Bốn người vướng vòng lao lý
Khoảng giữa tháng 12/2014, giữa hai nữ sinh cấp 3 là Lê Thị Kim Yến (SN 1998) và Nguyễn Thị Yến Nhi (SN 1997, cùng ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) xảy ra mâu thuẫn khi giao tiếp trên mạng xã hội Facebook.
Khoảng 16h ngày 04/01/2015, Đỗ Tấn Khải (SN 1998) tổ chức tiệc chia tay để đi du học. Khải có mời Lê Thị Kim Yến, Đặng Ngọc Minh (SN 1996) và ba người bạn học khác đến dự. Tại đây, Yến có nói cho Khải nghe về chuyện Nhi hẹn gặp nhau để giải quyết mâu thuẫn.
Sau buổi tiệc, Yến đi cùng một bạn gái đến chỗ hẹn. Thấy cả hai là nữ nên Khải dùng xe máy chở Minh đi cùng. Cả nhóm đến điểm hẹn trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Trên đường đi Yến rủ thêm bốn người bạn nữa, để nếu có gì can ngăn.
Khi đến điểm hẹn, Yến thấy nhóm của Nhi có khoảng 5 - 6 người nữa đã đứng đợi sẵn. Mấy nam sinh ngồi trên xe, đám con gái của hai nhóm xông vào đánh nhau túi bụi. Một bạn nữ còn dùng điện thoại để quay lại cảnh đánh nhau, nhưng bị một người ngăn cản không cho quay.
Cùng lúc đó có người tri hô “công an” nên mọi người toán loạn. Trong lúc tháo chạy, Minh nói Khải chở đi mua dao để phòng thân. Cả hai vào siêu thị mua con dao dài khoảng 33cm.
Sau đó, nhóm của Yến đến quán cà phê trên đường Hoa Hồng (quận Phú Nhuận) để uống nước. Lẽ ra mọi chuyện sẽ chỉ dừng ở đó. Tuy nhiên, lúc này một cô gái trong nhóm nổi máu “anh hùng rơm” điện thoại cho Nhi đề nghị gặp mặt để tiếp tục “nói chuyện”.
Nhận được lời “thách đấu”, nhóm của Nhi cũng nhanh chóng có mặt.Tại quán cà phê hai “nữ chính” lại tiếp tục xông vào đánh nhau. Đỗ Tấn Khải thấy vậy thì xông vào can ngăn. Trong lúc hai bên cãi vã, em Tống Nhật Huy (SN 1998) là bạn trong nhóm của Nhi đang ngồi trên xe máy trước quán sử dụng điện thoại. Thấy Đặng Ngọc Minh cầm dao đi tới nên Huy nhắc Minh cất dao đi. Nghe vậy, Minh tiến ngay đến chỗ Huy dùng dao đâm tới tấp. nạn nhân định bỏ chạy thì bị Minh tiếp tục đâm nhiều nhát vào vùng sườn, thắt lưng, mông nạn nhân. Tống Nhật Huy được đưa đi cấp cứu ngay sau đó nhưng tử vong do mất máu cấp.
Sau khi đâm nạn nhân, Minh chạy ra xe để Khải chở để bỏ trốn. Ngày 8/1/2015, Minh đến cơ quan công an đầu thú.
Đặng Ngọc Minh và Đỗ Tấn Khải đã bị VKSND TP.HCM truy tố tội giết người. Nguyễn Thị Yến Nhi và Lê Thị Kim Yến bị truy tố tội gây rối trật tự công cộng.
Ngày 20/4, TAND TP.HCM đưa vụ ra xét xử sơ thẩm. Phòng xử chật kín, không còn một chỗ trống. Hai hàng ghế đầu là cha mẹ của bị hại và các bị cáo. Hơn chục học sinh là bạn học của các bị cáo cũng đến dự phiên tòa, nhưng do không có đủ chỗ ngồi nên phải đứng ngoài hành lang. Trong những chiếc áo đồng phục là những gương mặt trẻ măng đầy vẻ lo lắng.
Mặc dù được chủ tọa phổ biến cách xưng hô tại tòa, hoặc xưng bị cáo hoặc xưng tôi, nhưng các bị cáo vẫn quen cách xưng hô khi ngồi trên ghế nhà trường, nên từ đầu đến cuối đều xưng “con” với HĐXX.
Lỡ dở tương lai
Sau khi đại diện Viện kiểm sát đọc cáo trạng, Chủ tọa hỏi: “Các bị cáo thấy việc truy tố của VKS với bị cáo là đúng hay sai, có oan hay không?”.
Bị cáo Yến, Nhi, Minh đều cúi đầu thừa nhận: “Không oan”. Riêng Đỗ Tấn Khải ngập ngừng: “Khi hai bạn nữ đánh nhau con chỉ vào can ngăn. Con cũng không hề đánh hay đâm bạn Huy. Con không hề giết bạn ấy”.
