Phim chiến thắng lịch sử 30/4/1975: “Không sa vào bom rơi, đạn nổ...”

Phim chiến thắng lịch sử 30/4/1975: “Không sa vào bom rơi, đạn nổ...”

Theo biên kịch Lại Văn Sinh: “Trong cuộc chiến tranh này, con người mới là yếu tố quyết định chứ không phải vũ khí. Chúng tôi cố gắng thể hiện điều đó chứ không chỉ sa vào mô tả những cảnh bom rơi, đạn nổ...”.

Muộn vẫn phải làm!

- Thưa ông, “mối duyên” gặp gỡ của ông và 5 tập phim kể về chiến dịch Hồ Chí Minh trong bộ phim tài liệu “Con đường đã chọn” là thế nào?

Năm 2018, hai anh: Đặng Xuân Hải (Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam) và Phạm Cường (Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân) mời tôi tham gia dự án phim “Con đường đã chọn”. Các anh muốn tôi làm đạo diễn những tập đã viết, nhưng vì bận quá nên tôi chỉ nhận lời viết một số tập kịch bản mà không thể làm đạo diễn được.

Đây là phim nhiều tập và đã có đề cương (do anh Minh Lợi xây dựng) được duyệt, nên không nhất thiết phải viết tuần tự từ tập đầu đến tập cuối. Vì vậy ngay từ cuối năm 2018, chúng tôi đã triển khai những tập phù hợp với việc phát hành năm 2019. Anh Minh Lợi viết về Điện Biên Phủ, còn tôi viết về đường Trường Sơn và cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất. Đến cuối năm 2019 thì tôi hoàn thành tiếp các tập khác.

- Ông đã bắt tay thực hiện dự án trong bao lâu và có gặp thách thức, khó khăn nào không?

Tôi viết 10 tập trong tổng số 22 tập của bộ phim này. Bản thân con số đó đã là một thách thức không hề nhỏ. Khó khăn lớn nhất là tầm vóc của chiến thắng to lớn quá, sự kiện nhiều vô kể, mất mát cũng không ít, nhưng phải chọn lọc, tiết chế trong giới hạn 30 phút của mỗi tập phim. 

Có những sự kiện phải làm tới 2 - 3 tập thậm chí hơn nữa mới đầy đủ, như Đường Trường Sơn chẳng hạn, nay cũng chỉ gói gọn trong một tập. Có thể nói mỗi cảnh trong phim phải tính toán đến từng giây, thậm chí 1/2 giây.

Thêm nữa, nhiều nhân chứng quan trọng nay đã không còn, nguồn tư liệu rất hạn chế mà chúng ta lại không có điều kiện quay ở nước ngoài… Trong khi đó, muốn phim có được cái nhìn mới cần phải có nhiều tư liệu mới, nhân chứng mới và thể hiện sao cho trung thực, khách quan, khác với những phim đã làm.

Bên cạnh đó, trước đây đã có khá nhiều phim về đề tài chiến tranh, nhưng phần lớn (nếu không muốn nói là tất cả) đều là những phim lẻ về một trận đánh hay một sự kiện, nhân vật nào đó. Nhiều lắm cũng chỉ 3 - 4 tập về một chiến dịch.

Đây là lần đầu tiên chúng ta xây dựng một bộ phim dài tập về toàn bộ cuộc chiến tranh nhân dân trường kỳ và vĩ đại của dân tộc. Thực ra thì như vậy cũng đã là muộn. Nhiều nước như Mỹ, Pháp, Úc, Nhật, Thụy Điển… đã làm phim về đề tài này từ lâu rồi.

Lịch sử chỉ diễn ra một lần nhưng người ta phải viết về nó nhiều lần, từ nhiều góc độ khác nhau. Bởi thế, tuy muộn nhưng vẫn là việc phải làm, càng để muộn thêm, mọi chuyện sẽ càng khó khăn hơn.

Phim chiến thắng lịch sử 30/4/1975: “Không sa vào bom rơi, đạn nổ...” ảnh 1
Biên kịch Lại Văn Sinh.

Nhấn mạnh yếu tố con người

- Nguồn tư liệu mà ông tham khảo để có được một kịch bản phim dài 153 phút vừa dày dặn, chân thực về câu chuyện vừa có góc nhìn mới, đa chiều về chiến dịch Hồ Chí Minh?

Đến nay, chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, không ít tài liệu trong và ngoài nước đã được giải mật, nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử chiến tranh được công bố, nhiều cuốn hồi ký của người trong cuộc ở cả hai phía được xuất bản… Tuy chưa phải là đầy đủ và toàn diện, nhưng tất cả đều trở thành nguồn tư liệu quý giá cho những người làm phim.

- Ông đã có những đổi mới trong cách kể chuyện như thế nào để các tập phim tránh rơi vào khô cứng cũng như không khiến khán giả thấy “quen quen”?

Cuộc kháng chiến chống Mỹ được coi là cuộc đối đầu lịch sử giữa một bên là dân tộc Việt Nam yêu hòa bình, khát khao độc lập dân tộc và thống nhất đất nước với một bên là thế lực xâm lược giàu và mạnh bậc nhất thế giới. Bởi vậy nó đầy gian khổ, mất mát, đau thương nhưng vô cùng hùng tráng.

Phim cần phải thể hiện được sự đối đầu lịch sử đó. Trong cuộc chiến tranh này, con người mới là yếu tố quyết định chứ không phải vũ khí. Chúng tôi cố gắng thể hiện điều đó chứ không chỉ sa vào mô tả những cảnh bom rơi đạn nổ. Chẳng hạn trong trận đánh mở màn Buôn Ma Thuột, tôi viết khá kỹ về nghệ thuật nghi binh của quân đội ta, nó tài tình đến mức đã khiến cho đối phương không thể biết được đâu là hướng tấn công chính và vì thế hoàn toàn bị bất ngờ.

- Thông điệp mà các tập phim tài liệu này muốn gửi gắm đến khán giả hôm nay là gì, thưa ông?

Mỗi tập phim là một câu chuyện gắn với sự kiện lịch sử của cuộc kháng chiến. Nó đều mang một ý nghĩa nhất định để góp phần vào thắng lợi cuối cùng. Khi xem hết các tập của bộ phim, hy vọng mỗi khán giả sẽ nhận được thông điệp của những người làm phim gửi gắm trong đó.

Theo thông tin từ Điện ảnh Quân đội nhân dân, 5 tập phim từ tập 15 - 19 thuộc dự án phim tài liệu dài tập “Con đường đã chọn” do đạo diễn, NSND Lê Thi là tổng đạo diễn, biên kịch: Lại Văn Sinh. Trong đó, hai tập: “Tiến công chiến lược” và “Đòn thăm dò” do NSƯT Phạm Huyên đạo diễn, hai tập: “Điểm huyệt Tây Nguyên” và “Đánh trong hành tiến” do NSND Lưu Quỳ đạo diễn, tập “Thống nhất đất nước” do Bùi Chí Trung – Trần Vũ Anh đạo diễn. Được biết, trong phim có sử dụng hình ảnh tư liệu 16mm thu được của Quân đội Sài Gòn do Điện ảnh Quân đội nhân dân quản lý, lưu trữ, giải mã và lần đầu được công bố.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