hão của anh con trai tiến sĩ cũng không khó gặp trong xã hội Việt Nam.
“Nhưng tôi thấy cái kết mở của bộ phim chưa thỏa đáng. Giá như phim thêm 5 phút nữa để có cái kết những người con tìm thấy cha mẹ mình, có thể người mẹ ra đi nhưng người cha vẫn ở lại…” – anh Trung bày tỏ.
Không phải là phiên bản mới của “The Notebook”
Có khán giả đặt câu hỏi, liệu bộ phim “Điều ba mẹ không kể” có phải là phiên bản Hàn của “The Notebook” (Nhật ký tình yêu) - phim Canada năm 2004? Đúng là hai bộ phim cùng kể về đề tài người già mắc bệnh mất trí nhớ nhưng không phải là một.
Nếu như “Nhật ký tình yêu” là bản tình ca lãng mạn của riêng Noah và Allie thì “Điều ba mẹ không kể” không đơn thuần là câu chuyện tình yêu của riêng ông Nam Bong - bà Mae Ja. Tình yêu ấy đã được đặt trong mối quan hệ gia đình truyền thống với 3 thế hệ.
Thế nên, “Điều ba mẹ không kể” là bản tình ca đủ cung bổng, cung trầm đủ sắc màu của những nỗi cô đơn của người già - nỗi vô tâm, ích kỷ của con trẻ; của những yêu thương, giận hờn có đúng có sai…