Đại diện Viện kiểm sát giải thích: Đỗ Tấn Khải trước đó đã đồng ý với Đặng Ngọc Minh việc đi mua dao và đã dùng xe máy chở Minh đi, cho Minh mượn tiền để mua dao. Sau khi thấy nhóm của Lê Thị Kim Yến và nhóm của Nguyễn Thị Yến Nhi xảy ra đánh nhau, mặc dù đã bỏ dao rồi nhưng Khải đồng ý quay xe lại để Minh nhặt dao.
Tuy Khải và Minh cho rằng mục đích mua dao để phòng thân, nhưng Minh đã sử dụng chính dao này để đâm Huy, gây tử vong. Hành vi này của Khải đã giúp Minh trong việc chuẩn bị hung khí để thực hiện hành vi phạm tội. Do đó hành vi của Khải đồng phạm với Minh về tội “Giết người”.
Chủ tọa hỏi Khải: “Nếu bị cáo không cùng Minh đi mua dao, liệu Huy có chết không?”.
Bị cáo Khải cúi đầu: “Dạ không”.
Kiểm sát viên cũng giải thích vai trò của hai bị cáo Lê Thị Kim Yến và Nguyễn Thị Yến Nhi là nhân tố dẫn đến vụ án giết người. Hành vi của Nhi, Yến đã xâm phạm trật tự công cộng và làm ảnh hưởng đến an toàn xã hội nên cần xử lý nghiêm, để cải tạo giáo dục bị can.
Bị cáo Nhi giải thích về mâu thuẫn, khiến 2 nữ sinh phải hẹn nhau “thách đấu”: “Con với Yến học chung cấp 2. Do Yến nhỏ hơn con 1 tuổi nên kêu con là chị. Sau đó lên cấp 3 thì không học chung.Yến lên facebook (mạng xã hội) viết status (trạng thái) không tốt về con nên con yêu cầu xóa đi nhưng Yến không xóa vì thế con mới hẹn để nói chuyện”.
Chủ tọa: “Hẹn mấy lần?”.
Bị cáo Nhi: “Hẹn lần đầu ở trường, lúc đó Yến và Khải cũng đã đến xin lỗi con, con cũng đồng ý bỏ qua. Nhưng sau đó mấy người bạn trong nhóm không đồng ý, cứ nhất định phải hẹn gặp để giải quyết. Do vậy cả hai hẹn nhau ra đường Điện Biên Phủ, sau đó ra quán cà phê ở đường Hoa Hồng thì xảy ra sự việc”.
Chủ tọa nghiêm khắc: “Đồng ý bỏ qua rồi sao còn hẹn gặp nhau? Gặp nhau ở đường Điện Biên Phủ, bị cáo với Yến cũng lao vào đánh nhau, ở quán cà phê cũng lao vào đánh nhau. Các bị cáo là nữ sinh mà cứ có chuyện gì là hẹn đánh nhau vậy sao? Hai bị cáo có biết, chỉ vì mâu thuẫn cỏn con của hai bị cáo, mà bây giờ một bạn nam phải chết, nhiều người khác phải tù tội hay không?”
Hai bị cáo cúi đầu không dám ngẩng lên.
Vụ án xảy ra đúng vào ngày Đỗ Tấn Khải tổ chức chia tay để đi du học nước ngoài. Trước tòa, mẹ bị cáo này run run đề nghị: “Xin tòa xem xét cho con tôi còn đi học”.
Một thẩm phán trong HĐXX nhắc nhở: “Các bị cáo mới học lớp 10-11nhưng chỉ vì những mâu thuẫn cỏn con đã tụ tập đánh nhau, khiến một em học sinh phải chết oan. Là bậc làm cha làm me phải có trách nhiệm dạy dỗ uốn nắn các con, để xảy ra sự việc nghiêm trọng như vậy, rồi mới ra tòa lại xin cho con về đi học. Các bị cáo chưa thành niên, nhưng ở đây tôi không nhìn thấy trách nhiệm của cha mẹ”.
Vị thẩm phán trầm giọng: “Tôi muốn nhắc cha mẹ của các bị cáo có mặt ở đây, về pháp luật tòa không thể bắt các anh, các chị phải đến gia đình bị hại để thắp nén nhang chia buồn, nhưng thiết nghĩa đó là đạo đức cơ bản trong xã hội.
Các bị cáo ngồi đây rồi sẽ có ngày được tái hòa nhập cộng đồng, nhưng một gia đình khác lại vĩnh viễn mất đi một người con, hỏi có gì có thể bù đắp nổi?”. Phòng xử chật kín lúc này im phăng phắc, chỉ còn tiếng khóc nức nở của mẹ nạn nhân.
Phần xét hỏi diễn ra khá căng thẳng, do lời khai các bị cáo và các nhân chứng có nhiều mâu thuẫn. HĐXX đã quyết định trả hồ sơ để Viện kiểm sát điều tra bổ sung.
Ba bị cáo Lê Thị Kim Yến, Nguyễn Thị Yến Nhi và Đỗ Tấn Khải đang được tại ngoại nên được người thân nhanh chóng đưa về. Riêng bị cáo Đặng Ngọc Minh phải chở về trại tạm giam. Lúc bị giải đi, nam sinh này cố gắng ngoái lại để tìm kiếm ánh mắt của chị và mẹ. Những giọt nước mắt lăn dài trên má.